Doanh nghiệp xuất khẩu tìm giải pháp vượt khó

Mức thuế 46% nếu được áp dụng sẽ là cú đánh lớn đến sức cạnh tranh của nhiều doanh nghiệp có hoạt động xuất khẩu sang thị trường Mỹ

Việc Mỹ dự kiến áp thuế đối ứng đang trở thành một thách thức lớn đối với các doanh nghiệp (DN) xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là trong các ngành như thủy sản, rau củ quả. Tuy nhiên, các DN và hiệp hội trong ngành cũng đã xác định được một số điểm thuận lợi để có thể giảm thiểu phần nào tác động tiêu cực từ chính sách này.

Phức tạp kịch bản ứng phó

Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Mỹ hiện là một trong những thị trường lớn nhất đối với thủy sản Việt Nam, đặc biệt là tôm, cá ngừ và cá tra. Hiện có hơn 400 DN đang xuất khẩu hoặc lên kế hoạch xuất hàng sang Mỹ và phần lớn áp dụng phương thức giao hàng tận kho bên Mỹ. Điều đó đồng nghĩa với việc DN Việt phải thanh toán toàn bộ chi phí vận chuyển, bảo hiểm và thuế trước khi giao hàng, trong khi chưa nhận được tiền từ đối tác Mỹ. Vì vậy, nếu mức thuế 46% được áp dụng, những lô hàng đang trên đường sang Mỹ sẽ bị đội chi phí lên rất cao và rơi vào thế bị động hoàn toàn.

Các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi tại talkshow của Báo Người Lao Động sáng 4-4 .Ảnh: TẤN THẠNH

Các chuyên gia và doanh nghiệp trao đổi tại talkshow của Báo Người Lao Động sáng 4-4 .Ảnh: TẤN THẠNH

VASEP ước tính hiện có khoảng 37.500 tấn thủy sản các loại đang vận chuyển đến Mỹ và thêm khoảng 31.500 tấn dự kiến xuất trong tháng 4 và 5-2025. Tuy nhiên, do chưa rõ phía Hải quan Mỹ tính thuế theo ngày nào nên các DN rơi vào trạng thái "nín thở". Nếu tính theo ngày cập cảng thì toàn bộ số hàng đang vận chuyển có thể bị áp mức thuế cao. Điều này sẽ khiến thủy sản Việt Nam mất lợi thế so với các đối thủ như Ấn Độ (26%), Ecuador (10%), Indonesia (32%) hay Thái Lan (36%).

Chia sẻ tại talkshow "Mỹ áp thuế 46% đối với hàng hóa Việt Nam - Giải pháp tích cực để tháo gỡ" do Báo Người Lao Động tổ chức sáng 4-4, các chuyên gia và DN đều cho rằng chính sách liên tục thay đổi từ khi tổng thống Mỹ công bố thuế đối ứng khiến việc lập kịch bản ứng phó trở nên vô cùng phức tạp. Ông Vũ Thái Sơn, Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước kiêm Tổng Giám đốc Công ty Long Sơn, cho biết ông và các DN đều hết sức bất ngờ và bị động trước chính sách mới của Tổng thống Donald Trump. "Mỹ là thị trường xuất khẩu hạt điều lớn nhất của Việt Nam, với kim ngạch xuất khẩu năm 2024 đạt trên 1 tỉ USD. Trường hợp Mỹ áp dụng chính sách thuế mới chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển của toàn ngành" - ông Sơn chia sẻ.

Chủ tịch Hiệp hội Điều Bình Phước cho hay ngay sau khi có thông tin về chính sách thuế mới, các DN điều đã chủ động liên hệ với khách hàng Mỹ để điều chỉnh kế hoạch giao hàng nhưng nhận được nhiều phản hồi khác nhau. "Có khách hàng trả lời nếu mở tờ khai hải quan trước ngày 9-4 thì tiếp tục giao nhưng cũng có người đề nghị tạm hoãn chờ chính sách rõ ràng hơn" - ông Sơn nói.

Cũng theo ông Sơn, chính sách thuế mới của Mỹ đã ngay lập tức tác động đến tâm lý toàn ngành. Giá điều thô châu Phi đã được chào hàng rẻ hơn nhưng DN chưa dám nhập với số lượng lớn vì lo ngại rủi ro.

