Muốn trụ vững tại thị trường Mỹ, doanh nghiệp cần 'tấm hộ chiếu' ESG
Mỹ đề xuất áp thuế lên đến 46% với hàng hóa Việt Nam, khiến thị trường xuất khẩu lớn nhất đối mặt rủi ro chưa từng có. Trong lúc đàm phán chưa ngã ngũ, doanh nghiệp Việt buộc phải hành động và ESG đang trở thành 'tấm hộ chiếu' không thể thiếu nếu muốn trụ vững tại Mỹ.
Đàm phán chưa ngã ngũ, doanh nghiệp cần hành động ngay
Ngày 7/5/2025, Việt Nam và Mỹ chính thức bước vào vòng đàm phán đầu tiên về chính sách thuế thương mại mới sau khi phía Mỹ đề xuất áp thuế lên đến 46% đối với một số nhóm hàng hóa xuất xứ từ Việt Nam.
Báo cáo phân tích "Cơ cấu xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang Mỹ: Ứng phó thuế quan và tầm nhìn dài hạn" của FiinGroup vừa công bố cho thấy, dệt may, gỗ và thủy sản là ba ngành hàng chủ lực, với tổng tỷ trọng xuất khẩu sang Mỹ chiếm khoảng 46% giá trị xuất khẩu Mỹ của doanh nghiệp nội địa. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này đang đối mặt với rủi ro lớn từ thuế quan của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu và duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Giới chuyên gia nhận định, điểm chung của các ngành trên là phụ thuộc nhiều vào gia công (OEM), ít doanh nghiệp làm chủ thiết kế hay thương hiệu, và chuỗi cung ứng nguyên liệu gắn với Trung Quốc.
Nếu mức thuế 46% được thực thi, giá hàng Việt tại Mỹ sẽ tăng vọt, giảm sức cạnh tranh, khiến doanh nghiệp có nguy cơ mất đơn hàng và thị phần vào tay các đối thủ như Bangladesh, Mexico, Ấn Độ hay Thổ Nhĩ Kỳ – những quốc gia có hiệp định thương mại hoặc ưu đãi thuế đặc biệt với Mỹ.

Cùng với ngành dệt may, thủy sản, ngành gỗ đang đối mặt với rủi ro lớn từ thuế quan của Mỹ, ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng xuất khẩu và duy trì hoạt động doanh nghiệp.
Mặc dù đàm phán đang diễn ra và kết quả chưa rõ ràng, nhưng các chuyên gia cho rằng doanh nghiệp Việt không nên bị động. Thay vào đó, đây là cơ hội để cải thiện hồ sơ minh bạch, chuẩn hóa chuỗi cung ứng và đặc biệt là đẩy mạnh phát triển bền vững theo chuẩn ESG – yếu tố ngày càng được Mỹ và các thị trường phát triển coi trọng.
ESG (Environmental – Social – Governance) là bộ tiêu chuẩn đánh giá mức độ phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, E – Môi trường yêu cầu sử dụng năng lượng sạch, xử lý rác thải, khí thải, tuần hoàn tài nguyên, S – Xã hội đòi hỏi quan hệ lao động, bảo vệ người lao động, chuỗi cung ứng có đạo đức. G – Quản trị buộc doanh nghiệp phải quản lý minh bạch, tuân thủ pháp luật, chống tham nhũng, công bố thông tin.
ESG ngày càng trở thành công cụ sàng lọc rủi ro thương mại, đặc biệt tại Mỹ và EU. Doanh nghiệp có báo cáo ESG đáp ứng yêu cầu quốc tế sẽ dễ dàng hơn khi đàm phán với đối tác Mỹ, tránh bị liệt kê vào danh sách theo dõi rủi ro xuất xứ cũng như được ưu tiên trong các đơn hàng có tiêu chí phát triển bền vững.
