Doanh nghiệp 'mở kho' tiền tự cứu giá cổ phiếu
Chứng khoán sụt giảm mạnh, hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và rơi xuống mức sàn, buộc các doanh nghiệp phải 'mở kho' chi tiền mua lại cổ phiếu để cứu giá.
Xuất tiền đỡ giá cổ phiếu
Sau khi Mỹ bất ngờ công bố chính sách áp thuế quan đối ứng với nhiều quốc gia, trong đó Việt Nam chịu mức thuế cao thuộc nhóm đầu - lên tới 46%, thị trường chứng khoán Việt Nam rơi vào trạng thái hoảng loạn. Chỉ trong 4 phiên, VN-Index bốc hơi hơn 220 điểm, có thời điểm lao dốc về sát mốc 1.070 điểm, thổi bay hàng tỷ USD vốn hóa.
Mặc dù sau đó thị trường có dấu hiệu phục hồi nhờ thông tin Mỹ tạm hoãn áp thuế trong vòng 90 ngày để tiếp tục đàm phán, VN-Index vẫn chưa thể lấy lại mốc 1.300 điểm - vùng kháng cự mạnh từng mất nhiều tháng tích lũy để vượt qua. Hàng loạt cổ phiếu tuy đã bật tăng trở lại nhưng vẫn ở vùng giá thấp, phản ánh tâm lý nhà đầu tư chưa hoàn toàn ổn định.
Trong bối cảnh đó, nhiều doanh nghiệp đã quyết định chủ động "ra tay" cứu giá cổ phiếu bằng phương án mua lại cổ phiếu quỹ, chấp nhận giảm vốn điều lệ để hỗ trợ thị giá và trấn an cổ đông.

Hàng loạt cổ phiếu bị bán tháo và rơi xuống mức sàn, buộc các doanh nghiệp phải "mở kho" chi tiền mua lại cổ phiếu để cứu giá. Ảnh minh họa.
Công ty Vàng bạc Đá quý Phú Nhuận (PNJ) là một trong những đơn vị đầu tiên công bố kế hoạch mua lại cổ phiếu nhằm giảm vốn điều lệ. Chỉ trong vài phiên, cổ phiếu PNJ đã "bốc hơi" 25% giá trị, có tới 3 phiên giảm sàn liên tiếp, rơi về mức thấp nhất trong vòng 4 năm.
Lãnh đạo PNJ cho biết việc mua lại cổ phiếu là biện pháp phòng vệ cần thiết để bảo vệ lợi ích cổ đông trong bối cảnh thị trường biến động mạnh, dù công ty chủ yếu tiêu thụ nội địa và ít bị tác động trực tiếp bởi chính sách thuế của Mỹ. Công ty dự kiến chi khoảng 590 tỷ đồng để mua lại tối đa 8 triệu cổ phiếu, tương đương 2,5% lượng cổ phiếu đang lưu hành.
Không đứng ngoài xu hướng, Gemadept (GMD) cũng công bố kế hoạch mua cổ phiếu quỹ. Ban lãnh đạo cho rằng thị giá hiện tại chưa phản ánh đúng năng lực thực sự của doanh nghiệp và tiềm năng tăng trưởng. Công ty đang tiến hành xây dựng phương án chi tiết để trình cổ đông phê duyệt. CEO Nguyễn Thanh Bình đánh giá ảnh hưởng từ thuế quan Mỹ là có, nhưng ở mức kiểm soát được, khi tỷ trọng hàng hóa xuất sang Mỹ tại các cảng chủ lực của Gemadept đang giảm đáng kể.
Tập đoàn Thế Giới Di Động (MWG) cũng nhập cuộc với kế hoạch mua lại 10 triệu cổ phiếu, sử dụng nguồn vốn từ lợi nhuận chưa phân phối. Mục tiêu là giảm vốn điều lệ và tăng giá trị cổ phiếu trên thị trường trong giai đoạn biến động.
Tập đoàn Hoa Sen (HSG) cho biết sẽ mua lại từ 50-100 triệu cổ phiếu quỹ để "giữ nhịp" thị trường. Lãnh đạo tập đoàn khẳng định đang sử dụng vốn chi phí thấp, sẵn sàng can thiệp khi cần thiết để bảo vệ giá cổ phiếu và tâm lý nhà đầu tư.
