Doanh nghiệp lên tiếng trấn an nhà đầu tư khi chờ đàm phán thuế với Mỹ

Trước biến động chính sách từ Mỹ, nhiều doanh nghiệp lớn khẳng định không bị ảnh hưởng, đồng thời chia sẻ kế hoạch đẩy mạnh nội địa hóa và đa dạng hóa thị trường.

 Masan của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang không chịu tác động lớn từ thuế quan, nhưng sẽ theo dõi sát sao để có phương án thích ứng linh hoạt. Ảnh: MSN.

Masan của Chủ tịch Nguyễn Đăng Quang không chịu tác động lớn từ thuế quan, nhưng sẽ theo dõi sát sao để có phương án thích ứng linh hoạt. Ảnh: MSN.

Mức thuế đối ứng 46% đối với hàng hóa Việt Nam vào thị trường Mỹ kể từ ngày 9/4 thu hút sự quan tâm lớn từ cộng đồng doanh nghiệp và giới đầu tư.

Trong khi chờ đợi kết quả từ cuộc đàm phán giữa hai chính phủ, nhiều doanh nghiệp trong nước đã chủ động lên tiếng trấn an cổ đông, nhà đầu tư và đối tác nhằm ổn định tâm lý thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường chứng khoán liên tục lao dốc, nhiều mã cổ phiếu giảm sàn kể từ sau thông báo hôm 2/4 của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Có thể hưởng lợi từ thuế nhập khẩu hàng Mỹ 0%

Theo đại diện Masan, chính sách thuế quan mới của Mỹ tác động không đáng kể đến tập đoàn. Hiện, thị trường Mỹ chỉ chiếm chưa đến 1% doanh thu của Masan Consumer, trong khi các sản phẩm chủ lực của Masan High-Tech Materials được miễn trừ khỏi các biện pháp thuế đã công bố.

Đồng thời, giá cả tại chuỗi bán lẻ WinCommerce vẫn duy trì tính cạnh tranh so với các kênh khác. Ngoài ra, Việt Nam đang đề xuất áp thuế nhập khẩu 0% với hàng Mỹ, giúp giảm chi phí đầu vào cho ngành thực phẩm và thịt chế biến.

Dĩ nhiên, đại diện Masan cho biết doanh nghiệp vẫn theo sát diễn biến chính sách, đồng thời chuẩn bị các phương án kinh doanh linh hoạt nhằm ứng phó với những thay đổi có thể xảy ra trong hành vi tiêu dùng.

Trong lĩnh vực nông nghiệp, Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai (HoSE: HAG) Đoàn Nguyên Đức cũng gửi thư tới cổ đông, khẳng định không chịu tác động. Ông cho biết các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của công ty, đặc biệt là chuối, chủ yếu được tiêu thụ tại các thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc và Nhật Bản, không xuất khẩu qua Mỹ.

Trong đó, giá xuất khẩu sang Hàn Quốc và Nhật Bản được chốt theo năm, còn với Trung Quốc là theo tuần. Đặc biệt, giá tuần này đã tăng hơn 10% so với tuần trước, lên mức trên 12 USD/thùng.

Ngoài ra, ông Đoàn Nguyên Đức nhấn mạnh việc tỷ giá USD tăng trong thời gian qua lại là yếu tố tích cực đối với doanh thu xuất khẩu, do phần lớn chi phí đầu vào được thanh toán bằng tiền đồng. Dù vậy, vị này nhận định doanh nghiệp sẽ tiếp tục theo dõi sát sao tình hình quốc tế và linh hoạt điều chỉnh chiến lược kinh doanh nhằm bảo vệ lợi ích cho cổ đông.

Riêng với chăn nuôi, CTCP Nông nghiệp BAF Việt Nam cho biết ngô và đậu tương - nguyên liệu chính để sản xuất thức ăn chăn nuôi - hiện chiếm khoảng 65% chi phí sản xuất thức ăn và nguồn nhập khẩu chủ yếu đến từ Mỹ.

Do đó, chính sách giảm thuế nhập khẩu hai loại nguyên liệu này xuống 0% sẽ giúp BAF giảm đáng kể chi phí sản xuất, nhất là khi thức ăn chăn nuôi chiếm tới 60% giá vốn trong chăn nuôi heo.

 Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức mới đây đã gửi thư trấn an cổ đông. Ảnh: HAGL.

Chủ tịch HAGL Đoàn Nguyên Đức mới đây đã gửi thư trấn an cổ đông. Ảnh: HAGL.

Trong khi đó, một số doanh nghiệp có mức độ liên quan trực tiếp đến hoạt động thương mại với Mỹ cũng đang chủ động thích ứng và điều chỉnh chiến lược để giảm thiểu tác động từ chính sách thuế mới. Trong đó, CTCP Gemadept (HoSE: GMD) là ví dụ điển hình.

