Độc đáo bánh chưng ngũ sắc

'Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/ Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh', nhắc đến Tết không thể không nhắc đến bánh chưng. Ngày nay, người Việt ăn Tết không chỉ có bánh chưng xanh mà còn có sự xuất hiện của nhiều loại bánh chưng mới với màu sắc bắt mắt, hương vị thơm ngon. Trong đó, loại bánh chưng ngũ sắc đang ngày càng được nhiều gia đình lựa chọn để thưởng thức nhân dịp Tết đến Xuân về.

Giống như bánh chưng truyền thống, bánh chưng ngũ sắc cũng được làm từ những nguyên liệu quen thuộc với: Gạo nếp ngon, thịt lợn, đậu xanh, lá dong. Tuy nhiên, phần gạo nếp thay vì để màu nguyên bản sẽ được nhuộm màu bởi những nguyên liệu tự nhiên như: Màu đỏ của gấc, màu xanh của hoa đậu biếc, màu tím của gạo nếp cẩm…

 Bánh chưng ngũ sắc với màu sắc bắt mắt. Ảnh: Nguyễn Chang.

Bánh chưng ngũ sắc với màu sắc bắt mắt. Ảnh: Nguyễn Chang.

Theo chị Nguyễn Thị Chang, chủ cửa hàng sản xuất đồ ăn “Bếp Chang”, để làm ra một chiếc bánh chưng ngũ sắc đòi hỏi người làm trước tiên phải chọn được những nguyên liệu ngon. Gạo để gói bánh chưng tốt nhất nên là loại gạo nếp cái hoa vàng, hạt to, mẩy, dẻo. Sau đó, gạo nếp sẽ được đem vo sạch, loại bỏ những hạt lép, ngâm kỹ trong nước. Bước tạo màu cho vỏ bánh khá quan trọng và cầu kỳ vì hoàn toàn làm từ nguyên liệu tự nhiên. Tùy theo sở thích của người làm bánh mà có thể biến tấu các màu sắc trong chiếc bánh. Tuy nhiên, thông thường, một chiếc bánh chưng ngũ sắc sẽ có các màu: Đỏ, tím, xanh lam, xanh lục, vàng. Làm bánh chưng ngũ sắc yêu cầu người làm bánh phải tỉ mỉ sao cho các màu sắc của gạo không bị lẫn vào với nhau khi gói. Muốn thế, người làm bánh phải có chiếc khuôn chia 5 ngăn, sau đó gạo sẽ được cho vào từng khuôn, mỗi khuôn tương ứng với một màu bánh. Sau công đoạn gói, bánh được đem đi luộc sau đó ép kỹ. Muốn bánh để được lâu, không bị cứng, không bị “lại gạo”, công đoạn luộc bánh yêu cầu đủ thời gian, không được hấp tấp mà rút ngắn thời gian khiến bánh dễ hỏng, không giữ được vị ngon.

 Gạo sau khi được nhuộm màu sẽ dùng để gói bánh chưng ngũ sắc. Ảnh: Nguyễn Chang.

Gạo sau khi được nhuộm màu sẽ dùng để gói bánh chưng ngũ sắc. Ảnh: Nguyễn Chang.

Do sự cầu kỳ trong khâu chế biến, nên bánh chưng ngũ sắc cũng có giá thành bán cao hơn so với bánh chưng truyền thống. Tuy nhiên, không phải vì thế mà mặt hàng này bị “ế”. Bên cạnh bánh chưng truyền thống, bánh chưng ngũ sắc đang ngày càng được nhiều người tiêu dùng lựa chọn để làm phong phú thêm mâm cỗ Tết. Chị Nguyễn Thu Thảo (Nam Trung Yên, Hà Nội) chia sẻ: “Bánh chưng là thứ không thể thiếu trong mỗi dịp Tết đến Xuân về trong mỗi gia đình Việt. Năm nay, nhà tôi lựa chọn bánh chưng ngũ sắc để thưởng thức bởi hình thức bánh rất đẹp, bắt mắt, độc đáo, màu sắc bánh tươi mới”.

Cùng với nhiều loại bánh chưng mới như bánh chưng nhân cá hồi, bánh chưng gấc,… bánh chưng ngũ sắc đã làm phong phú thêm cho ẩm thực ngày Tết của người Việt. Tết đến, thưởng thức một chiếc bánh chưng rực rỡ sắc màu để mong một năm mới mưa thuận, gió hòa quả là một thú vui không thể bỏ qua!

BĂNG CHÂU

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/doc-dao-banh-chung-ngu-sac-608237