Mặc dù vậy, mặt hàng điều vẫn có một số lợi thế nhất định. Do được xếp vào nhóm thực phẩm thiết yếu cùng với thịt, cá nên có khả năng không bị áp thuế cao để tránh gây ảnh hưởng đến lạm phát tại Mỹ - điều mà chính quyền Tổng thống Donald Trump không mong muốn. Ngoài ra, Mỹ không đòi hỏi chất lượng quá cao đối với mặt hàng điều nên thị trường này lâu nay là điểm đến chính của các DN vừa và nhỏ. Trong khi các thị trường khác lại đòi hỏi đầu tư bài bản, không dễ chuyển hướng.

Đối với ngành rau quả, ông Nguyễn Văn Mười, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho rằng thị phần xuất khẩu rau quả của Việt Nam tại Mỹ chỉ chiếm khoảng 1,2% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ. Năm 2024, Mỹ nhập khẩu rau quả từ Việt Nam trị giá 360 triệu USD trong khi Việt Nam lại nhập từ Mỹ đến 540 triệu USD. Do đó, khả năng bị áp thuế là không cao. Tuy nhiên, do chưa có quyết định chính thức từ phía Mỹ nên rất khó đưa ra kịch bản ứng phó phù hợp. "Từ nhiệm kỳ trước, ông Trump đã có sự thay đổi nhanh trong chính sách thuế nên chắc chắn từ nay đến ngày 9-4 sẽ còn có những thay đổi. Chúng tôi hy vọng không phải mức 46% mà sẽ có mức đàm phán hợp lý ở từng lĩnh vực, ngành hàng khác nhau bởi nếu áp thuế cao, bản thân người tiêu dùng Mỹ sẽ chịu tác động đầu tiên, kế đến là các DN và những đối tượng trong chuỗi giá trị" - ông Mười nêu quan điểm.

Cần sớm đàm phán với phía Mỹ

Trong bối cảnh cấp bách, VASEP đề xuất Chính phủ Việt Nam sớm tiến hành đàm phán với Mỹ. Trước mắt, cần thống nhất mốc thời gian tính thuế dựa trên ngày xuất khẩu trên vận đơn, thay vì ngày cập cảng. Về lâu dài, cần đề xuất Mỹ giảm mức thuế xuống phù hợp hơn, căn cứ vào thực tế Việt Nam không thao túng tiền tệ như báo cáo của Bộ Tài chính Mỹ đã xác nhận. Ngoài ra, do Việt Nam đang nhập khẩu hàng ngàn tấn khô đậu tương từ Mỹ - nguyên liệu quan trọng cho ngành thủy sản - với mức thuế 0%, nên cũng có thể làm cơ sở để đề xuất mức thuế phù hợp hơn từ phía Mỹ.

Ông Vũ Thái Sơn cũng kiến nghị thay vì đàm phán riêng rẽ theo từng ngành, Việt Nam nên nâng tầm đàm phán lên thành quan hệ chiến lược giữa hai quốc gia, từ đó cân bằng cán cân thương mại và tạo thuận lợi cho các DN xuất khẩu.

Về phía DN, ông Sơn mong Nhà nước giảm bớt thủ tục hành chính, tháo gỡ các rào cản không hợp lý đang làm tăng chi phí và làm suy yếu sức cạnh tranh của DN trong bối cảnh đầy biến động.

Theo TS Chu Thanh Tuấn, Phó Chủ nhiệm ngành kinh doanh Đại học RMIT Việt Nam, các DN cần điều chỉnh lại chuỗi sản xuất, tập trung tăng cường giá trị gia tăng trong nước và hạn chế sử dụng nguyên liệu trung gian từ Trung Quốc - yếu tố thường bị phía Mỹ kiểm tra gắt gao về xuất xứ. Việc đầu tư vào hệ thống truy xuất nguồn gốc và công nghệ đáp ứng tiêu chuẩn của Mỹ sẽ giúp DN vững vàng hơn trước các biến động chính sách. Một số DN có thể xem xét lắp ráp hoặc hoàn thiện sản phẩm tại Mexico - quốc gia có lợi thế thương mại với Mỹ nhờ Hiệp định USMCA - để duy trì khả năng tiếp cận thị trường Mỹ mà vẫn tránh được thuế cao.