Không chỉ các "ông lớn", nhiều doanh nghiệp quy mô nhỏ cũng hành động. Nhựa Tân Đại Hưng (TPC) thông qua kế hoạch mua lại tới 30% lượng cổ phiếu đang lưu hành, tương đương 6,75 triệu đơn vị, nhằm tăng lợi nhuận trên mỗi cổ phần và cải thiện khả năng chia cổ tức.
Lãnh đạo không đứng ngoài cuộc
Giữa làn sóng biến động mạnh của thị trường chứng khoán do chính sách thuế quan đối ứng từ Mỹ, không chỉ các doanh nghiệp triển khai kế hoạch mua lại cổ phiếu, mà ban lãnh đạo và người thân của họ cũng đồng loạt nhập cuộc, rót tiền vào cổ phiếu công ty như một cách để củng cố niềm tin thị trường và hỗ trợ giá.
Tại Gemadept (GMD), loạt lãnh đạo cấp cao đăng ký mua vào với tổng khối lượng lên đến hàng triệu cổ phiếu. Phó tổng giám đốc Nguyễn Thế Dũng và Đỗ Công Khanh mỗi người mua 1 triệu đơn vị, trong khi ông Phạm Quốc Long đăng ký mua 500.000 cổ phiếu.
Thành viên HĐQT Vũ Ninh cũng tham gia với 1 triệu cổ phiếu, còn ông Đỗ Nhật Tân - thân phụ của Chủ tịch Đỗ Văn Nhân - quyết định rót tiền mua thêm 1 triệu đơn vị GMD. Đây là một trong những đợt "gom hàng" nội bộ lớn nhất từ trước đến nay của doanh nghiệp cảng này.

Chứng khoán Việt đang dần phục hồi và tiến dần về mốc 1.300 điểm. Ảnh minh họa.
Tại Nam Việt (ANV), động thái mua vào diễn ra sau khi cổ phiếu ANV sụt giảm về mức thấp chưa từng thấy trong vòng 17 tháng - chỉ còn khoảng 12.400 đồng/cp. Ông Doãn Tới - Tổng Giám đốc - đã nhanh chóng đăng ký mua thêm 3 triệu cổ phiếu, thể hiện quyết tâm nắm giữ lâu dài.
Cùng thời điểm, con trai ông, ông Doãn Chí Thanh, Giám đốc khối kinh doanh - bị công ty chứng khoán thông báo bán giải chấp gần 3 triệu cổ phiếu, tuy nhiên thực tế không có giao dịch nào diễn ra nhờ đà phục hồi của cổ phiếu trên thị trường.
Cổ phiếu bất động sản cũng chứng kiến động thái tương tự. Chủ tịch HĐQT Hoàng Quân (HQC), ông Trương Anh Tuấn, đã công bố kế hoạch mua 23 triệu cổ phiếu trong giai đoạn giữa tháng 4 đến giữa tháng 5, sau khi mã HQC rơi xuống đáy hơn hai năm.
Trong khi đó, tại Big Invest Group (BIG), ông Võ Phi Nhật Huy, Chủ tịch HĐQT, khẳng định hoạt động kinh doanh của công ty không bị tác động bởi các yếu tố từ bên ngoài như chính sách thuế quan. Ông Huy đã đăng ký mua 1 triệu cổ phiếu BIG trong vòng một tháng, qua đó nâng tỷ lệ nắm giữ lên 23% nếu giao dịch thành công.
Làn sóng mua vào còn lan sang cả Hoàng Anh Gia Lai (HAG), nơi bà Đoàn Hoàng Anh, con gái của ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) - đã đăng ký mua 4 triệu cổ phiếu từ giữa tháng 4. Trong khi đó, ông Dương Đức Tính, Chủ tịch Tập đoàn ASG, đã nhanh tay đăng ký mua 3,5 triệu cổ phiếu ASG ngay khi đợt biến động thị trường nổ ra, nhằm củng cố vị thế sở hữu cá nhân và hỗ trợ thị giá.
Những động thái đồng loạt này cho thấy sự chủ động của các doanh nhân hàng đầu trong việc bảo vệ giá trị doanh nghiệp, đồng thời phát đi tín hiệu mạnh mẽ rằng: nội bộ vẫn vững niềm tin vào tương lai doanh nghiệp, bất chấp sóng gió từ bên ngoài.