Doanh nghiệp Hà Tĩnh 'chuyển mình' trước làn sóng thuế quan mới từ Mỹ

Hàng hóa từ Việt Nam vào Mỹ phải chịu thuế quan 20% thay vì 46% như tuyên bố hồi tháng 4/2025 của Tổng thống Mỹ Donald Trump, giúp doanh nghiệp Hà Tĩnh có cơ hội mở rộng xuất khẩu.

Sau thời gian tạm hoãn áp thuế đối ứng của Hoa Kỳ, ngày 2/7 vừa qua, sau cuộc điện đàm giữa Tổng Bí thư Tô Lâm với Tổng thống Donald Trump, 2 quốc gia Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt được thỏa thuận về thuế đối ứng. Theo đó, hàng hóa từ Việt Nam khi vào Mỹ chịu thuế quan 20%, thay vì mức thuế 46% như tuyên bố trước đó (tháng 4/2025).

Cùng với đó, thuế quan sẽ tăng lên đến 40% đối với hàng hóa “trung chuyển” (transshipping) từ Việt Nam sang Mỹ; các sản phẩm của Mỹ vào Việt Nam được hưởng mức thuế 0%.

 Ngày 2/7, Tổng thống Donald Trump thông báo mọi hàng hóa từ Việt Nam khi vào Mỹ chịu thuế quan 20%. (Ảnh internet).

Ngày 2/7, Tổng thống Donald Trump thông báo mọi hàng hóa từ Việt Nam khi vào Mỹ chịu thuế quan 20%. (Ảnh internet).

Theo các doanh nghiệp xuất khẩu Hà Tĩnh, mức thuế trên là tạm chấp nhận được. Đặc biệt, trong bối cảnh các quốc gia khác phải chịu mức thuế đối ứng cao hơn Việt Nam (đơn cử như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Kazakhstan và Tunisia… chịu thuế 25%) thì đây là một lợi thế để doanh nghiệp Việt chuyển mình, tìm kiếm cơ hội đưa hàng sang Mỹ và nhiều thị trường khác trên thế giới.

Ông Phạm Văn Túc - Giám đốc Khối tổng hợp, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh (phường Vũng Áng) cho biết: “Nắm bắt cơ hội, công ty đã tái cấu trúc và khởi động sản xuất lại từ tháng 6 đến nay. Ngoài đối tác truyền thống Nhật Bản, hiện nay, công ty nhận được rất nhiều đơn hàng từ các quốc gia khác như: Hàn Quốc, Trung Quốc… Riêng đối tác Trung Quốc trước đây nhập hàng thủy sản từ Mỹ nhiều. Tuy nhiên, sau khi Mỹ và Trung Quốc xảy ra căng thẳng thương mại thì họ chuyển hướng tìm đến các nước khác, trong đó có Việt Nam. Trong bối cảnh hiện nay, chúng tôi nhận định đây sẽ là thời cơ thuận lợi cho doanh nghiệp. Dự kiến trong tháng 8, công ty sẽ khởi động kế hoạch sản xuất: mực, tôm, cá tẩm bột nhằm đa dạng hóa sản phẩm; đáp ứng thị trường xuất khẩu của nhiều quốc gia”.

 Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh tái cấu trúc để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh tái cấu trúc để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Để “chuyển mình” trong làn sóng thuế quan toàn cầu như hiện nay, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh đã đầu tư hơn 60 tỷ đồng để thay thế và nâng cấp dây chuyền sản xuất. Đơn vị đang tích cực tuyển dụng thêm khoảng 120 lao động để đáp ứng dây chuyền mới. Bình quân mỗi ngày, doanh nghiệp này sản xuất 1,8 - 2 tấn nguyên liệu. Khởi động sản xuất lại từ tháng 6 đến nay, Công ty CP Xuất nhập khẩu Thủy sản Nam Hà Tĩnh đạt doanh thu hơn 8 tỷ đồng. Với những tín hiệu vui từ thị trường xuất khẩu, công ty đang phấn đấu đạt doanh thu 40 tỷ đồng vào cuối năm 2025.

Không chỉ doanh nghiệp, trước làn sóng thuế quan, các HTX trên địa bàn Hà Tĩnh cũng đang tìm kiếm, nắm bắt cơ hội để đưa hàng xuất khẩu ra thế giới qua đơn vị trung gian ngoại tỉnh. Tại HTX Nguyên Lâm (xã Kỳ Anh), thời điểm này, công nhân đang tất bật sản xuất hàng đi Mỹ. Tiêu chuẩn đối với bánh đa vừng xuất khẩu đòi hỏi cao. Bởi vậy, trong tất cả các công đoạn, HTX Nguyên Lâm đều giám sát và kiểm tra, kiểm nghiệm chặt chẽ. Nguồn gốc nguyên liệu sản xuất được đơn vị lập bảng kê công khai, rõ ràng.