Đại diện doanh nghiệp nhận định chính sách tăng thuế có thể khiến doanh nghiệp Mỹ tìm nguồn cung thay thế, gây gián đoạn chuỗi cung ứng hiện tại của Việt Nam.

Tuy nhiên, tỷ trọng hàng hóa đi Mỹ tại cụm cảng Nam Đình Vũ chỉ chiếm dưới 10% tổng sản lượng, phần lớn phục vụ các thị trường châu Á - nơi được đánh giá có tiềm năng tăng trưởng tốt khi các quốc gia đang đẩy mạnh tái cấu trúc chuỗi cung ứng.

Theo đó, công ty đang có kế hoạch nâng công suất cụm cảng này từ 1,3 triệu TEU lên 2 triệu TEU vào cuối năm.

Đối với cảng nước sâu Gemalink, kể từ tháng 4, tỷ trọng hàng đi Mỹ dự kiến giảm từ 32% còn khoảng 20%, nhờ bổ sung thêm các tuyến dịch vụ mới đến châu Phi, châu Âu, Canada và Brazil.

Ở chiều ngược lại, luồng hàng nhập khẩu từ Mỹ không những không bị ảnh hưởng mà còn có thể tăng nhờ chính sách giảm thuế của Việt Nam, đặc biệt là đối với các mặt hàng chiến lược như thiết bị năng lượng tái tạo, công nghệ cao, dược phẩm, máy móc... Đây là cơ hội để Gemadept gia tăng sản lượng hàng nhập và triển khai giai đoạn 2 dự án Gemalink trong thời gian tới.

Lối ra khả thi cho doanh nghiệp

Là một trong những ngành có kim ngạch xuất khẩu tỷ USD sang Mỹ và có khả năng chịu tác động trực tiếp từ chính sách thuế mới, ngành gỗ cũng đang tích cực tìm kiếm hướng đi mới để giảm phụ thuộc vào thị trường này.

Theo Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Viforest), nhiều doanh nghiệp đã chuyển hướng sang khai thác thị trường nội địa, đồng thời mở rộng xuất khẩu sang các khu vực như châu Âu, Nhật Bản, Australia, Trung Đông và Canada.

Về sản xuất, các công ty chủ động cắt giảm chi phí, nâng cao hiệu quả vận hành và tìm kiếm nguồn nguyên liệu hợp lý hơn để bảo toàn dòng tiền.

Song song đó, Viforest cũng kiến nghị Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tham gia các hội chợ, triển lãm quốc tế nhằm quảng bá sản phẩm và kết nối với khách hàng mới ở những thị trường tiềm năng như Trung Đông, châu Phi, Ấn Độ và châu Âu.

Với ngành may mặc, sáng nay (9/4), Triển lãm Quốc tế ngành công nghiệp dệt may, thiết bị, nguyên phụ liệu và vải (SaigonTex - SaigonFabric) đã chính thức khai mạc dưới sự bảo trợ của 3 đơn vị hàng đầu của ngành dệt may là Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas), Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) và Hội Dệt may Thêu đan TP.HCM (Agtek).

Đây là sự kiện thường niên, nhưng theo ông Vũ Đức Giang - Chủ tịch Vitas, năm nay quy tụ đông đảo các doanh nghiệp trong ngành hơn so với mọi năm. "Họ đến để tìm hiểu, kết nối trong bối cảnh thị trường toàn cầu, đặc biệt là Mỹ, đang có những biến động mạnh về chính sách thương mại", ông Giang nói.

 Doanh nghiệp dệt may cần đa dạng hóa thị trường, đối tác và đơn hàng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Doanh nghiệp dệt may cần đa dạng hóa thị trường, đối tác và đơn hàng. Ảnh: Quỳnh Danh.

Theo ông Giang, dù ngành dệt may còn đối mặt với thách thức từ thị trường Mỹ, song ông nhìn nhận điều then chốt để duy trì sự ổn định và tăng trưởng là tiếp tục kiên định với chiến lược đa dạng hóa thị trường, đối tác và đơn hàng.

Để hiện thực hóa mục tiêu đó, ngành dệt may cần đẩy nhanh quá trình tự động hóa, đầu tư vào công nghệ quản trị số, đặc biệt là các thiết bị, máy móc ứng dụng AI và robot. "Những yếu tố này được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá cho ngành từ năm nay trở đi", ông Giang bổ sung.

Liên Phạm

Nguồn Znews: https://znews.vn/doanh-nghiep-len-tieng-tran-an-nha-dau-tu-khi-cho-dam-phan-thue-voi-my-post1544511.html