Độc đáo gốm Chăm Bình Đức

Làng Chăm Bình Đức, xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình tồn tại từ rất lâu đời. Nơi đây như một bảo tàng lưu giữ những nét văn hóa đặc sắc của người Chăm mà độc đáo nhất là nghề làm gốm thủ công.

Gốm Bình Đức

Gốm Bình Đức

Làng gốm Bình Đức còn 43 hộ với 46 người dân hiện đang làm gốm thường xuyên. Kỹ thuật làm gốm của người Chăm ở đây được truyền từ đời này sang đời khác theo kiểu “mẹ truyền con nối” và đến nay bảo lưu khá nguyên vẹn. Mọi người ở làng gốm biết rằng, phải giữ gìn bởi đây là nghề “gia truyền”, là cái “hồn” của dân tộc.

Gắn bó với nghề làm gốm gần 40 năm, ông Lâm Hùng Sổi là nghệ nhân làm gốm truyền thống lâu đời ở làng gốm này. Từ năm 13 tuổi, ông Sổi đã theo mẹ học làm gốm và giờ nó đã trở thành công việc cũng như là nguồn thu nhập chính của ông từ nhiều năm nay. Kỹ thuật làm gốm và nung gốm lộ thiên là một nét đặc trưng hiếm có của gốm Chăm, bởi nó mang tính cộng đồng rất cao. Khoảng 3 - 4 ngày thì bà con mới nung gốm 1 lần. Bãi nung là bãi đất trống giữa, để đón nắng đón gió và nằm gần mương nước. Từ sáng sớm, người gánh, xe chở gốm về đây tập kết để phơi nắng. Sau khi khô, gốm được chất lên thành đống cao, xen kẽ lớp gốm, lớp củi và bỏ rơm, củi bọc quanh. Nung gốm phụ thuộc nhiều vào gió và nắng, thường thì vào khoảng 12 giờ trưa thì bắt đầu nung.

Nghệ nhân Lâm Hùng Sổi

Trước thông tin nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm được UNESCO đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể cần được bảo vệ khẩn cấp, khắp làng gốm Bình Đức rộn ràng hơn hẳn. Các nghệ nhân ai nấy vô cùng phấn khởi và kỳ vọng mai đây nghề làm gốm sẽ được bảo tồn và phát triển một cách bền vững, cái nghề của dân tộc sẽ được lưu truyền mãi mãi.

Sau khi khô gốm được chất lên thành đống cao, xen kẽ lớp gốm, lớp củi và bỏ rơm, củi bọc quanh

Sau khi khô gốm được chất lên thành đống cao, xen kẽ lớp gốm, lớp củi và bỏ rơm, củi bọc quanh

Nung gốm phụ thuộc nhiều vào gió và nắng, thường thì vào khoảng 12 giờ trưa thì bắt đầu nung.

Nung gốm phụ thuộc nhiều vào gió và nắng, thường thì vào khoảng 12 giờ trưa thì bắt đầu nung.

Ông Hắc Văn Quang Huy, Chủ tịch UBND xã Phan Hiệp, huyện Bắc Bình, cho biết: Địa phương đã rà soát các vị trí đất và báo cáo với huyện Bắc Bình đề xuất đưa vào quy hoạch vị trí đất bãi nung gốm và nhà trưng bày sản phẩm gốm gắn với trình diễn nghề gốm. Cùng với đó, địa phương phối hợp với phòng, ban chức năng của huyện khảo sát, tham mưu UBND huyện xây dựng kế hoạch triển khai đề án trong năm 2023. Trong đó, dự kiến một số nguồn vốn cũng như mức đầu tư một số công trình trên địa bàn phục vụ cho làng nghề như: nhà trưng bày, khảo sát một số tuyến đường giao thông… Về lâu dài, địa phương sẽ tăng cường công tác tuyên truyền cho người dân trong xã, nhất là bà con trong vùng di sản nhằm nâng cao ý thức trách nhiệm để bảo vệ nguyên vẹn những giá trị làng nghề đang có. Cùng với đó, triển khai các hoạt động hỗ trợ giúp người dân định hình và thành lập một hợp tác xã nghề gốm; định hướng người dân phát triển gốm với du lịch cộng đồng.

Du khách tham quan làng gốm

Du khách tham quan làng gốm

Du khách thưởng lãm và tập làm gốm.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/doc-dao-gom-cham-binh-duc-104132.html