Doanh nghiệp hướng tới phát triển bền vững bằng các giải pháp tự nhiên
Hướng tới phát triển bền vững và mục tiêu Net Zero thông qua các giải pháp dựa vào tự nhiên (NbS) là mục tiêu mà các doanh nghiệp đang hướng tới. NbS được hiểu là các giải pháp sử dụng các hệ sinh thái và quy trình tự nhiên để giải quyết các thách thức xã hội, kinh tế và môi trường, phục hồi thiên nhiên đồng thời mang lại lợi ích kinh tế, xã hội cho con người.
NbS đóng góp 37% lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính
Đây là chủ đề chương trình tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững năm, do Hội đồng Doanh nghiệp vì sự phát triển bền vững Việt Nam thuộc Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VBCSD-VCCI) tổ chức ngày 9/8 tại Hà Nội.
Theo Ngân hàng Thế giới, dự kiến nhóm giải pháp này có thể đóng góp 37% lượng cắt giảm phát thải khí nhà kính vào năm 2030 theo Thỏa thuận Paris, đồng thời mang lại những lợi ích bổ sung như tăng cường khả năng chống chịu, sức phục hồi cho môi trường và hệ sinh thái trước thiên tai.
Tại COP 26, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã nhấn mạnh quan điểm “Mọi hành động ứng phó với biến đổi khí hậu phải dựa vào tự nhiên, lấy người dân làm trung tâm, là chủ thể để phát triển bền vững”. Đây tiếp tục là “kim chỉ nam”, phương châm hành động cho các cấp chính quyền, cho người dân, khẳng định trách nhiệm của Việt Nam trong ứng phó với biến đổi khí hậu, phục hồi tự nhiên.
Tổ chức ClimateWatch công bố dữ liệu thống kê cho thấy NbS là một phần quan trọng trong kế hoạch thích ứng và giảm nhẹ biến đổi khí hậu của các quốc gia, đồng thời góp mặt trong cam kết khí hậu quốc gia của 57 nước theo Hiệp định Paris. Nhóm giải pháp này cũng được đưa vào Bản đánh giá toàn cầu - Global Stocktake - là thành phần quan trọng của Thỏa thuận Paris được sử dụng để giám sát thực hiện và đánh giá tiến bộ chung đạt được trong việc đạt được các mục tiêu đã thống nhất.
NbS sẽ trở thành một trong những hướng đi ưu tiên được các Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trên thế giới và tại Việt Nam ưu tiên mạnh mẽ trong thời gian tới đây.
“Trong chương trình tập huấn năm nay, chúng tôi muốn giới thiệu đến các cơ quan truyền thông nội dung đang rất được quan tâm này để các nhà báo, phóng viên có thêm thông tin cập nhật về NbS. Qua đó hỗ trợ các nhà báo tác nghiệp hiệu quả hơn và đồng hành chặt chẽ hơn cùng VBCSD-VCCI, cũng như cộng đồng DN trên hành trình thúc đẩy kinh doanh bền vững, kinh doanh có trách nhiệm, kinh doanh “vị” tự nhiên”- ông Nguyễn Quang Vinh - Phó Chủ tịch VCCI, Chủ tịch VBCSD cho biết.
Tập huấn cho các cơ quan truyền thông về phát triển bền vững (PTBV) là sáng kiến của VBCSD-VCCI, được triển khai thường niên từ năm 2018. Chương trình nhằm cung cấp cho các cơ quan thông tấn, báo chí những thông tin cập nhật về các chính sách, định hướng phát triển bền vững của Đảng, Chính phủ, cũng như thực tiễn và các thông lệ tốt trong kinh doanh bền vững của cộng đồng doanh nghiệp tại Việt Nam.
Kinh doanh dựa vào tự nhiên mang lại 3 lợi ích tích cực cho doanh nghiệp
Theo ông Phạm Hoàng Hải - Phụ trách quan hệ đối tác Ban thư kí VBCSD, giải pháp kinh doanh dựa vào tự nhiên mang lại 3 lợi ích tích cực cho các doanh nghiệp.
Trong đó, thứ nhất là nâng cao uy tín, giá trị thương hiệu và trách nhiệm của doanh nghiệp với các vấn đề xã hội, giúp doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế, nâng cao vị thế doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu. Đồng thời tăng cường trách nhiệm giải trình, tính minh bạch trong sản xuất, kinh doanh đối với các bên liên quan;
Thứ hai, tạo các giá trị tích hợp, đồng lợi ích, mang lại giá trị đồng thời về môi trường, kinh tế, xã hội cho các bên liên quan cùng tham gia. Đảm bảo tính công bằng, hòa nhập, bao trùm cho cộng đồng địa phương cũng như trong chuỗi giá trị sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp;
Thứ ba, tăng cường quản trị rủi ro và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp thông qua hỗ trợ doanh nghiệp thực hiện sản xuất kinh doanh, thích ứng trong bối cảnh biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan và thảm họa thiên nhiên. Giúp doanh nghiệp phát triển các dự án, chương trình cải thiện hiệu quả kinh tế, đồng thời từng bước phục hồi hệ sinh thái.