Trong bối cảnh này, doanh nghiệp Việt nên xây dựng báo cáo phát triển bền vững theo chuẩn quốc tế. Báo cáo ESG nên có cấu trúc rõ ràng, minh bạch, công bố theo các chuẩn mực. Trong đó, cần tập trung vào lượng hóa phát thải khí nhà kính (CO2), tỷ lệ sử dụng năng lượng tái tạo, chính sách lao động và bảo vệ người yếu thế, cơ cấu quản trị và minh bạch tài chính.
"Giấy thông hành" bắt buộc
Theo chuyên gia Phạm Hoài Trung - Cố vấn trưởng của SSBTi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn GreenGo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Azitech, các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tại Việt Nam dù là trực tiếp xuất khẩu hoặc tham gia vào chuỗi ung ứng xuất khẩu của các doanh nghiệp FDI cần phải hiểu về vòng đời của sản phẩm, xây dựng hệ thống quản lý theo phương pháp LCA (đánh giá vòng đời) để thực hiện các báo cáo phát triển bền vững mang tính tuân thủ và tự nguyện khác được yêu cầu bởi thị trường và chuỗi cung ứng quốc tế như GRI, CSRD, CBAM...

Chuyên gia Phạm Hoài Trung - Cố vấn trưởng của SSBTi Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng cố vấn GreenGo, Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty Azitech.
"Chính sách thương mại mới của Mỹ không chỉ trừng phạt, mà còn có yếu tố phân loại rủi ro doanh nghiệp. Doanh nghiệp Việt nếu chủ động chứng minh tuân thủ ESG có thể được miễn trừ/giảm mức thuế theo từng trường hợp cụ thể; ưu tiên trong danh sách đối tác tin cậy của các nhà nhập khẩu Mỹ.
Doanh nghiệp cũng dễ tiếp cận vốn tín dụng xanh từ các quỹ phát triển, ngân hàng thương mại quốc tế; thu hút khách hàng mới trong khối tiêu dùng bền vững, đặc biệt tại Mỹ và châu Âu", chuyên gia Phạm Hoài Trung nêu.
Dẫn phân tích của Viện Nghiên cứu chính sách Mỹ (USIP), ông Trung cho biết, các tập đoàn như Nike, Walmart, Amazon đều đã cam kết chỉ mua hàng từ các đối tác có hồ sơ ESG rõ ràng vào năm 2027. Điều này đặt ra yêu cầu sớm cho các doanh nghiệp Việt muốn giữ chân khách hàng Mỹ.
Thực tế cho thấy, tại Việt Nam, mới chỉ có một số ít doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán có báo cáo ESG. Các doanh nghiệp này bắt buộc phải thực hiện để đáp ứng theo yêu cầu của pháp luật về chứng khoán. Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có chế tài nào bắt buộc phải thực hiện báo cáo ESG, nhưng muốn cạnh tranh muốn phát triển bền vững thì báo cáo ESG chính là một lợi thế của doanh nghiệp. ESG sẽ trở thành "giấy thông hành" bắt buộc, nếu doanh nghiệp không muốn bị loại khỏi chuỗi cung ứng quốc tế.
Chính phủ cũng đang xây dựng các chính sách khuyến khích phát triển bền vững như gói tín dụng xanh, miễn giảm thuế môi trường, quỹ đầu tư vào công nghệ tiết kiệm năng lượng... Doanh nghiệp cần chủ động tiếp cận và hành động, thay vì chờ chính sách đến tay.
"Đàm phán giữa hai Chính phủ có thể kéo dài, có thể thỏa hiệp, có thể thắng lợi. Nhưng sự chủ động của doanh nghiệp mới quyết định ai sẽ trụ lại thị trường Mỹ trong 5 năm tới. Việc xây dựng báo cáo ESG không còn là lựa chọn, mà là yêu cầu bắt buộc nếu doanh nghiệp muốn giữ chân khách hàng, vươn ra toàn cầu và "miễn dịch" với các cú sốc thuế quan tương tự trong tương lai", chuyên gia khuyến nghị.