TS Tuấn kiến nghị để nâng cao khả năng chống chịu lâu dài, Việt Nam cần cải cách thể chế, nghiêm ngặt trong việc thực thi quy tắc xuất xứ để tránh tình trạng hàng hóa Trung Quốc "đội lốt" Việt Nam. Nếu không kiểm soát tốt, nước ta có thể đối mặt với các biện pháp trừng phạt khác. Do đó, cần thành lập một tổ chức liên ngành, kết hợp giữa khu vực công và tư để theo dõi diễn biến thương mại toàn cầu, đánh giá tác động và đưa ra phản ứng chính sách kịp thời. Từ đó, Việt Nam sẽ chuyển từ thế bị động sang chủ động trong quản trị thương mại, nâng cao vị thế trong hệ thống thương mại quốc tế.

Cơ hội để tái cơ cấu sản xuất

Ông Nguyễn Văn Mười nhận định ở góc độ tích cực, việc Mỹ đánh thuế cao cũng có thể trở thành cơ hội để DN ngành nông - lâm - thủy sản tái cấu trúc sản xuất. Các DN cần đẩy mạnh ứng dụng công nghệ, đầu tư chế biến sâu để nâng cao giá trị sản phẩm, giảm phụ thuộc vào thị trường đơn lẻ. Việc quy hoạch lại vùng nguyên liệu kết hợp với xây dựng nhà máy chế biến tại chỗ là cần thiết để tối ưu chi phí. Ông cũng chỉ ra bất cập hiện nay là các địa phương như TP HCM, Bình Dương, Long An có nhiều nhà máy chế biến rau quả nhưng lại không có vùng nguyên liệu, trong khi những nơi như Đắk Nông có vùng nguyên liệu lớn nhưng lại thiếu cơ sở chế biến, gây lãng phí và tăng chi phí sản xuất.

Tín hiệu lạc quan từ ông Donald Trump

Ngày 3-4, Tổng thống Donald Trump phát đi tín hiệu sẵn sàng đàm phán về mức thuế đối ứng, sau khi thị trường chứng khoán Mỹ lao dốc do lo ngại chiến tranh thương mại. Ông khẳng định sẵn sàng thỏa thuận với các quốc gia khác để đạt được những đề nghị "tuyệt vời".

Theo hãng tin AP, các ngân hàng, nhà bán lẻ, ngành may mặc, hãng hàng không và các công ty công nghệ nằm trong số những ngành bị ảnh hưởng nặng nề nhất, khi người tiêu dùng dự kiến cắt giảm chi tiêu nếu thuế quan khiến giá cả tăng cao hơn. Nhiều nhà kinh tế cho rằng mức thuế đối ứng này tệ hơn nhiều so với dự báo và các nhà đầu tư đã bán tháo cổ phiếu của những công ty mà họ dự đoán sẽ chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ loại thuế này.

Theo tờ Euro News, thông báo về mức thuế quan mới đã gây hoảng sợ đối với các thị trường khi các nhà đầu tư lo ngại cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào suy thoái, thậm chí là "Đại suy thoái" tương tự những năm 1920. Bất chấp sự hỗn loạn, ông Donald Trump vẫn khẳng định tác động kinh tế chỉ là tạm thời và thị trường chứng khoán "sẽ bùng nổ".

Trung Quốc và Liên minh châu Âu tuyên bố sẽ trả đũa thuế đối ứng của Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron kêu gọi các nước châu Âu hoãn đầu tư vào Mỹ. Trái lại, các đối tác thương mại khác như Nhật Bản, Hàn Quốc, Mexico và Ấn Độ tuyên bố hoãn các hành động trả đũa để chờ sự nhượng bộ. Trong khi Bộ trưởng Ngoại giao Anh cho hay đang nỗ lực để đạt được một thỏa thuận kinh tế với Mỹ.

X.Mai

THANH NHÂN - NGỌC ÁNH - THÁI PHƯƠNG

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/doanh-nghiep-xuat-khau-tim-giai-phap-vuot-kho-19625040421193626.htm