Hàng năm, cứ đến ngày 13/1 Âm lịch, người dân làng La Phù (huyện Hoài Đức, Hà Nội) làm lễ rước "ông lợn" ra đình làng để dâng tế thành hoàng làng. Lễ rước "ông lợn" nhằm tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6, đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi. Tương truyền, mỗi lần chuẩn bị lên đường đánh giặc, ông lại mổ lợn khao quân, người dân trong làng mang lợn đến dâng. Sau này, người dân La Phù tôn ông làm Thành hoàng làng và vẫn giữ tục dâng tế lợn để tưởng nhớ ông.
Để chuẩn bị cho lễ rước "ông lợn", người dân nơi đây phải chuẩn bị cả năm. Lợn được dâng tế được tuyển chọn kỹ càng, nuôi dưỡng cẩn thận, chu đáo với cân nặng từ 120 kg đến 250 kg.
Ghi nhận của phóng viên Báo Sức khỏe & Đời sống, 17h ngày 22/2 (tức 13/1 Âm lịch), không khí từ các thôn, xóm bắt đầu nhộn nhịp. Người dân trong làng và du khách thập phương có mặt rất đông, khiến con đường hướng vào đình làng chật kín người, hầu hết mọi người phải nhích từng chút một để di chuyển.
Các "ông lợn" trong lễ rước đều được trang trí đẹp mắt với mắt giả, mũi giả. Và một điểm đặc biệt là lớp màng mỡ được bóc rất cẩn thận để dùng làm áo choàng khiến nhiều người thích thú.
Theo tìm hiểu của PV, tiêu chuẩn của những "ông lợn" phải trắng, sạch, tinh khiết, không trang trí ở phần mình lợn, chỉ trang trí dưới móng chân, tai và mắt lợn.
Theo các cụ già ở La Phù, nếu có một “ông lợn” to, đẹp để tế thánh, được chăm bẵm công phu và không bệnh tật thì cả xóm sẽ được hưởng lộc. Do đó, việc lựa chọn người chăm sóc lợn rất khắt khe. Gia đình được chọn nuôi lợn để tế lễ phải là người có đức, tài, con cái phải có đủ 2 cả con gái và con trai…
Theo tục lệ của làng La Phù, xóm gần rước trước, xa rước sau. Một đội rước được sắp xếp tuần tự: đi đầu là hai lá cờ đại, sau đó là đội nhạc kèn, múa lân. Tiếp theo sẽ là “bàn độc” với đủ đồ thờ như cây đèn, ống hoa, mâm ngũ quả, chè oản và đỉnh hương trầm nghi ngút rồi đến quả xôi. Cuối cùng, kiệu của “ông lợn” được đẩy (hoặc khênh) bởi những thanh niên khỏe mạnh nhất.
Đám rước ngày nay diễn ra rất nhộn nhịp. Các xóm đều có đội văn nghệ riêng của mình để biểu diễn. Xóm thì múa lân, xóm múa sinh tiền, xóm dùng nhạc bát âm và có xóm thuê hẳn kèn tây, trống đồng thổi vang một góc trời.
Việc tế lễ thành hoàng làng được thực hiện từ l21h đến 1 - 2h sáng hôm sau. Sau khi tế lễ xong các "ông lợn" sẽ được đưa về các thôn, xóm để chia cho người dân.
Lễ rước “ông lợn" là nét đẹp văn hóa tâm linh của người dân làng La Phù. Đây là dịp để dân làng tưởng nhớ công ơn của Tĩnh Quốc Tam Lang dưới thời Hùng Duệ Vương thứ 6 đã có công đánh giặc gìn giữ bờ cõi. Tục truyền rằng, mỗi khi Đức Thánh Tam Lang tập hợp quân sĩ đánh giặc, người dân thường thổi xôi, thịt lợn để khao quân. Ông được vua Lê Đại Hành, vua Trần Thái Tông, vua Lê Thái Tổ và vua Quang Trung ban sắc phong... Vị lạc tướng tài ba đã “hóa” vào lúc 0 giờ đêm ngày 13, rạng sáng ngày 14 tháng Giêng. Từ đó, cứ đến ngày này hàng năm, người dân xã La Phù lại tổ chức lễ hội rước lợn, qua đó tưởng nhớ ngày giỗ của Tam Lang Đại Vương…
Tuấn Anh