Đổi mới sáng tạo trong GDĐH: Còn nhiều thách thức đối với đào tạo trực tuyến
Phát triển hình thức đào tạo đại học trực tuyến là nội dung cần ưu tiên trong chiến lược 'Xây dựng nền tảng phát triển đại học định hướng đổi mới sáng tạo'.
Giáo dục trực tuyến mang lại nhiều lợi ích trong đổi mới và sáng tạo giáo dục
Tại diễn đàn Đổi mới sáng tạo Quốc gia 2024 diễn ra vào ngày 16/5, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đánh giá cao vai trò của đào tạo trực tuyến và chỉ ra những lợi thế của mô hình đào tạo giáo dục trực tuyến trong bối cảnh hiện nay.
Theo Viện trưởng, đối với các cở sở giáo dục đại học, cao đẳng, việc đổi mới mô hình đào tạo sẽ giúp cá thể hóa giáo dục, nâng cao hiệu quả giảng dạy nhờ việc đa dạng hóa học liệu, tích hợp đa dạng hoạt động dạy - học.
Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy - Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội tại phiên chuyên đề chiều ngày 16/5/2024. Ảnh BTC
Bên cạnh đó, nâng cao hiệu quả kinh tế khi thiết lập 1 lần sử dụng nhiều lần, cung cấp đào tạo diện rộng, tối ưu hóa nguồn nhân lực khi quy mô tuyển sinh tại đại học tăng lên.
Mặt khác, giúp các đơn vị đào tạo quản trị thuận tiện khi dễ dàng cập nhật, đồng bộ và chuẩn hóa nội dung, phương pháp giảng dạy, kiểm tra, đánh giá và dễ dàng theo dõi, giám sát hoạt động dạy và học.
Ở vị trí người học, hình thức đào tạo trực tuyến lựa chọn người học làm trung tâm khi đưa ra nhiều lựa chọn về cách học, khóa học khác nhau. Bên cạnh đó, tiết kiệm được nguồn chi phí khi không cần chi trả các khoản tiền về chỗ ở, cơ sở vật chất…
Người học được tiếp xúc với những kiến thức từ các giảng viên trên toàn cầu mà sách vở không thể cập nhật kịp thời. Với ưu điểm linh hoạt khi chỉ yêu cầu phương tiện máy tính và internet, người học có thể học ở bất cứ đâu và chủ động trong việc học nhờ tính năng truy cập 24 giờ mỗi ngày.
Xét trong bối cảnh toàn cầu, hình thức giáo dục trực tuyến đã và đang phát triển mạnh mẽ, phổ biến tại châu Âu và một số nước châu Á. Khi so sánh báo cáo tỷ lệ tăng trưởng sinh viên mới của các nền kinh tế mới, Việt Nam xếp vị trí thứ 9 trong top 10 quốc gia dẫn đầu về tốc trưởng tăng trưởng người học.
Tính đến thời điểm hiện tại, các Bộ, ban, ngành cũng đã phê duyệt nhiều chính sách, nghị quyết nhằm thúc đẩy đổi mới cách dạy và học trên cơ sở áp dụng công nghệ số, khuyến khích các mô hình giáo dục, đào tạo mới dựa trên các nền tảng số.
“Giáo dục trực tuyến được xây dựng theo phương thức mới, mô hình mới hoàn toàn khác biệt so với mô hình mà chúng ta tiếp cận thời điểm COVID - 19. Do đó, các trường đại học cần nhìn nhận đúng đắn và phải nhanh chóng vào cuộc để kịp thời đổi mới", Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy chia sẻ.
Thách thức đối với đào tạo trực tuyến
Với những điểm thuận lợi đó, theo Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy, việc triển khai và thực hiện giáo dục trực tuyến sẽ diễn ra thuận lợi khi huy động nhiều nguồn lực quan tâm, tham gia hưởng ứng và hỗ trợ.
Dẫu vậy, khi nhìn vào điều kiện thực tế giáo dục Việt Nam hiện nay, công tác giáo dục trực tuyến vẫn gặp phải những thách thức từ nhiều phía.
Đơn cử, ở đơn vị đào tạo phải đối mặt trước tình trạng quy mô sinh viên tăng khiến khối lượng giờ giảng quá lớn trong khi đội ngũ giảng viên không thể đáp ứng.
Yêu cầu đảm bảo tính đồng bộ về chất lượng nội dung, đảm bảo tính quy chuẩn cho chương trình học phần theo đúng quy định, đảm bảo tính đa dạng và phong phú về loại hình học, giúp tạo hứng thú và động lực cho người học vẫn còn hạn chế.
