Doanh nghiệp vận tải chồng chất khó khăn
Nhiều doanh nghiệp vận tải cho biết, giá xăng dầu liên tục tăng khiến công ty khó khăn chồng chất khó khăn, nếu tiếp tục kéo dài, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ và ảnh hưởng đến nhiều hoạt động khác.
Chạy lấy... lỗ
Trước tình trạng giá xăng, dầu tăng kỷ lục trong thời gian qua, nhiều doanh nghiệp vận tải đang quay cuồng trước bài toán điều chỉnh giá cước sao cho phù hợp nhất.
Tăng giá cước trong bối cảnh hành khách vẫn còn thưa vắng sẽ rất mạo hiểm nhưng giữ mức giá cũ trong lúc giá xăng, dầu liên tục “nhảy múa” chẳng khác nào tự sát. Nhiều DN vận tải đang rơi vào tình trạng “tiến thoái lưỡng nan”.
Trong số các loại hình vận tải chịu ảnh hưởng bởi Covid-19, vận tải khách đường bộ vẫn đang gặp khó khăn nhất. Nguyên nhân chính là do không có khách. Kể cả cao điểm trước, trong và sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Nhâm Dần 2022 vừa qua, trong khi hàng không, đường sắt đều đã phần nào hút khách trở lại thì vận tải đường bộ vẫn... ế.
Bến xe vắng xe, những chuyến xe chỉ lác đác vài hành khách vẫn phải lăn bánh trên đường. Một số DN vận tải cố gắng “tăng gia sản xuất” bằng cách nhận vận chuyển hàng hóa nhưng cũng chẳng ăn thua trước sự lớn mạnh của các công ty vận chuyển hàng hóa chuyên biệt.
Chưa hết choáng váng vì ế khách, các DN vận tải khách đường bộ lại tiếp tục đối mặt với một “thử thách cực đại”, đó là giá xăng, dầu tăng vọt. Chỉ trong một thời gian ngắn, giá của mặt hàng chiếm tới 35 – 40% cơ cấu giá thành vận tải này đã liên tục “phá kỷ lục”. Không có khách, giá xăng dầu “nhảy múa”, các DN vận tải rơi vào thế khó khăn cùng cực. Chưa bao giờ bài toán tăng hay giữ giá cước lại trở nên khó giải đến thế.
Ông Khúc Hữu Thanh Hải - Giám đốc Công ty CP Vận tải thương mại và dịch vụ Đất Cảng cho biết, giá xăng, dầu tăng trong bối cảnh khách vẫn vắng khiến DN của ông vẫn chưa dám mạo hiểm tăng giá cước. Lựa chọn khả dĩ duy nhất lúc này là cho xe... nằm bến; đồng thời tìm cách cắt giảm chi phí vận hành để bù lại chi phí xăng, dầu.
Tuy nhiên, đó chỉ là giải pháp tạm thời. “Không chạy thì “chết” ngay lập tức, còn chạy thì “chết” từ từ. Thôi thì cố duy trì để xem có “sống” được đến khi giá xăng, dầu quay đầu giảm hay không” – ông Thanh Hải thở dài.
Theo ông Thanh Hải, DN đang sở hữu khoảng 200 đầu xe nhưng hiện nay chỉ hoạt động 20%. Số còn lại đều cho nằm bến. Ngay cả số đầu xe ít ỏi đang hoạt động kia cũng vẫn là chạy.... lấy lỗ. Bởi chi phí cho mỗi chuyến xe như vậy tới gần chục triệu đồng mà khách chỉ lác đác vài người. Chưa cần đợi đến khi giá xăng “phá kỷ lục” như hiện nay, nếu giá xăng vẫn ở mức như trước Tết thì không cần tính toán, xe lăn bánh cũng biết chắc sẽ lỗ.
Do ảnh hưởng dịch Covid-19 nên lượng khách đi lại các tuyến cố định có phần hạn chế. Cùng với đó, giá xăng, dầu tăng cao khiến các doanh nghiệp vận tải buộc phải cắt giảm giờ làm của nhân viên xuống 50% và cắt tuyến để tránh lỗ.
Ông Võ Đăng Khải, Giám đốc Công ty TNHH Vận tải Du lịch Phúc An (hãng xe Phúc An) - chuyên chạy tuyến xe giường nằm Nha Trang – TP Hồ Chí Minh cho biết, công ty buộc phải thực hiện chính sách cắt giảm giờ làm của nhân viên vì nếu trả đủ lương và chạy xe “thiếu giường”, doanh nghiệp sẽ kiệt quệ.
