Đôi điều về chuyện biên tập thơ
Dẫu biết thơ là địa hạt của sự mơ hồ, khó giải thích của tâm hồn và trí tưởng tượng của con người, nhưng không ít bài thơ hay ra đời đã được biên tập trước khi công bố, xuất bản.
Một bài thơ thực sự, nghĩa là một chỉnh thể nghệ thuật toàn vẹn, không để cho người biên tập cơ hội nào để can thiệp. Tuy nhiên, điều ấy cũng hiếm gặp hoặc khó có thể gặp được tác phẩm như thế. Bởi vậy, để làm một biên tập viên nói chung, và biên tập thơ nói riêng, người biên tập trước hết có kiến thức sâu rộng, phông nền tri thức, là chiếc máy lọc đầu tiên để nhận ra đúng - sai, hay - dở.
Sửa văn, sửa thơ người khác bao giờ cũng là việc hệ trọng, khi thiếu kiến thức có thể làm hỏng một bài thơ hay. Lịch sử ghi nhận giai thoại điển hình việc nhà thơ nổi tiếng Tô Đông Pha sửa thơ nhà văn, tể tướng Vương An Thạch nhà Tống (Trung Quốc). Vương An Thạch viết: Minh nguyệt sơn đầu khiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa tâm (Minh nguyệt hót đầu núi/ Hoàng khuyển ngủ trong hoa). Tô Đông Pha sửa thành: Minh nguyệt sơn đầu chiếu/ Hoàng khuyển ngọa hoa âm (Trăng sáng soi đầu núi/ Chó vàng ngủ dưới hoa). Tưởng như thế đã là đắc ý, ngờ đâu sau khi làm quan ở Hải Nam, Tô Đông Pha mới biết rằng có loài chim tên “Minh nguyệt” và loài sâu tên “Hoàng khuyển” nằm giữa bông hoa. Tô Đông Pha “biết đã lỡ” và viết thư xin lỗi Vương An Thạch.
Phụ trách mục “Tin thơ” của 2 tờ báo Phong hóa - Ngày nay rất nổi bật giai đoạn 1932 - 1940, nhà thơ Thế Lữ đóng góp quan trọng quá trình hiện đại hóa thơ ca Việt Nam đầu thế kỷ XX. Từ góc độ hiện đại hóa thơ trữ tình, Thế Lữ bình chọn, phân tích, diễn giải, sửa chữa thơ các tác giả gửi về báo. Dường như không một tác giả nào không bị người phụ trách mục “Tin thơ” phê phán. Cụ thể, Thế Lữ phê bình các tác giả nào là: Thơ rỗng nghĩa, dùng từ còn rẻ, đại khái, khô khan, vụng về, cẩu thả, ngượng ngập, dùng từ mộc mạc quá, biếng nhác quá, dễ dãi quá, hững hờ quá...
Sửa thơ Nguyễn Vỹ, nhà thơ Thế Lữ nói, thơ của nhà thơ lai Tây rất nhiều này còn “lúng túng ở trong các thể văn chật hẹp”. Với “ông hoàng” thơ tình Xuân Diệu gửi thơ đến Báo Ngày Nay có những câu: Sương nương theo trăng ngừng giữa trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. Thế Lữ đã sửa thành: Sương nương theo trăng ngừng lưng trời/ Tương tư nâng lòng lên chơi vơi. Đọc xong, Xuân Diệu rất khâm phục và cảm kích Thế Lữ vì những sửa chữa, biên tập đầy chất thơ, đầy nhạy cảm nghệ thuật. Sau này, trong tác phẩm “Công việc làm thơ”, nhớ những buổi đầu làm thơ, Xuân Diệu xác nhận Thế Lữ chữa thơ rất tài tình và độc đáo.
Thơ có cần biên tập không? Có lẽ chưa câu trả lời chính thức. Thông thường, với những biên tập viên lão luyện, giàu kinh nghiệm, chỉ cần nghe qua hơi thơ, giọng điệu, đọc ra ý tứ, hình tượng, cảm xúc, ngôn ngữ… có thể nhận ra dáng nét của những tác phẩm, tác giả mình quen thuộc. Biên tập viên có tâm, có nghề sẽ luôn đau đáu với bản thảo mình nhận và vui buồn với tác giả như đứa con tinh thần có một phần đóng góp của mình. Biên tập có thể “biến” tác phẩm yếu thành tác phẩm trung bình, tác phẩm trung bình thành khá và tác phẩm khá trở thành tác phẩm hay.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/doi-dieu-ve-chuyen-bien-tap-tho-a413806.html