 Dây chuyền của HTX Nguyên Lâm đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu.

Dây chuyền của HTX Nguyên Lâm đáp ứng tiêu chuẩn sản xuất hàng xuất khẩu.

Anh Lê Văn Duẩn - Giám đốc HTX Nguyên Lâm cho biết: “Từ đầu năm đến nay, chúng tôi xuất khẩu hơn 600.000 sản phẩm ra thị trường các nước: Nga, Mỹ, Hàn Quốc; qua đó đạt doanh thu 1,2 tỷ đồng, chiếm khoảng 15% tổng doanh thu và tăng 10% so với cùng kỳ năm 2024. Việc Mỹ áp thuế đối ứng lên hàng nông sản xuất khẩu của Việt Nam phần nào ảnh hưởng đến sản xuất của HTX nên chúng tôi đang cân nhắc về lợi nhuận khi xuất khẩu đi các nước. Tuy nhiên, khó khăn chỉ là tạm thời. Về lâu dài, thị trường các nước vẫn rất tiềm năng nên HTX sẽ tiếp tục đầu tư dây chuyền, máy móc và chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng các tiêu chuẩn xuất khẩu”.

Thống kê từ Sở Công thương, toàn tỉnh hiện có khoảng 100 doanh nghiệp tham gia xuất nhập khẩu; trong đó, doanh nghiệp trực tiếp xuất khẩu khoảng 30 đơn vị. 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh đạt 805 triệu USD, giảm 26,65% so với cùng kỳ năm 2024. Đà sụt giảm xuất nhập khẩu chủ yếu từ Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa - doanh nghiệp chiếm kim ngạch xuất khẩu lớn nhất Hà Tĩnh và có sản phẩm xuất thị trường Mỹ. Theo đó, trong 6 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của FHS chỉ đạt 662,7 triệu USD, giảm 32,11% so với cùng kỳ năm 2024.

 Thép cán nóng của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa có nhiều lợi thế khi Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá.

Thép cán nóng của Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa có nhiều lợi thế khi Bộ Công thương áp thuế chống bán phá giá.

Theo lãnh đạo Sở Công thương, từ đầu năm đến nay, Bộ Công thương nhiều lần ra quyết định áp thuế chống bán phá giá với một số sản phẩm thép từ các nước khác nên có lợi cho Công ty TNHH Gang thép Hưng Nghiệp Formosa. Thay vì chú trọng xuất khẩu với nhiều áp lực từ chính sách thuế quan của Mỹ, Formosa đã chuyển hướng tìm kiếm thị trường nội địa nhiều hơn để giảm thiểu tác động. Vì vậy, kim ngạch xuất khẩu của Hà Tĩnh 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ.

Ông Võ Tá Nghĩa - Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Mỹ của Hà Tĩnh chỉ chiếm một phần rất nhỏ với sản phẩm: thép, dệt may... Do đó, chính sách thuế của Mỹ không ảnh hưởng quá nhiều đến hoạt động xuất khẩu của tỉnh. Dù không tác động trực tiếp nhưng chính sách thuế quan vẫn sẽ tác động gián tiếp đến doanh nghiệp xuất khẩu do biến động chuỗi cung ứng, làm gia tăng áp lực cạnh tranh. Bên cạnh đó, việc gia tăng rào cản xuất khẩu có thể làm hàng hóa dư thừa quay lại thị trường nội địa, khiến mức độ cạnh tranh thêm gay gắt”.

 Doanh nghiệp xuất khẩu Hà Tĩnh cần chủ động tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh hàng rào thuế quan từ Mỹ.

Doanh nghiệp xuất khẩu Hà Tĩnh cần chủ động tìm kiếm thị trường mới trong bối cảnh hàng rào thuế quan từ Mỹ.

Trước những khó khăn do hàng rào thuế quan, Sở Công thương khuyến nghị doanh nghiệp Hà Tĩnh cần chủ động nắm bắt, bám sát các thông tin thời sự, nhất là các mức thuế được điều chỉnh trong thời điểm hiện tại để xây dựng kế hoạch sản xuất - kinh doanh phù hợp.

Cùng với đó, doanh nghiệp chủ động tìm kiếm thị trường mới, chú trọng nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tối ưu hóa chi phí sản xuất và tuân thủ quy tắc xuất xứ để đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe của thị trường xuất khẩu.

Phan Trâm

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/doanh-nghiep-ha-tinh-chuyen-minh-truoc-lan-song-thue-quan-moi-tu-my-post291459.html