Thứ xưa không ai ăn nay thành đặc sản dân phố thích mê, 350.000 đồng/kg

Thứ này xưa không ai ngó ngàng vì nghĩ không ăn được nhưng giờ đây trở thành đặc sản được 'săn lùng' vào mỗi dịp hè.

Mủ trôm là đặc sản nổi tiếng mà thiên nhiên ban tặng cho vùng đất Ninh Thuận. Chúng là dịch được tiết ra từ vỏ thân của cây trôm.

Trôm có tên khoa học là Sterculia foetida, chủ yếu được trồng ở các nước thuộc vùng nhiệt đới như Ấn Độ, Úc, Thái Lan, Philippines, Việt Nam... Ở Việt Nam, cây trôm phân bổ nhiều nhất ở Ninh Thuận nên mủ từ loài cây này nghiễm nhiên trở thành món ngon địa phương cực kỳ thu hút nơi đây.

"Nếu trước đây người ta nghĩ mủ trôm là thứ vứt đi, không ăn được thì giờ đây cứ mỗi mùa hè lại được "săn lùng" ráo riết", chị Khánh (32 tuổi, quê Ninh Thuận) chia sẻ với Dân Việt.

Theo kinh nghiệm của người dân quê chị Khánh, để mủ trôm có màu trắng đẹp tự nhiên và hương vị thơm ngon nhất, họ thường thu hoạch chúng vào những ngày nắng ráo. Kỹ thuật sấy mủ sẽ là điều kiện tiên quyết tác động tới chất lượng của món đặc sản này.

Từ mủ trôm có thể tùy ý chế biến thành đồ ăn, thức uống, dược phẩm hay các chất kết dính trong công nghiệp nhưng nhìn chung nhiều người thích pha chúng chung với cam, chanh hay các loại rau củ quả để tạo ra món nước giải khát thanh mát cực kỳ tốt cho sức khỏe. "Mủ trôm mang vị ngọt thanh mát cũng như lợi ích thiết thực mà món đặc sản này mang lại trong cuộc sống hàng ngày", chị Khánh thông tin.

Anh Hòa (ở Ninh Thuận) chia sẻ thêm: "Mủ trôm nguyên chất khi khai thác đa số có màu trắng ngà, dạng chất đặc hơi sệt giống như thạch. Cây trôm trồng khoảng 4-7 năm bắt đầu khai thác mủ. Để thu hoạch được mủ trôm, người trồng phải cạo vỏ cây rồi rạch dọc thân hoặc đục lỗ xuyên qua thân ở nhiều vị trí khác nhau. Những ngày sau, tại vị trí các đường rạch hoặc lỗ đã được đục, dịch trôm sẽ tiết ra. Quanh các đường rạch hay lỗ sẽ dùng bao nylon để che, giúp mủ chảy ra không rơi xuống đất hoặc bám vào vỏ cây và bị bụi bẩn.

Sau khi lấy mủ trôm tươi, họ sẽ thu lấy chúng đem về và phơi từ 3 - 4 đợt nắng to. Sau khoảng 1 tháng, các rãnh và lỗ đục sẽ tự liền lại, khi đó người trồng lại tiếp tục cạo vỏ và thu hoạch tiếp".

Theo anh Hòa, cứ khoảng 5-7 ngày sẽ thu được mủ trôm chảy ra từ chai nhựa. Cứ sau 20 ngày ông sẽ đổi vị trí gắn chai. Mủ trôm có thể thu hoạch quanh năm trừ mùa lá rụng nên hạn chế vì ảnh hưởng đến sự phát triển của cây.

Theo Tri thức và Cuộc sống, trên thị trường, mủ trôm có 2 loại, mủ trôm dạng thanh và dạng cục. Giá nằm trong khoảng từ 250.000-350.000 đồng/kg tùy loại.

Chè mủ trôm là món giải nhiệt bất cứ ai tới Ninh Thuận cũng tìm để thưởng thức. Mủ trôm khi ăn sẽ thấy dai giòn, sần sật, khi nhai rất đã miệng. Có thể nói món đặc sản này là một thay thế tốt cho sức khỏe cho các loại thạch, trân châu.

Theo tìm hiểu, để chuẩn bị các món ăn hay thức uống, mủ trôm thường được ngâm với nước để nở mềm. Tỉ lệ thích hợp để mủ trôm có thể trương nở hoàn toàn là 5gr mủ trôm ngâm với 1 lít nước trong khoảng từ 12 - 24 giờ. Do đặc tính háo nước nên khi đi vào đường tiêu hóa mủ trôm vẫn tiếp tục hút nước và trương nở. Vì vậy, bạn cần chú ý ngâm mủ trôm nở hoàn toàn trước khi sử dụng. Mủ trôm sau khi ngâm nở, bạn rửa lại cho sạch và để ráo nước trước khi sử dụng.

Bên cạnh đó, để tránh mua phải hàng giả gây ảnh hưởng xấu tới sức khỏe bạn cần phải biết cách nhận biệt nhựa trôm thật. Để chọn được mủ trôm chuẩn, người dân địa phương tiết lộ, mủ chất lượng nhất thường có màu trắng vàng hay hồng sợi. Bởi vì đây là loại mới thu hoạch nên sẽ nở rất nhanh khi ngâm trong nước. Các loại nhựa có màu trắng đục hoặc bị vón cục to thường sẽ là loại đã thu hoạch lâu. Bởi vì đã tiếp xúc quen với môi trường không khí nên mủ này rất cứng, khi để trong nước vừa khó nở mà còn có vị chua không ngon. Khi mua các chị em nên để ý lựa chọn và nên mua ở những nơi uy tín, tránh mua phải mủ trôm giả hay mủ trôm kém chất lượng.

Minh Hoa (t/h)

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/thu-xua-khong-ai-an-nay-thanh-dac-san-dan-pho-thich-me350000-dongkg-a669507.html