Doanh nhân xứ Thanh trong dòng chảy hội nhập: Nâng tầm sản vật truyền thống của cha ông

Công ty TNHH Thực phẩm và TMDV Lê Gia đã khánh thành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản Lê Gia tại xã Hoằng Phụ, huyện Hoằng Hóa. Đây là nhà máy kết hợp giữa phát triển nghề truyền thống với du lịch. Báo Thanh Hóa cuối tuần đã có cuộc trao đổi với ông Lê Anh - Giám đốc công ty.

PV: Được biết Lê Anh là kỹ sư xây dựng có mức thu nhập khá tốt ở nước ngoài nhưng đã về quê lập nghiệp tâm huyết với nghề mắm truyền thống. Xin ông cho biết thêm những khó khăn và thách thức trong quá trình khởi nghiệp của bản thân?

PV: Được biết Lê Anh là kỹ sư xây dựng có mức thu nhập khá tốt ở nước ngoài nhưng đã về quê lập nghiệp tâm huyết với nghề mắm truyền thống. Xin ông cho biết thêm những khó khăn và thách thức trong quá trình khởi nghiệp của bản thân?

Ông Lê Anh: Nghề mắm truyền thống là nghề khó khăn và khốc liệt. Nhìn các con số thống kê về thị phần ít ỏi và xu hướng tiêu dùng của thế hệ trẻ là sẽ thấy được tương lai không mấy sáng sủa của nghề. Tuy nhiên, với mong muốn gìn giữ và phát triển nghề mắm truyền thống giữa dòng xu thế phát triển của xã hội hiện đại, là người đi sau, gần như không có nguồn lực và lợi thế cạnh tranh nào, thứ giúp chúng tôi tồn tại được sau 6 năm khởi nghiệp là tinh thần: Làm tốt hơn mỗi ngày (ngày hôm nay phải tốt hơn ngày hôm qua). Miệt mài và bền bỉ với những giá trị cốt lõi, chúng tôi tin rằng, những gì tự nhiên sẽ bền vững. Chúng tôi luôn tâm niệm: Xem mâm cơm của khách hàng như mâm cơm của chính gia đình mình.

PV: Phát huy lợi thế tài nguyên bản địa kinh tế biển Hoằng Phụ, Lê Gia đã xây dựng được 2 sản phẩm OCOP 4 sao, 1 sản phẩm 5 sao và đang tiếp tục nâng sản phẩm OCOP 4 sao lên 5 sao, những nỗ lực của Lê Gia khi tham gia chương trình này là gì, thưa ông?

Ông Lê Anh: Lê Gia là một trong những chủ thể đầu tiên tích cực hưởng ứng và được hưởng lợi nhiều từ Chương trình OCOP bởi các tiêu chí và mục tiêu chương trình hướng tới đều có nhiều điểm chung với các giá trị mà Lê Gia đang xây dựng. Sản phẩm OCOP là sản phẩm đặc sắc tiêu biểu cho địa phương, vùng miền đó. Đó không chỉ được đánh giá trên tiêu chí chất lượng mà còn là sản phẩm đại diện cho tài nguyên văn hóa bản địa, có tính tác động xã hội... Trong quá trình phát triển, Lê Gia luôn đề cao tính nhân văn và cố gắng tạo ra những giá trị tốt đẹp cho cộng đồng xung quanh. Sứ mệnh của Lê Gia là đầu ra của hàng nghìn ngư dân bám biển, diêm dân, Lê Gia chăm sóc bữa ăn cho hàng triệu gia đình Việt Nam bằng những gia vị truyền thống, hoàn toàn tự nhiên và tốt cho sức khỏe. Thông qua đó góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa và tài nguyên bản địa, gia tăng chuỗi giá trị nông sản và du lịch, giới thiệu ra thế giới những đặc sắc của ẩm thực Việt Nam. OCOP không chỉ đơn thuần về chất lượng của sản phẩm mà còn biểu hiện cho yếu tố cộng đồng, tác động xã hội của sản phẩm. Lê Gia sẽ luôn cố gắng gắn mình vào quê hương, đồng hành và thúc đẩy cùng cộng đồng địa phương và chuỗi giá trị của nông sản quê nhà. Được mang trên mình danh hiệu OCOP vừa là vinh hạnh vừa là trách nhiệm lớn lao với Lê Gia.

PV: Việc khánh thành nhà máy sản xuất thực phẩm đóng hộp từ thủy sản trên quê hương mang tính đột phá giữa phát triển nghề truyền thống với du lịch, ông có thể chia sẻ thêm về ý tưởng này?

Ông Lê Anh: Phát triển du lịch gắn với sản phẩm OCOP không những nâng cao giá trị kinh tế, đời sống người dân mà còn góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa. Khi đi du lịch biển, ngoài cảnh quan, vẻ đẹp và ẩm thực của nơi đến thì một trong những yếu tố được du khách quan tâm hàng đầu là được khám phá và trải nghiệm những điểm đến mang đậm bản sắc văn hóa bản địa. Được biết thêm thông tin, trải nghiệm tốt lành về một vùng đất mới. Ý thức điều đó, chúng tôi đã thiết kế nhà máy theo xu hướng thân thiện với thiên nhiên, với việc tận dụng năng lượng tái tạo, vật liệu thân thiện với môi trường, nhiều cây xanh. Lê Gia đã cố gắng thiết kế không gian xanh, mang hơi thở của biển, để có thể mang lại trải nghiệm cho du khách với phong cách truyền thống - tự nhiên. Ngoài ra, Lê Gia cũng cố gắng truyền tải niềm tự hào quê hương thông qua các hình thức thể hiện bằng décor & media. Lê Gia sẽ cố gắng để đây không chỉ là nhà máy sản xuất thực phẩm đủ tiêu chuẩn xuất khẩu đến các thị trường khó tính bậc nhất, tạo việc làm cho lao động mà còn là nơi có thể cung cấp những trải nghiệm thú vị, thông tin bổ ích về nghề truyền thống và những vẻ đẹp đậm chất làng quê Bắc bộ, góp phần nhỏ bé, cộng hưởng cùng cộng đồng xung quanh và du lịch biển xứ Thanh...

PV: Xin cảm ơn ông!

Đức Vũ (thực hiện)

Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/doanh-nhan-xu-thanh-trong-dong-chay-hoi-nhap-nang-tam-san-vat-truyen-thong-cua-cha-ong-31433.htm