Doanh nghiệp Nhà nước vẫn còn nhiều trở ngại trong chuyển đổi số
Thiếu cơ sở hạ tầng, nhân lực nội bộ cũng như lộ trình chuyển đổi số rõ ràng được xem là những yếu tố đang cản trở quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp Nhà nước hiện nay.
Phát biểu tại hội thảo Chuyển đổi số trong doanh nghiệp Nhà nước: Cơ hội và thách thức diễn ra sáng 26/7, ông Đoàn Hữu Hậu, Giám đốc tư vấn chuyển đổi số của FPT Digital nhận định, trong bối cảnh mới, chuyển đổi số không chỉ còn là xu hướng tất yếu mà còn là vấn đề "sống còn" đối với mỗi quốc gia, tổ chức, doanh nghiệp trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng.
Theo ông Hậu, các doanh nghiệp Nhà nước có lợi thế về bề dày lịch sử, mức độ hiện diện trên thị trường cao, cũng như có định vị ngành nghề ổn định và sự tích lũy lâu dài để phục vụ cho tiến trình chuyển đổi số.
Mặc dù được xác định là yếu tố "sống còn", các doanh nghiệp Nhà nước (có vốn Nhà nước) vẫn còn gặp nhiều thách thức trong tiến trình chuyển đổi số của mình. Tại sự kiện, đại diện FPT Digital chỉ ra 3 thách thức lớn mà các doanh nghiệp Nhà nước thường gặp phải trên tiến trình chuyển đổi số.
Một là, quy mô lớn, được đầu tư khá lâu, các nghiệp vụ và quy trình đã ổn định lâu dài nên khó khăn trong chuyển đổi mô hình, vận hành ứng dụng công nghệ mới.
Hai là, các doanh nghiệp mới tận dụng công nghệ mới, một cách linh hoạt, tập trung vào các khía cạnh một cách phù hợp dễ tạo ra sự khác biệt để cạnh tranh với doanh nghiệp Nhà nước.
Ba là, quy trình đầu tư, đặc biệt là công nghệ gặp nhiều khó khăn về mặt thủ tục, hiệu quả đầu tư.
Đồng tình với quan điểm trên, ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số (DTSI) cho biết, hành lang pháp lý là một trong những trở ngại lớn mà doanh nghiệp Nhà nước gặp phải.
Ông Lê Nguyễn Trường Giang, Viện trưởng Viện Chiến lược chuyển đổi số
Bên cạnh đó, việc chuyển đổi cách vận hành cũng làm phát sinh những khoản đầu tư lớn và với đặc điểm về sự chặt chẽ trong việc kiểm soát quá trình đầu tư dẫn tới hệ quả là thời gian ra quyết định chậm, thủ tục nhiều, nên việc xây dựng các sáng kiến số theo mô hình phát triển nhanh "Agile" hoặc xây dựng những hệ sinh thái đầu tư mới để thử nghiệm (Ecosystem) trở nên khó khăn do chưa có hành lang pháp lý cho quá trình này.
Đồng thời, chuyển đổi số đòi hỏi cái nhìn toàn cảnh, cách làm tổng thể và chỉ thành công, hiệu quả với với một tác động tổng thể của tất cả các yếu tố chuyển đổi cùng phối hợp. Tuy nhiên, đây lại là một trở ngại lớn trong cơ chế ra quyết định tại các doanh nghiệp Nhà nước.
Với quy mô rất lớn, mô hình phức hợp và định hướng phát triển chịu sự chỉ đạo của các doanh nghiệp Nhà nước, việc xây dựng các mô hình kiến trúc cho phù hợp cũng như điều chỉnh hàng năm cần có một chiến lược tích hợp kinh doanh, chuyển đổi số được thực hiện ngay từ giai đoạn bản lề trong thời gian đầu của việc ứng dụng công nghệ số và chuyển đổi số trong doanh nghiệp để dẫn hướng tiến trình.
"Trong khi, thực tế mới chỉ dừng ở việc hoạch định, vấn đề tổ chức triển khai, đặc biệt xuống các cấp thấp của tổ chức, đang là một điểm nghẽn lớn. Do vậy, chưa thực sự tạo ra được lợi thế cạnh tranh động cho doanh nghiệp nhà nước thông qua tiến trình chuyển đổi số", ông Trường Giang nêu rõ.
Ngoài ra, tiến trình chuyển đổi số cũng gặp những trở ngại trong hành lang pháp lý về quy trình, quy định cũng như cơ chế về việc thay đổi và áp dụng những mô hình tổ chức, mô hình nghiệp vụ, mô hình dữ liệu, mô hình vận hành.
Chính việc thiếu kiến trúc này dẫn đến việc chuyển đổi số không phát huy tối đa những lợi thế trong quá trình ứng dụng vào vận hành thực tế để chuyển đổi một cách căn bản và toàn diện doanh nghiệp sang bản chất kinh doanh mới, đó là trở thành một doanh nghiệp số.
Nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong thời gian tới, Viện Chiến lược chuyển đổi số đã xây dựng và phát triển một chiến lược nền tảng thông qua xây dựng kiến trúc dữ liệu nền tảng cho doanh nghiệp.
Đồng thời, lãnh đạo DTSI nhấn mạnh, chuyển đổi số là một tiến trình, không phải là một mô hình, hay phương thức. Tiến trình này mang tính phương tiện để giúp doanh nghiệp hay bất kỳ tổ chức nào thực hiện chuyển đổi hình thái tổ chức của mình, thích ứng trong kỷ nguyên số.
Cần nhận thức rõ chuyển đổi số là một cuộc cách mạng tư duy, đòi hỏi các doanh nghiệp, tổ chức phải chủ động đổi mới và sáng tạo dựa trên những khung khổ mang tính quy luật và nguyên tắc của tiến trình chuyển đổi số để định hình nên chiến lược và mô hình chuyển đổi phù hợp riêng cho doanh nghiệp, tổ chức của mình.
Chia sẻ dưới góc nhìn là một doanh nghiệp, ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Giải pháp doanh nghiệp Viettel cho biết, việc cấp thiết đầu tiên cần thực hiện đó là doanh nghiệp Nhà nước cần đánh giá mức độ trưởng thành số toàn diện trên toàn tổ chức và các lĩnh vực mà doanh nghiệp đang hoạt động.
Ông Nguyễn Chí Thanh, Phó Tổng giám đốc Giải pháp doanh nghiệp Viettel
Cùng với đó là kế hoạch chuyển đổi số cần được xây dựng một cách chi tiết, cụ thể với mục tiêu rõ ràng, tận dụng tối đa nguồn lực để mang lại kết quả tốt nhất.
Tại hội thảo do Báo Điện tử Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) tổ chức, các chuyên gia, đại diện doanh nghiệp và các công ty cung cấp dịch vụ tư vấn chuyển đổi số đã trao đổi, thảo luận về kinh nghiệm, bước đi nhằm cụ thể hóa các chủ trương chính sách lớn của Đảng và Nhà nước về chuyển đổi số trong giai đoạn sắp tới.