Độc đáo di tích nghệ thuật cấp quốc gia đình Bùi Xá
Trải qua thăng trầm thời gian, đình Bùi Xá, xã Nhân Quyền (Bình Giang) đến nay vẫn lưu giữ được nhiều giá trị lịch sử, văn hóa, kiến trúc cổ kính.
Nghệ thuật kiến trúc
Theo ngọc phả và tư liệu tại địa phương, đình Bùi Xá thờ thànhh hoàng là Lê Cương Nghị, một võ tướng thời Tiền Lê có công đánh giặc Tống ở thế kỷ X. Ông vốn là con cầu tự tại miếu trang Bùi Xá. Từ nhỏ ông đã thông minh, học giỏi, lớn lên trở thành người văn võ song toàn, khôi ngô, tuấn tú.
Năm 18 tuổi, đất nước có giặc xâm chiếm, hưởng ứng lời kêu gọi của nhà vua, ông ứng tuyển và được giao thống lĩnh gần 1.000 quân đi đánh giặc và đóng đồn trại tại khu vực miếu trang Bùi Xá để làm căn cứ chống giặc. Ông tuyển trong trang Bùi Xá 10 người làm gia thần. Thời gian ở tại bản trang, ông cung cấp tiền bạc cho người nghèo khổ, giúp đỡ người già, mua thêm ruộng đất mở mang đồng ruộng, chăm lo cho dân cày cấy... Khi thế giặc đang lên, ông nhận lệnh của triều đình đem quân tiến thẳng vào đồn giặc, giáp chiến và giành được thắng lợi lớn. Nhà vua trọng thưởng giao cho ông nhậm chức quan ở quận Vũ Ninh. Khi ông mất, triều đình sắc chỉ cho 37 làng xã phụng thờ. Nhân dân trang Bùi Xá đã dựng đình thờ tự và tôn ông làm thành hoàng của làng.
Thời vua Trần Nhân Tông và Lê Thái Tổ, ông lại có công “âm phù” dẹp giặc nên được ban sắc. Trong một đạo sắc thời Lê ở đình còn ghi rõ: “Bản cảnh thành hoàng trung nghĩa Cương Nghị chính thuận linh ứng đại vương”. Các đời vua thời Nguyễn như Tự Đức, Đồng Khánh, Duy Tân, Khải Định đều phong mỹ tự dực bảo trung hưng chi thần.
Đình Bùi Xá được Bộ Văn hóa Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) xếp hạng cấp quốc gia năm 2001 thuộc loại hình di tích kiến trúc nghệ thuật. Ngôi đình khởi dựng từ thời Lê, kết cấu kiểu tiền nhất hậu đinh gồm ba tòa: đại bái, trung từ và hậu cung.
Trang trí trên gỗ của ngôi đình được thể hiện bằng kỹ thuật chạm bong kênh xen kẽ chạm lộng, tầng tầng lớp lớp với đề tài long, ly, quy, phượng, tùng, trúc, cúc, mai, hoa lá... tạo thành những bức tranh sinh động, hài hòa, uyển chuyển. Trong ba tòa nhà, tòa đại bái có nghệ thuật trang trí đặc sắc hơn cả gồm 5 gian làm kiểu lòng thuyền tứ trụ với những hàng gỗ lim vươn cao kết nối xà ngang, xà dọc đấu, đầu bảy, tạo nên sự hoành tráng nhưng không kém phần vững chãi. Trên câu đầu còn ghi rõ năm tu sửa đình vào năm Khải Định 6 (1921). Các góc đao cong vút trang trí rồng chầu phượng mớm, mái lợp ngói mũi, tường xây gạch. Trên bờ cánh, bờ nóc có các phù điêu lạc long, nghê và những đường hoa chanh mềm mại.
Trải qua nhiều lần trùng tu, tôn tạo, đình Bùi Xá vẫn bảo lưu được nghệ thuật chạm khắc trên gỗ đặc sắc. Người dân địa phương cũng gìn giữ được nhiều hiện vật phong phú, có giá trị về mặt lịch sử và niên đại như kiệu bát cống, thần tích, sắc phong, bia đá, ngai và tượng thờ thời Lê, Nguyễn cùng hệ thống câu đối, đại tự có ý nghĩa ca ngợi cảnh đẹp của di tích, công lao, thánh tích của vị thành hoàng làng.
Phát huy giá trị lịch sử
Hằng năm tại đình Bùi Xá, người dân địa phương tổ chức 2 kỳ lễ chính vào ngày 12 tháng giêng (kỷ niệm ngày sinh) và 12 tháng 8 âm lịch (tưởng niệm ngày mất) của thành hoàng làng. Dịp hội làng 12 tháng giêng, dân làng chuẩn bị lễ vật gồm: xôi, gà, rượu, hoa, quả, hương, nến để dâng thánh, tế cáo thần linh. Ngay từ chiều 11, dân làng tổ chức bao sái đồ thờ tự và trang trí khánh tiết nơi hành lễ. Sáng 12, dân làng tập trung tại sân đình để dâng lễ vật, làm lễ dâng hương, nghe đọc chúc văn ôn lại công lao to lớn của vị thành hoàng làng. Tiếp đến là các nghi thức tế nam quan, tế nữ quan. Chiều 12, dân làng họp tổng kết, báo công những thành tích, công việc chung của làng đã làm được trong năm qua và đề ra kế hoạch cho năm mới. Cuối cùng là nghi thức lễ tạ, kết thúc kỳ lễ kỷ niệm ngày sinh của thành hoàng làng.
Ông Nguyễn Văn Nam, Bí thư chi bộ, trưởng thôn Bùi Xá cho biết những hoạt động văn hóa tín ngưỡng, tâm linh tại đình Bùi Xá thể hiện đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, sự tri ân công đức của người dân địa phương đối với vị thành hoàng của làng. Trong những năm gần đây, nhân dân đã góp nhiều tiền bạc và công sức để tu sửa di tích nhằm bảo tồn một công trình kiến trúc cổ mang nhiều ý nghĩa lịch sử quý báu của quê hương.