Ngoài ra là phương án tối ưu hóa định mức 30% thời lượng chương trình đào tạo theo hình thức trực tuyến, yêu cầu về đánh giá, giám sát chất lượng giảng dạy cùng yêu cầu về hạ tầng công nghệ, năng lực giảng viên cũng là rào cản khi thực hiện triển khai.
Hơn hết, mô hình đào tạo này sẽ chỉ được diễn ra với sự tham gia của sinh viên. Do đó, qua những đánh giá, phản hồi từ sinh viên, các đơn vị đào tạo cần thiết kế khung chương trình gần với năng lực sinh viên và cập nhật thay đổi từ thực tiễn.
Để khai thác và tìm hiểu tối đa những khó khăn và thách thức khi triển khai hình thức đào tạo này, Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội đã khảo sát về những khó khăn mà giảng viên gặp phải khi triển khai giảng dạy trực tuyến. Theo đó, khó khăn lớn nhất của đội ngũ giảng viên chính là hạn chế về nguồn lực, nền tảng công nghệ hỗ trợ và trang thiết bị phục vụ xây dựng nội dung bài giảng.
Ngoài ra là hạn chế về kỹ năng tổ chức và quản lý lớp học, kỹ năng thiết kế nội dung bài giảng, sử dụng công nghệ và khó khăn khi thay đổi thói quen giảng dạy thông thường.
Viện trưởng Viện Đảm bảo chất lượng giáo dục, Đại học Quốc gia Hà Nội nhận định: Để giáo dục trực tuyến trở nên phổ biến và phát triển mạnh mẽ, xã hội cần nhìn nhận về vai trò, ý nghĩa của hình thức đào tạo này.
Tình trạng lãnh đạo nhà trường và giảng viên nhận thức chưa đủ về đào tạo trực tuyến dẫn đến việc chưa có thay đổi trong thiết kế và xây dựng chương trình đào tạo, học phần, phương pháp kiểm tra, đánh giá.
Ngoài ra là vấn đề về chính sách đầu tư, hỗ trợ nguồn lực để giáo viên đổi mới, điều chỉnh nội dung đào tạo vẫn chưa được thực hiện.
Các giải pháp khắc phục và hỗ trợ
Xác định được những thách thức và khó khăn trong công tác triển khai giáo dục trực tuyến tại Việt Nam, Phó giáo sư, Tiến sĩ Nghiêm Xuân Huy đưa ra những đề xuất, kiến nghị để công tác giáo dục trực tuyến được triển khai thuận lợi và có nhiều điều kiện phát triển, nâng cao chất lượng giáo dục.
Theo thầy Huy, cơ quan quản lý nhà nước cần phải xây dựng và ban hành quy chế và các hướng dẫn để triển khai các học phần và chương trình đào tạo trực tuyến. Bên cạnh đó là những nguyên tắc và quy định về chuyển đổi tín chỉ trong đào tạo trực tuyến, các bộ quy chuẩn về chất lượng khóa học trực tuyến và chương trình đào tạo trực tuyến.
Mặt khác, thiết lập các chuẩn kỹ thuật về trao đổi sinh viên và liên kết đào tạo giữa các cơ sở giáo dục. Đổi mới phương thức tính và quy định mức lao động của giảng viên trong đào tạo trực tuyến, xây dựng và ban hành khung định mức kỹ thuật trong xây dựng nội dung, tổ chức đào tạo và cơ chế phối hợp tổ chức đào tạo trực tuyến.
Đối với mỗi cơ sở giáo dục, cần xây dựng chiến lược phát triển và đầu tư nguồn lực triển khai. Xây dựng và vận hành đơn vị chuyên trách để điều phối và tổ chức đào tạo. Bên cạnh đó triển khai công tác huấn luyện và nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên về xây dựng nội dung và tổ chức đào tạo trực tuyến.
Đặc biệt, tại mỗi đơn vị đào tạo cần có các lộ trình triển khai hợp lý, bắt đầu từ những học phần chung, phục vụ cho nhiều chương trình đào tạo khác nhau.
Cần có cơ chế khai thác nguồn xã hội hóa trong xây dựng nội dung và tổ chức đào tạo. Đẩy mạnh truyền thông nội bộ về đào tạo trực tuyến về những giá trị mà hình thức này mang lại để có sự tác động đến công việc của giảng viên.