Bởi theo ông Võ Đăng Khải, trước Tết Nguyên Đán, giá dầu chỉ hơn 18.000 đồng/lít nhưng nay giá dầu đã hơn 25.000 đồng/lít tức tăng hơn 7.000 đồng/lít. “Theo quy cách 100km tốn khoảng 24 lít dầu. Mỗi chuyến Nha Trang – TP Hồ Chí Minh (hai chiều - PV) gần 1.000km tương đương 240 lít dầu. Hiện dầu tăng 7.000 đồng lít tức mỗi chuyến xe bù thêm khoảng 1,5 triệu đồng. Trong khi các chuyến xe thường thiếu khách với 15-20 khách ngày thường và chỉ đông khi cuối tuần nên công ty đang gánh lỗ khi giá xăng dầu tăng cao” – ông Võ Đăng Khải cho hay.
"Hiện công ty cho nhân viên làm một ngày, nghỉ một ngày để vừa duy trì công việc vừa giảm bớt quỹ lương. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng giảm từ 3 chuyến xe/ngày còn 2 chuyến/ngày để tránh thua lỗ. Chúng tôi sẽ có văn bản đề nghị xin tăng giá vé tuyến Nha Trang - TP Hồ Chí Minh thêm 20.000 đồng/vé khi giá xăng dầu tăng” – ông Võ Đăng Khải cho hay.
Trong khi đó, ông Nguyễn Hoàng Tuấn – Phó Giám đốc Công ty TNHH Thương mại – Dịch vụ - Du lịch Nha Trang – đơn vị chuyên cung cấp xe, ca nô cho các đơn lữ hành phục vụ khách du lịch cho biết, giá xăng, dầu tăng đang ảnh hưởng nặng đến ngành du lịch.
Ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho biết, khi giá xăng, dầu tăng, công ty buộc phải điều chỉnh lại hợp đồng với các đối tác. “Trong hợp đồng nếu giá nhiên liệu tăng hơn 15% thì đơn vị vận tải được điều chỉnh hợp đồng. Hiện, giá xăng, dầu đã tăng 30-40% nên doanh nghiệp buộc tăng thêm một khoản chi phí phù hợp” – ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho hay.
Việc đề xuất giảm thuế là rất cần thiết. Tuy nhiên, chúng ta phải tính tới các yếu tố như giá xăng, dầu trong nước không quá cao cũng như không quá cách biệt với giá thế giới, tránh tình trạng buôn lậu xăng, dầu sang thị trường nước ngoài. Đồng thời, chúng ta cũng phải cân đối đến khả năng chịu đựng của ngân sách vì khi giảm thuế dẫn đến giảm nguồn thu, gây mất cân đối thu chi cũng như tác động tới các mục tiêu tăng trưởng, bảo đảm nguồn thu đáp ứng nhiệm vụ chi cho bảo vệ môi trường.
Chuyên gia kinh tế Nguyễn Trọng Thịnh
Các đơn vị lữ hành cho biết, ngoài chi phí vận tải tăng, những mặt hàng khác tăng do giá xăng, dầu tăng nên giá tour bán cho khách sẽ tăng làm ảnh hưởng đến ngành du lịch, nhất là địa phương đang cố gắng kích cầu du lịch dịp 30/4 và mùa du lịch hè.
Giám đốc một doanh nghiệp vận tải TP Nha Trang có hơn 50 đầu xe 45 chỗ cho biết, hầu hết doanh nghiệp vận tải đều vay ngân hàng 60-70% giá trị xe nên khi dịch bùng phát, ngành vận tải thiệt hại nặng.
“Từ khi dịch bùng phát đến nay, chúng tôi phải bán hơn một nửa xe của công ty để trả các khoản vay ngân hàng nhưng đến nay vẫn còn nợ. Khi du lịch mở cửa, doanh nghiệp kỳ vọng sẽ khôi phục kinh doanh nhưng với giá xăng, dầu tăng như hiện nay, ngành vận tải tiếp tục gặp khó và nguy cơ vỡ nợ, phá sản, bị kê biên tài sản là rất cao” – vị này cho biết.
“Tôi cho rằng việc giảm thuế thu nhập doanh nghiệp trong thời điểm này là cần thiết để các doanh nghiệp trong ngành du lịch, đặc biệt là ngành vận tải có thể tiếp tục duy trì hoạt động, góp phần thúc đẩy ngành du lịch phục hồi, tạo động lực phát triển kinh tế địa phương. Hơn hai năm qua, doanh nghiệp vận tải và du lịch đã kiệt quệ vì ảnh hưởng dịch bệnh, nếu giá xăng, dầu tiếp tục leo thang, chắc chắn khó khăn sẽ chồng chất và khó có khả năng vực dậy nếu tình trạng kéo dài” – ông Nguyễn Hoàng Tuấn cho hay.
