Doanh thu bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng 9,9%
Theo Tổng cục Thống kê, Hà Nội là một trong 4 địa phương dẫn đầu cả nước về mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng giảm 0,8%. Theo đà của tháng 5, hoạt động thương mại dịch vụ trong nước tháng 6 tiếp tục tăng trở lại với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 6 ước tính đạt 431 nghìn tỷ đồng, tăng 6,2% so với tháng trước và tăng 5,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung quý II-2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước tính đạt 1.154,9 nghìn tỷ đồng, giảm 5,8% so với quý trước và giảm 4,6% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, doanh thu bán lẻ hàng hóa đạt 928,5 nghìn tỷ đồng, giảm 4% so với quý trước và tăng 1,2% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 108,5 nghìn tỷ đồng, giảm 14% so với quý trước và giảm 26,1% so với cùng kỳ năm trước; doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,5 nghìn tỷ đồng, giảm 68,2% so với quý trước và giảm 77,8% so với cùng kỳ năm trước…
Tính chung 6 tháng đầu năm 2020, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng đạt 2.380,8 nghìn tỷ đồng, giảm 0,8% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá giảm 5,3% (cùng kỳ năm 2019 tăng 8,5%). Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa 6 tháng đạt 1.895,6 nghìn tỷ đồng, chiếm 79,6% tổng mức và tăng 3,4% so với cùng kỳ năm trước do nguồn cung hàng hóa dồi dào, bên cạnh đó hình thức mua sắm trực tuyến ngày càng phổ biến, đặc biệt là trong thời gian giãn cách xã hội nên vẫn đáp ứng được nhu cầu của người dân. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 7%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 5%; may mặc giảm 1,2%; phương tiện đi lại giảm 3,5%; vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 6%.
Một số địa phương có mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng khá so với cùng kỳ năm trước: Hải Phòng tăng 10,4%; TPHCM tăng 10,1%; Hà Nội tăng 9,9%; Đồng Nai tăng 8,4%...
Để có được mức doanh thu bán lẻ hàng hóa tăng 9,9%, từ nhiều tháng nay Hà Nội đã đưa ra một loạt giải pháp kích cầu nội địa, trong đó có mục tiêu thu hút khoảng 1.000 DN thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia thông qua tổ chức các sự kiện: Vì quyền lợi người tiêu dùng, Tháng Khuyến mại, các chương trình xúc tiến thương mại… nhằm hỗ trợ DN triển khai đa dạng các hình thức khuyến mại, trên quy mô lớn và với mức giảm giá sâu, cung cấp các sản phẩm hàng hóa, dịch vụ đảm bảo chất lượng, phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của nhân dân, khách du lịch trong nước và quốc tế.
TP đã tổ chức nhiều chương trình: Hội chợ Việt, Tuần hàng Việt, Hội nghị kết nối, tiêu thụ, trưng bày sản phẩm hàng Việt, chương trình bình chọn hàng Việt Nam được người tiêu dùng yêu thích năm 2020, Chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, khu công nghiệp… Cùng với đó, TP tiếp tục kêu gọi thu hút đầu tư, hỗ trợ DN phát triển hạ tầng thương mại, nâng cấp cải tạo hệ thống chợ, mở rộng mạng lưới bán hàng (các điểm bán hàng, các đại lý…), phát triển hệ thống bán lẻ, đặc biệt là hệ thống bán lẻ hiện đại phục vụ nhu cầu của nhân dân. Thúc đẩy ứng dụng CNTT trong quản trị sản xuất kinh doanh và phát triển thương mại điện tử, thanh toán không dùng tiền mặt, phát triển các phương thức kinh doanh hiện đại phù hợp với nền kinh tế số và hậu Covid-19. Hỗ trợ DN hình thành chuỗi sản xuất, cung ứng, liên kết trong nước, trên địa bàn TP.
Về lĩnh vực du lịch, TP triển khai Kế hoạch kích cầu du lịch nội địa trên địa bàn năm 2020, tập trung xây dựng các sản phẩm du lịch thế mạnh của Hà Nội, gồm: du lịch di sản, văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch nông nghiệp, du lịch chăm sóc sức khỏe, du lịch gắn với các sự kiện văn hóa, thể thao, thương mại; tổ chức các sự kiện văn hóa, thể thao, du lịch, tuần lễ, hội chợ thu hút người dân, khách du lịch tới Hà Nội.
TP cũng tiến hành đẩy mạnh sản xuất nông nghiệp, đảm bảo tối đa nguồn cung các mặt hàng nông, lâm, thủy hải sản, thực phẩm chế biến… cho TP gắn với tiếp tục phát triển hệ thống thông tin điện tử sử dụng mã QR code nhằm minh bạch thông tin, truy xuất nguồn gốc, kiểm soát ATTP và phát triển Chuỗi sản xuất - cung ứng - tiêu thụ nông sản an toàn.
Triển khai hiệu quả Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm" (OCOP) năm 2020, cụ thể: Tổ chức các sự kiện giới thiệu, quảng bá sản phẩm OCOP gắn với văn hóa từng vùng miền tại các tuyến phố đi bộ; Xây dựng thí điểm các điểm giới thiệu quảng bá sản phẩm OCOP gắn với các làng nghề du lịch truyền thống nhằm kích cầu du lịch và mua sắm tiêu dùng.
Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/doanh-thu-ban-le-hang-hoa-cua-ha-noi-tang-99-199782.html