Đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện với môi trường

Để hướng tới một nền công nghiệp khai khoáng bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam phải biến thách thức thành động lực, xem bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu trong mọi hoạt động.

Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát.

Quang cảnh cuộc làm việc của Đoàn giám sát.

Tiếp tục chương trình làm việc, chiều 16/7, tại Nhà Quốc hội, chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành” làm việc với Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam. Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan, Trưởng Đoàn giám sát, chủ trì cuộc làm việc.

Báo cáo tại cuộc làm việc, ông Vũ Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than-Khoáng sản Việt Nam () cho biết, về thực hiện cam kết giảm phát thải khí nhà kính, TKV hướng tới mô hình kinh tế xanh kinh tế tuần hoàn giai đoạn vừa qua. TKV đã xây dựng các quy hoạch tái chế, tái sử dụng chất thải để giảm thiểu phát thải và làm phong phú nguồn nguyên liệu cho các hoạt động phát triển kinh tế-xã hội khác.

Bên cạnh đó, đã triển khai đồng bộ các giải pháp, thực hiện có hiệu quả công tác bảo vệ môi trường trong các công đoạn sản xuất để kiểm soát, giảm thiểu phát thải và tác động tiêu cực đến môi trường.

 Tổng Giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Tổng Giám đốc TKV Vũ Anh Tuấn báo cáo tại buổi làm việc.

Đồng thời, phát triển kinh tế tuần hoàn là xu thế tất yếu và đã được tích hợp trong định hướng Chiến lược phát triển Tập đoàn nhằm khai thác, chế biến, sử dụng tiết kiệm tài nguyên; tái chế, tái sử dụng sản phẩm theo chu trình sản xuất khép kín, hạn chế tạo ra chất thải… để khai thác tối đa chuỗi giá trị các sản phẩm gắn với nâng cao hiệu quả bảo vệ môi trường, hướng tới phát triển bền vững Tập đoàn.

Tuy nhiên, việc đầu tư một số công trình bảo vệ môi trường, kiểm soát ô nhiễm môi trường chưa bảo đảm thời gian quy định, còn kéo dài (đê, đập chắn đất đá chân bãi thải; hệ thống quan trắc môi trường tự động...); công trình, biện pháp bảo vệ môi trường có lúc, có nơi chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế (công trình thoát nước, xử lý nước thải ...).

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nêu rõ, ngành khai thác than và khoáng sản cũng là ngành có tác động lớn, kéo dài đến môi trường như: việc thay đổi cảnh quan, ô nhiễm đất, nước, không khí, vấn đề bãi thải khổng lồ và công tác phục hồi môi trường.

TKV cũng phải thẳng thắn nhìn nhận những thách thức lớn còn tồn tại: khối lượng chất thải mỏ lớn, kiểm soát ô nhiễm bụi và nước thải mỏ chưa triệt để, và đặc biệt là công tác phục hồi môi trường sau khai thác chưa thực sự đồng bộ và đạt hiệu quả như mong muốn.

Để hướng tới một nền công nghiệp khai khoáng bền vững, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan nhấn mạnh, TKV phải biến thách thức thành động lực, xem bảo vệ môi trường là tiêu chí hàng đầu trong mọi hoạt động.

Tập đoàn cần chủ động và triệt để tuân thủ các quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, Luật Địa chất và khoáng sản năm 2024, đặc biệt là các quy định về quản lý chất thải rắn mỏ, phục hồi môi trường và đóng cửa mỏ; tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng công nghệ khai thác tiên tiến.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc.

Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan phát biểu tại cuộc làm việc.

Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện một lộ trình phục hồi môi trường một cách quyết liệt và toàn diện. Công tác phục hồi môi trường không chỉ là trồng cây mà phải là tái tạo hệ sinh thái, bảo đảm sự phát triển bền vững cho các khu vực bị ảnh hưởng.

Đồng thời, Tập đoàn phải thiết lập hệ thống quan trắc hiện đại, minh bạch hóa dữ liệu môi trường và thường xuyên đối thoại với chính quyền địa phương, cộng đồng dân cư để giải quyết kịp thời các bức xúc.

Hướng tới phát triển ngành xi măng thân thiện môi trường

Chiều cùng ngày, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Tổng công ty Xi măng Việt Nam ().

Liên quan đến công tác quản lý đất đá thải mỏ tại các mỏ khai thác vật liệu xây dựng phục vụ sản xuất xi măng, Đoàn giám sát đề nghị Tổng Công ty cung cấp thông tin và số liệu cụ thể về kết quả thực hiện các giải pháp tăng cường sử dụng nguyên, nhiên liệu thay thế như: chất thải công nghiệp thông thường (rác thải, tro, xỉ, thạch cao nhân tạo...).

Ngoài ra, cần báo cáo rõ tình hình thực hiện các chủ trương, chính sách về chuyển đổi xanh, chuyển đổi số và mục tiêu phát thải ròng bằng “0” vào năm 2050. Trong đó, đặc biệt lưu ý làm rõ các chỉ tiêu, biện pháp cụ thể đã và đang triển khai, nhất là việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn, đổi mới công nghệ theo hướng thân thiện môi trường.

 Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam Nguyễn Quốc Việt phát biểu tại cuộc làm việc.

Chủ tịch Hội đồng thành viên Tổng công ty Xi măng Việt Nam Nguyễn Quốc Việt phát biểu tại cuộc làm việc.

Tại buổi làm việc, Phó Chủ tịch Quốc hội Lê Minh Hoan đề nghị, VICEM cần xác định bảo vệ môi trường là ưu tiên chiến lược, là lợi thế cạnh tranh trong kỷ nguyên mới, phải hướng tới phát triển ngành xi măng thân thiện môi trường.

Đẩy mạnh hơn nữa việc ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến, giảm phát thải và tiết kiệm tài nguyên; cần có lộ trình rõ ràng để đầu tư vào các công nghệ lò nung hiện đại, hệ thống lọc bụi hiệu quả cao và áp dụng nhiều hơn các giải pháp giảm phát thải CO2, hướng tới mục tiêu trung hòa carbon.

Đồng thời, quyết liệt trong công tác phục hồi môi trường các mỏ đá khai thác, bảo đảm hoàn trả cảnh quan, đất đai theo đúng cam kết và quy định, qua đó thể hiện trách nhiệm của Tổng công ty với cộng đồng địa phương.

MINH THÚY

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.vn/doi-moi-cong-nghe-theo-huong-than-thien-voi-moi-truong-post894129.html