Trước sau cũng phải tăng giá cước
Theo khảo sát, hầu hết doanh nghiệp vận tải tuyến cố định đều muốn tăng giá vé nhưng lại lo lắng khách chọn phương tiện vận tải khác nên đang gánh lỗ nhiều tuần qua. Tuy nhiên, đến nay, với giá xăng, dầu tăng kỷ lục, các doanh nghiệp vận tải đang tiến hành đề xuất tăng giá vé cho những tuyến cố định.
Ông Lê Văn Linh – Hiệp hội Vận tải Khánh Hòa cho biết, qua nắm bắt thông tin các doanh nghiệp vận tải trên địa bàn, hầu như doanh nghiệp đang gặp khó khăn khi giá xăng, dầu tăng cao. Theo đó, một số doanh nghiệp chạy tuyến đường dài cố định sẽ đề xuất tăng giá vé vào giai đoạn cuối tháng 3. “Cá nhân tôi ủng hộ các doanh nghiệp đề xuất tăng giá vé trong bối cảnh hiện nay để duy trì tuyến cố định và giúp doanh nghiệp vượt qua khó khăn” – ông Lê Văn Linh cho hay.
Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên – Nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội nhận định, với mức giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay, cơ hội “sống sót” của các DN vận tải hành khách đường bộ gần như không có, nếu như họ không tăng giá cước. Tuy nhiên, vấn đề nằm ở chỗ, đây là thời điểm hành khách đi ô tô chưa nhiều. Nếu tăng giá cước mà không có sự cân nhắc, tính toán, các DN vận tải hoàn toàn có thể đối mặt với tình trạng nguy hiểm hơn.
“Tăng giá cước thì mất khách, nhưng nếu không tăng các DN vận tải vốn đang làm ăn thua lỗ sẽ càng lỗ nặng hơn. Nếu tình trạng này kéo dài thêm một thời gian nữa, chắc chắn nhiều DN vận tải sẽ không thể trụ vững” – ông Bùi Danh Liên cho biết.
Cũng theo ông Bùi Danh Liên, hiện nay, nhiều DN vận tải vẫn đang cố gắng giữ giá cước vì không muốn mất khách. Một số khác có điều chỉnh giá nhưng vẫn rất dè dặt và thận trọng. Đây gần như là đối sách duy nhất mà các DN vận tải có thể lựa chọn để đối phó với tình trạng xăng tăng, khách vắng. Song đó chỉ là giải pháp tình thế.
“Thời gian tới, nếu giá xăng, dầu không giảm, các DN vận tải buộc phải tăng giá cước. Đó sẽ là cách duy nhất mà họ phải lựa chọn dù muốn hay không” – chuyên gia Bùi Danh Liên chia sẻ.
Trong khi đó, ông Nguyễn Văn Quyền – Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam nhận định, việc các DN vận tải phải tính tới phương án điều chỉnh giá cước là khó tránh khỏi. Tuy nhiên, mặt bằng giá cước mới sẽ tác động tiêu cực, làm chậm thêm quá trình phục hồi thị trường vận tải và nhu cầu đi lại của hành khách sau đại dịch. Người tiêu dùng sẽ phải gánh chịu hậu quả của việc tăng giá cước.
Để hỗ trợ các DN vận tải trong bối cảnh khó khăn như hiện nay, ông Nguyễn Văn Quyền đề nghị Chính phủ cần miễn phí bảo trì đường bộ đến hết năm 2022 thay vì giảm 30% để kích cầu cho DN vận tải. “Nhà nước đã ban hành nhiều gói kích cầu, hỗ trợ DN. Liên Bộ Công Thương - Tài chính cũng phải vào cuộc tích cực, như vậy mới mong phục hồi được sản xuất, kinh tế. Các bộ, ngành cũng phải tạo điều kiện tối đa cho DN khôi phục sản xuất, kinh doanh” – ông Nguyễn Văn Quyền nói.
"Theo dự báo, giá xăng, dầu trong thời gian tới có thể tiếp tục tăng cao. Do đó, ngay từ bây giờ, các bộ, ngành liên quan cần tính toán đến giải pháp căn cơ, lâu dài chứ không thể dựa mãi vào quỹ bình ổn giá hay những giải pháp về thuế. Giá xăng, dầu phải dần theo sát giá thị trường trên thế giới và để thị trường điều tiết. Trong thời gian tới, nếu giá xăng, dầu vẫn tiếp tục tăng, các DN vận tải có thể tính đến phương án áp dụng công nghệ và quy trình xử lý khoa học vào vận hành, cũng như sử dụng xe tải đời mới nhằm tối ưu, tiết kiệm nhiên liệu, kiểm soát các chi phí." - Chuyên gia kinh tế - PGS.TS Ngô Trí Long
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-van-tai-chong-chat-kho-khan.html