Ở góc độ doanh nghiệp, bà Đào Thúy Hà, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Traphaco cho biết, Traphaco đã lựa chọn phát triển bền vững là sứ mệnh của doanh nghiệp. Cách đây 15 năm, doanh nghiệp đã phát triển dự án phát triển dược liệu bền vững GreenPlan, với nhiều vùng trồng/ thu hái dược liệu theo chuẩn GACP-WHO. Các vùng trồng của Traphaco được xây dựng theo mô hình 4 nhà (nhà hộ dân, nhà doanh nghiệp, nhà khoa học và nhà nước) và áp dụng kỹ thuật trồng trọt tiên tiến để đảm bảo chất lượng cao. Traphaco hỗ trợ người dân trong việc trồng, chăm sóc và thu hái sản phẩm tại các vùng trồng theo quy trình nghiêm ngặt, từ đó nâng cao thu nhập và đời sống cho bà con nông dân.
“Đến nay, Traphaco đã tạo được 8 vùng trồng dược liệu đạt tiêu chuẩn. Việc phát triển bền vững đã đem đến cho doanh nghiệp tạo được các sản phẩm đông dược đảm bảo tiêu chuẩn, phát triển ổn định, bền vững được người tiêu dùng tín nhiệm”, bà Đào Thúy Hà cho hay.
Bà Bùi Mỹ Trang - Quản lý phát triển bền vững ngân hàng HSBC Việt Nam chia sẻ, trong hơn 150 năm hoạt động của HSBC trên toàn cầu trong đó có Việt Nam, tập đoàn HSBC luôn có những cam kết mạnh mẽ cho các hoạt động trách nhiệm xã hội, đặc biệt các chương trình liên quan đến bảo tồn đa dạng sinh học, chống biến đổi khí hậu.
Từ năm 2000 đến nay, mỗi 5 năm HSBC sẽ ra mắt một chương trình trách nhiệm xã hội riêng liên quan đến môi trường khí hậu trên toàn cầu như chương trình Invest in Nature, Climate Solutions, Water Programme hay là gần đây nhất là chương trình Climate Solutions Partnership từ năm 2020-2025, hợp tác với WWF và WRI – World Resources Institute với nhiệm vụ phát triển các sáng kiến về Giải pháp dựa vào thiên nhiên và hỗ trợ sự chuyển dịch năng lượng tại Châu Á. Dự án này được triển khai ở 14 nước Châu Á bao gồm Việt Nam, Hàn Quốc, Hồng Công, Trung Quốc, Ấn Độ…
Theo bà Trang, các hoạt động trong khuôn khổ chương trình này sẽ giúp các quốc gia nói riêng và Châu Á nói chung đạt được những kết quả tích cực trong quá trình chuyển dịch phát thải ròng bằng không.
Tại Việt Nam, HSBC đã kết hợp với WWF cho cả hai dự án trong khuôn khổ Climate Solutions Partnership, một dự án liên quan đến chuyển dịch năng lượng tại các khu công nghiệp Tây Ninh và một dự án liên quan đến các giải pháp dựa vào thiên nhiên, dự án trồng 150ha rừng ngập mặn tại VQG Mũi Cà Mau, sử dụng phương pháp khoanh nuôi tái sinh tự nhiên. Đến độ tuổi trưởng thành, 7-8 năm thì 150ha rừng này sẽ có thể thu giữ 20,000 tấn Co2/năm và đóng vai trò như một vùng đệm ngăn giữa biển và đất liền/ sông suối, bảo vệ vùng Đồng bằng sông Cửu Long tránh khỏi thiên tai như xâm nhập mặn, xói mòn, lũ lụt…
Bên cạnh đó, tính quy mô của dự án của HSBC đã góp phần bảo tồn đa dạng sinh học về loại cây trồng, cách thức trồng và vị trí trồng rừng. Khả năng phát triển quy mô của dự án: khả năng hấp thụ Co2, tính đồng lợi ích với cộng đồng địa phương như tạo thêm việc làm, thu nhập cho người dân địa phương cũng như các vấn đề liên quan đến an ninh lương thực Cơ hội thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp, cộng đồng địa phương đối với dự án để đảm bảo tính kế thừa và bền vững
“Tính đến thời điểm này, dự án đã hoàn thành công tác khoanh nuôi 150ha rừng, với nhiều khu vực có cây cao gần 2m với mật độ dày đặc. Công tác bảo vệ chăm sóc rừng này vẫn đc tiếp tục đến năm 2027 để đảm bảo tính ổn định và bền vững của khu vực rừng. Bên cạnh việc nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư sống ở các xã xung quanh về tầm quan trọng của việc bảo tồn rừng, dự án cũng tìm hiểu và hỗ trợ các mô hình sinh kế thay thế để nâng cao chất lượng cũng như thu nhập của người dân.”- bà Trang cho hay.
NbS sẽ mang lại những cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp, tuy nhiên, để theo đổi mô hình này bà Phạm Thị Cẩm Nhung - Điều phối Chương trình khí hậu – Năng lượng (Tổ chức Quốc tế về Bảo tồn thiên nhiên tại Việt Nam - WWF Việt Nam), doanh nghiệp cũng đối mặt với rất nhiều khó khăn, nhất là vấn đề tài chính.
Để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp phát triển dựa vào tự nhiên, bà Phạm Cẩm Nhung đưa ra 4 khuyến nghị, bao gồm: Thiết lập cơ chế, chính sách, ưu đãi cho giải pháp thuận tự nhiên; Khai thác tiềm năng thị trường carbon đồng lợi ích giữa môi trường, xã hội và lợi nhuận kinh doanh; Lồng ghép NbS vào mô hình kinh doanh và chứng minh được tính hiệu quả kinh tế. Đặc biệt, cần có chính sách ưu đãi cho doanh nghiệp khi đầu tư kinh doanh vào mô hình NbS.