Độc đáo Lễ hội Đom Lơng Neák Tà của đồng bào Khmer
Trên đường vào các phum sóc của đồng bào Khmer, thường thấy nhiều miếu thờ Neak Tà (ông Tà) như thần thành hoàng các làng của người Việt. Theo quan niệm của đồng bào Khmer, Neak Tà là vị thần bảo hộ cộng đồng phum sóc bình yên, sung túc, khỏe mạnh, bảo vệ mùa màng bội thu.

Cầu an tại lễ cúng Neak Tà (ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú, tỉnh Trà Vinh). Ảnh: Phan Bình
Hiện nay, tỉnh Trà Vinh có 242 miếu thờ Neak Tà, trong đó, huyện Trà Cú có nhiều nhất với 64 miếu. Theo ông Thạch Mu Ni, Phó Giám đốc Sở Dân tộc và Tôn giáo tỉnh Trà Vinh, miếu thờ Neak Tà ở tỉnh Trà Vinh có nhiều dạng: tại ngôi chùa có Neak Tà chùa (Neakta Wạtt), phum sóc có Neak Tà phum sóc (Neakta Machas Srok), tại bến sông có Neak Tà bến (Neakta Kompong), tại các cát giồng có Neak Tà giồng (Neakta Phnô), tại các cánh đồng có Neak Tà thần nông (Neakta Sre)... Như một quy ước bất thành văn, Neak Tà cao cấp nhất, chi phối tỉnh Trà Vinh được thờ tại Neak Tà Gò, ấp Tân Trung Giồng (xã Hiếu Trung, huyện Tiểu Cần). Hình tượng Neak Tà được tượng trưng bằng những hòn đá hình bầu dục nhẵn nhụi là “vật thể hóa” hình tượng vô hình của các Neak Tà; người Khmer tin rằng, Neak Tà thường “đi về” trong hòn đá vào lúc nửa đêm, nhất là những đêm không có trăng.
Văn hóa dân gian của người Khmer mang nhiều nét độc đáo, trong đó có tín ngưỡng thờ Neak Tà. Tín ngưỡng này được xem là một giá trị văn hóa tinh thần của cộng đồng người Khmer. Neak Tà là những hòn đá, to gọi là Thmâr thom, nhỏ gọi là Thmâr tâch, thể hiện cho sự thanh khiết, giản dị tự nhiên, trong sạch, cứng rắn và khỏe mạnh để che chở, bảo vệ bà con trong phum sóc.
Theo Thượng tọa Thạch Lệ, Sư cả chùa Salavana, ấp Xóm Lớn (xã Châu Điền, huyện Cầu Kè), Lễ hội Đom Lơng Neak Tà là lễ hội truyền thống gắn với văn hóa, đời sống tinh thần của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh, thể hiện bản sắc của cộng đồng, được kế tục qua nhiều thế hệ. Hằng năm, vào khoảng tháng 5, đồng bào Khmer tổ chức lễ hội cúng Neak Tà vào thời gian giao mùa giữa mùa nắng và mùa mưa (sau lễ Chôl Chnăm Thmây) để cầu mưa, cầu mùa màng tươi tốt, bổn đạo mạnh khỏe bình an.
Miếu thờ Neak Tà của người Khmer ở Trà Vinh có nhiều loại, miếu thờ đơn giản được làm bằng tre, lợp lá dừa nước; miếu lớn hơn được xây dựng lại trong những năm gần đây với cột xi măng cốt thép, vách tường gạch, mái lợp tôn, nền láng xi măng hoặc lát gạch.
Trước khi tổ chức lễ cúng 10 ngày, À Char đến từng nhà vận động vật chất, gạo, muối, tiền trong phum sóc và thông báo ngày giờ tập trung làm lễ cúng Neak Tà. Ông Trần Kẹo, Trưởng ban quản lý chùa Phnô Đôn (ấp Giồng Lớn, xã Đại An, huyện Trà Cú) cho biết: Sáng sớm ngày đầu vào lễ, dưới sự hướng dẫn của vị À Char, bà con dọn dẹp sạch sẽ và trang hoàng thật đẹp, có giăng hoa kết tụi để mọi người trong phum sóc và các phum sóc lân cận tìm về tham dự. Các Neak Tà được lau chùi sạch sẽ và vị À Char lấy mảnh vải đỏ vắt ngang lên, biểu thị Neak Tà đã được phum sóc làm lễ cúng tế. Ngoài lễ vật chung của phum sóc, người ta còn mang lễ vật của gia đình mình đến dâng cúng lên vị thần bảo hộ.
“Vào lễ, À Char đóng vai trò chủ lễ cùng các bậc kỳ lão trong phum sóc bày các lễ vật lên bệ thờ và đọc bài văn khấn Neak Tà tỏ lòng biết ơn của người dân trong phum sóc và dâng lễ vật đền ơn lên Neak Tà. À Char đại diện bổn sóc hướng dẫn mọi người đi chung quanh miếu Neak Tà, rồi xếp thành từng hàng ngang, lần lượt vào dâng hương lên vị Neak Tà. Sau đó, sư sãi và bà con phum sóc đọc kinh cầu an. Trong Lễ hội Đom Lơng Neak Tà còn các hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống như biểu diễn nhạc ngũ âm, Rô băm, Dù kê, trống Chhay dăm...” - ông Trần Kẹo nói.
Ông Thạch Bồi, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh cho biết: Lễ hội Đom Lơng Neak Tà của người Khmer ở Trà Vinh được đưa vào danh sách Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia tại Quyết định số 377/QĐ-BVHTTDL ngày 21/2/2024 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch. Đây là lễ hội truyền thống hội giàu tính nhân văn, sáng tạo, thật sự là sinh hoạt văn hóa dân gian giàu bản sắc, đáp ứng nhu cầu thiết yếu trong đời sống tâm linh của đồng bào Khmer tỉnh Trà Vinh. Qua đó, góp phần quảng bá hình ảnh, tiềm năng du lịch của tỉnh nhà, phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào Khmer gắn với xây dựng nông thôn mới.
Lễ hội Neak Tà của đồng bào Khmer thể hiện ước mơ về một cuộc sống bình an, cầu cho mưa thuận, gió hòa, dân cư trong phum sóc được bình an, khỏe mạnh. Đây là dịp để người dân trong phum sóc gặp gỡ, thăm hỏi sức khỏe, trao đổi kinh nghiệm sản xuất, góp sức xây dựng phum sóc ngày càng phát triển.
“Để gìn giữ và phát huy giá trị di sản văn hóa, thời gian qua, tỉnh Trà Vinh đã triển khai công tác sưu tầm, hệ thống hóa các hiện vật có liên quan, xây dựng kịch bản thống nhất đối với những nội dung cơ bản nhất của Lễ hội Đom Lơng Neak Tà để triển khai đến các Ban quản trị miếu Neak Tà trên địa bàn. Đồng thời, tỉnh hỗ trợ, phục dựng hoạt động Lễ hội Đom Lơng Neak Tà tiêu biểu, hướng đến hình thành tài nguyên du lịch gắn với sự phát triển du lịch văn hóa, tâm linh, tín ngưỡng” - ông Thạch Bồi chia sẻ.