Doanh nhân Huỳnh Tấn Phát: Khai mở bản sắc kiến trúc Việt (Kỳ 1)

Huỳnh Tấn Phát là kiến trúc sư Việt Nam đầu tiên mở văn phòng kiến trúc sư tại Sài Gòn để cạnh tranh với các kiến trúc sư người Pháp trong ngành kiến trúc xây dựng Việt Nam thời Pháp thuộc. Ông ghi dấu ấn mạnh mẽ với nhiều công trình kiến trúc vẫn còn tồn tại ở TP.HCM cho đến nay.

Huỳnh Tấn Phát còn có tên gọi là Sáu Phát, sinh ngày 15/2/1913 tại Châu Hưng, huyện Bình Đại, tỉnh Bến Tre. Khi đến tuổi học trung học, ông lên Sài Gòn học trường Pétrus Ký (nay là Trường THPT Lê Quý Đôn). Những năm 1933-1938, ông học ngành kiến trúc trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương tại Hà Nội. Là một sinh viên vừa thông minh vừa chuyên cần, sau năm năm học tập, ông đỗ thủ khoa ngành Kiến trúc. Sau khi tốt nghiệp, nhà kiến trúc trẻ tuổi đã trở về Sài Gòn và làm thực tập tại Văn phòng kiến trúc sư Chauchaon.

Ghi dấu ấn trong ngành kiến trúc Việt Nam

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

Kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát

Sau thời gian thực tập làm kiến trúc cho người Pháp, với năng khiếu bẩm sinh và năng lực sáng tạo dồi dào, năm 1940, Huỳnh Tấn Phát đã quyết định khởi nghiệp bằng việc mở văn phòng kiến trúc sư của riêng ông tại số nhà 68 - 70 đường Mayer. Đây là văn phòng kiến trúc sư đầu tiên của người Việt Nam tại Sài Gòn. Với tài năng và năng lực làm việc của tuổi trẻ, chỉ sau ít năm mở văn phòng, danh tiếng của Huỳnh Tấn Phát lan rộng trong ngành kiến trúc xây dựng Việt Nam bởi các thiết kế sáng tạo và tinh tế của ông rất được người Pháp đánh giá cao.

Là học trò của các kiến trúc sư người Pháp truyền bá trào lưu kiến trúc hiện đại và sáng lập phong cách kiến trúc Đông Dương, kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát chịu ảnh hưởng kiến trúc hiện đại, song đã tiếp thu những tinh hoa của kiến trúc truyền thống và khai thác trong ý tưởng sáng tác kiến trúc các công trình biệt thự, nhà ở.

Từ công trình đầu tay đến công trình cuối đời, bút pháp của kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát cho thấy ông là người uyên thâm, tinh tế cả về kiến trúc công trình cũng như quy hoạch đô thị. Nhưng trên hết là ý tưởng tạo dựng một nền kiến trúc Việt Nam hiện đại với niềm mong mỏi: Nền kiến trúc ấy sớm hội nhập sánh kịp, cùng các nền kiến trúc danh giá trên thế giới.

Các công trình tiêu biểu do ông thiết kế xây dựng vẫn còn tồn tại ở Sài Gòn cho đến nay, phải kể đến như Câu lạc bộ Thủy quân (số 7 - 9 Lê Duẩn, Phường Bến Nghé, quận 1, TP.HCM). Đây là công trình đầu tay của ông với tổ chức không gian chặt chẽ, mạch lạc, sinh động, tạo được nhiều góc nhìn đẹp. Hình dáng tòa nhà mô phỏng con tàu như đang lướt sóng ra khơi, rất phù hợp với nội dung và tính chất của câu lạc bộ thủy quân.

CLB thủy quân - nay là Văn phòng II Phủ Thủ tướng (số 7, Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM)

CLB thủy quân - nay là Văn phòng II Phủ Thủ tướng (số 7, Lê Duẩn, quận 1, TP.HCM)

Một công trình khác do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế là Bệnh viện Saint Paul (số 280, đường Điện Biên Phủ, nay là Bệnh viện mắt TP.HCM), còn có các tên khác là Dưỡng đường Saint Paul hay Bệnh xá Saint Paul. Đây là bệnh viện tư nhân hoạt động từ năm 1938. Theo đó, ông Sáu Phát đã thiết kế bố cục tòa nhà chữ U, đầu hai cánh uốn vòng là nơi đặt giường bệnh nhân với hàng cửa chớp giảm ánh nắng để giữ nhiệt độ mát mẻ và do đó kiến trúc tòa dưỡng đường bấy giờ có tiếng là thanh lịch, hiện đại.

