Đội nắng, ngâm mình trong bùn đào đặc sản giải nhiệt ở Đà Nẵng

Canh thủy triều xuống, nhiều người dân ra khu vực vịnh Đà Nẵng ngâm mình dưới bùn đào bắt con phi, kiếm thu nhập trang trải cuộc sống.

Đầu giờ chiều một ngày cuối tháng 7, thời tiết nắng gắt, tranh thủ lúc thủy triều xuống thấp, bà Nguyễn Thị Hương (50 tuổi, ngụ quận Sơn Trà, TP Đà Nẵng) mang theo rổ và một cái cuốc sắt ra khu vực bãi cát ở vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà) bắt con phi.

Mặc bộ áo quần dài, đeo tất tay và tất chân, bà Hương cúi khom người đào con phi ẩn mình dưới lớp bùn cát sâu hơn 30cm.

Theo bà Hương, con phi là đặc sản giải nhiệt trong những ngày hè khi có thể chế biến các món hấp, xào, nấu cháo, nấu canh với hương thơm và vị ngọt. Chúng sống ở vùng nước lợ và mặn, thân giống con trai biển.

Người dân Đà Nẵng ra khu vực vịnh Mân Quang bắt con phi.

Người dân Đà Nẵng ra khu vực vịnh Mân Quang bắt con phi.

Phi sống ở vùng nước lợ và mặn, thân giống con trai biển, để bắt được người dân dùng vật nhọn đào sâu dưới lớp bùn cát.

Phi sống ở vùng nước lợ và mặn, thân giống con trai biển, để bắt được người dân dùng vật nhọn đào sâu dưới lớp bùn cát.

Khoảng tháng 3 đến tháng 7 âm lịch là mùa có nhiều phi nhất. Bắt phi phải dựa vào con nước, nước ròng kiệt (nước cạn). Đặc biệt, vào những ngày cuối tháng âm lịch, thủy triều rút sớm, để lộ ra bãi cát trải dài, sẽ nhiều phi và dễ bắt hơn.

Thời gian này khu vực vịnh Mân Quang có đông người dân mang theo dụng cụ đến bắt phi về bán. Người đi đào phi lúc nào cũng lấm lem bùn cát từ mặt đến chân khi ngâm mình dưới nước nhiều giờ.

Người dân đào bùn hoặc dùng vợt cào để bắt phi, công việc này tiềm ẩn nguy hiểm khi dễ bị vật sắc nhọn làm bị thương.

Người dân đào bùn hoặc dùng vợt cào để bắt phi, công việc này tiềm ẩn nguy hiểm khi dễ bị vật sắc nhọn làm bị thương.

“Khi thấy khu vực ụ cát nổi lên bằng nắm tay, có những lỗ nhỏ bằng đầu cây đũa, con phi ẩn mình dưới đó. Ở Đà Nẵng, phi có nhiều dưới chân cầu Thuận Phước và khu vực vịnh Mân Quang. Dưới chân cầu Thuận Phước, mọi người dùng sào tre để cào xuống đáy sông vớt lên, còn ở vịnh Mân Quang mọi người dùng các vật dụng như dao, cuốc, vá sắt để đào khi chúng ẩn mình trong lớp cát”, bà Hương chia sẻ.

Hai tay nhăn nheo do ngâm mình trong nước thời gian dài để cào phi, ông Lê Mười (ngụ quận Sơn Trà) cho biết, những người theo nghề này thường đi tất chân để tránh bị mảnh sành, vỏ hàu và các đồ phế thải bị vứt xuống làm bị thương.

Ông Mười ngâm mình dưới nước nhiều giờ để bắt phi.

Ông Mười ngâm mình dưới nước nhiều giờ để bắt phi.

Theo ông Mười, con phi sau khi bắt phải đem ngâm một ngày đêm để nhả hết cát. Tùy từng thời điểm 1kg phi chưa tách vỏ sẽ bán với giá từ 20.000 đến 30.000 đồng, còn khi lọc lấy ruột sẽ bán với giá 120.000 - 150.000 đồng/kg. Tầm 4kg vỏ thì được 1kg ruột. Người bắt nhiều mỗi ngày được hơn 10kg phi chưa qua tách ruột.

"Làm công việc này bị các vật sắc nhọn cắt vào da là điều dễ gặp. Ngâm mình dưới nước, phía trên nắng nóng tôi hay bị nhức đầu vào ban đêm. Nhưng vì cuộc sống mưu sinh nên phải cố gắng…", ông Mười bộc bạch.

Hồ Giáp

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doi-nang-ngam-minh-trong-bun-dao-dac-san-con-phi-giai-nhiet-o-da-nang-2169963.html