Độc đáo nếp Quạ đen

Về huyện Thanh Sơn vào thời điểm cuối năm, nhất là vào giai đoạn thu hoạch lúa nếp Quạ đen trĩu hạt, sây bông dễ dàng nhận thấy nếp Quạ đen đã và đang trở thành một đặc sản quý của người Mường Thanh Sơn.

Năm 2019, mô hình trồng giống lúa nếp Quạ đen để trở thành đặc sản địa phương được huyện Thanh Sơn triển khai trồng thí điểm một ha tại hai xã Lương Nha và Địch Quả. Nhận thấy đây là giống lúa nếp quý bản địa của người Mường với giá trị kinh tế cao, phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương, năm 2020 huyện tiếp tục nhận rộng thêm ba ha tại xã Thắng Sơn, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cho các hộ tham gia mô hình.

Gia đình ông Đinh Văn Dự ở khu Giai Thượng tham gia mô hình trồng giống lúa nếp Quạ đen từ năm 2020 với diện tích sáu sào. Năm đầu tiên, năng suất đạt 1,6 tạ/sào, bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với các giống lúa khác. Năm 2022, ông Dự cấy trên một mẫu, năng suất tăng lên gần 1,8 tạ/ sào. Ông Dự cho biết: Nếp Quạ đen là giống lúa nếp đặc sản của người bản địa, đem lại năng suất, hiệu quả kinh tế hơn các giống lúa khác nên tôi đã lựa chọn và tham gia phát triển mô hình ngay từ ngày đầu triển khai, vừa để bảo tồn sản vật của người Mường Thanh Sơn, vừa mong muốn phát triển thương hiệu đặc sản của địa phương để giới thiệu tới người tiêu dùng sản phẩm ngon, chất lượng…

Đến nay, xã Thắng Sơn đã tiếp tục nhận rộng diện tích trồng nếp Quạ đen lên đến 50ha, tập trung chủ yếu ở các khu Giai Thượng, Đá Bia và Giếng Ông. Lúa nếp Quạ đen bông to dài, năng suất đạt từ 1,7 đến 1,8 tạ/ sào, chất lượng gạo thơm ngon, mềm, dẻo, vị đậm, có hương thơm đặc trưng. Nếp Quạ đen là giống lúa dài ngày nên việc trồng và chăm sóc cũng khó hơn nhiều so với các loại lúa khác.

Thân cao khoảng 1,6m, có mùi hương thơm đặc trưng vào thời điểm lúa chín. Nếp Quạ đen không gặt bằng liềm hay máy mà phải thu hoạch từng bông bằng phương pháp hái nhắt bằng tay. Lúa được bó thàng từng “cum” vắt ngay trên thân rạ.

Khi những cum lúa đã săn, người dân mới gánh về phơi dưới nắng nhẹ hoặc phơi nơi dâm mát, nếu phơi nắng gắt sẽ làm cho hạt gạo bị cứng, xôi sẽ không được mềm, dẻo… Giống nếp này khi chín, vỏ hạt ngả màu cau khô, hơi đen, khi xát ra hạt gạo tròn, trắng đục. Nếp Quạ đen có thể nấu xôi, gói bánh chưng, nấu rượu…đem lại thu nhập cao cho người dân.

Ông Nguyễn Văn Thịnh – Chủ tịch UBND xã Thắng Sơn cho biết: Sau ba năm trồng và nhận rộng mô hình phát triển giống lúa nếp Quạ đen trên địa bàn xã Thắng Sơn, địa phương quyết tâm xây dựng và phát triển mô hình giống lúa nếp Quạ đen theo hướng hàng hóa, thành lập hợp tác xã chuyên cung cấp giống, phát triển sản xuất chuyên canh, bao tiêu đầu ra sản phẩm cho bà con và phát triển sản phẩm trở thành thương hiệu của địa phương. Dự kiến năm 2023 xã sẽ tiếp tục nhân rộng diện tích trồng lúa nếp Quạ đen lên 70ha...

Huyện Thanh Sơn đang có định hướng phát triển, nhân rộng nếp Quạ đen gắn với chế biến, phát triển làng nghề truyền thống bền vững và đăng ký trở thành sản phẩm OCOP của địa phương. Việc khôi phục và nhân rộng mô hình giống lúa đặc sản nếp Quạ đen không chỉ góp phần nâng cao thu nhập cho người dân mà còn bảo tồn, lưu giữ giống lúa đặc sản của người Mường Thanh Sơn, góp phần tích cực phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, không ngừng nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào các dân tộc trên địa bàn huyện.

Linh Nguyễn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//mon-ngon/doc-dao-nep-qua-den/190331.htm