Ngoài ra, một số công trình tại Sài Gòn do kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát thiết kế còn có Tòa biệt thự Số 6 Nguyễn Huy Lượng (quận Bình Thạnh); Ngôi biệt thự 150 đường Nguyễn Đình Chiểu, quận 3 (nay là Lãnh sự quán Nhật Bản); Biệt thự Số 1 Bà Huyện Thanh Quan... Hiện những công trình này vẫn đang được chủ sở hữu và chính quyền TP.HCM bảo quản và sử dụng.

Chủ nhiệm tuần báo Thanh niên

Tuần báo Thanh niên

Tuần báo Thanh niên

Những năm đầu thập niên 40 của thế kỷ XX, tình hình chính trị thế giới và Đông Dương có nhiều biến động. Ở Việt Nam, phong trào cách mạng phát triển ngày một mạnh mẽ ở các thành thị và nông thôn. Thực dân Pháp củng cố địa vị chính quốc và thuộc địa. Thời gian này kiến trúc sư Huỳnh Tấn Phát đang ở đỉnh cao của sự nghiệp và danh tiếng trong ngành kiến trúc, song ông đã gác văn phòng kiến trúc sang một bên để bước vào cuộc chiến đấu giành độc lập dân tộc. Ông trở thành một trong những trí thức cách mạng có sức lôi cuốn mạnh mẽ đối với trí thức và thanh niên Sài Gòn.

Sau nhiều lần trao đổi với những người cùng chí hướng, ông đóng cửa văn phòng kiến trúc sư, gom hết tiền dành dụm, năm 1943, ông đã mua lại manchette tờ báo công khai Thanh niên (ra đời từ tháng 9/1941, đã qua hai đời chủ nhiệm). Số đầu tiên của tuần báo Thanh niên do Huỳnh Tấn Phát đứng tên chủ nhiệm phát hành ngày 7/8/1943, lập tức tạo tiếng vang lớn trong giới trí thức. Báo có 12 trang, ra ngày thứ bảy, tòa soạn đặt ở số 70 đường Meyer, Sài Gòn (nay là đường Võ Thị Sáu).

Chủ trương của tờ Thanh niên rất rõ ràng: đoàn kết người Việt khắp 3 miền chống lại sự chia rẽ của ngoại bang, kêu gọi thanh niên người Việt chung tay gánh vác trách nhiệm giải phóng dân tộc, nhắc nhớ những trang sử hào hùng chống ngoại xâm và khuyến khích xu hướng nghệ thuật phụng sự cộng đồng. Tờ báo đã trở thành cơ quan ngôn luận của Hội truyền bá Quốc ngữ, với khuynh hướng chống Pháp - Nhật, xây dựng và phát triển phong trào Thanh niên tiền phong.

Báo có sự cộng tác của nhóm Tô Văn Của, Huỳnh Văn Nghệ, Bằng Giang, Huỳnh Văn Tiểng, Lưu Hữu Phước, Nguyễn Văn Nguyễn... cùng các nhà cách mạng chuyên nghiệp như Trần Văn Giàu, Hà Huy Giáp, Phạm Ngọc Thạch… với những bài viết chính luận sắc sảo.

Chính tuần báo Thanh niên của Huỳnh Tấn Phát đã cho in những tác phẩm đấu tranh trực diện với chính quyền thực dân như ca khúc “Lên đàng” của Lưu Hữu Phước, vở kịch “Hội nghị Diên Hồng” của Mai Văn Bộ - Huỳnh Văn Tiểng…

Tuy nhiên, ngày 26/9/1944, tòa soạn báo Thanh niên (trước đó đã chuyển về đặt tại nhà ông Võ Văn Khoa - đốc công ga Sài Gòn), bị mật thám bao vây, một số thành viên của báo bị bắt giam ở bót Catinat. Chủ nhiệm Huỳnh Tấn Phát may mắn trốn thoát và vẫn ra tiếp số 40 vào ngày 30/9/1944. Đây là số báo cuối cùng của tuần báo Thanh niên.

Thanh An

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/doanh-nhan-huynh-tan-phat-khai-mo-ban-sac-kien-truc-viet-ky-1-317458.html