Đối thoại cùng di tích

Di tích lịch sử là minh chứng sinh động và cụ thể nhất về hiện thực cuộc sống đã xảy ra. Đó chính là những dấu vết quá khứ rất cần được gìn giữ và trân trọng. Một dân tộc có nhân phẩm khi biết khép lại quá khứ nhưng không lãng quên lịch sử. Bởi lịch sử được viết nên bằng mồ hôi, nước mắt và máu của Nhân dân. Với dân tộc Việt Nam thì điều đó càng vô cùng thấm thía. 'Khi ta lớn lên đất nước đã có rồi/ Đất nước có trong những cái ngày xửa, ngày xưa mẹ thường hay kể/ Đất nước có trong miếng trầu bây giờ bà ăn/ Đất nước lớn lên khi dân mình biết trồng tre mà đánh giặc...' Những câu thơ như thế của Nguyễn Khoa Điềm tôi tin sẽ sống rất lâu trong tâm hồn người dân đất Việt. Vì đấy chính là văn hóa dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Nó được lưu trữ trong những gì bình dị và thân thuộc nhất thuộc về quê hương, xứ sở, con người Việt Nam.

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: ĐỨC VIỆT

Dâng hương tưởng nhớ các anh hùng liệt sĩ - Ảnh: ĐỨC VIỆT

Luôn sẽ là những kết nối lặng lẽ nhưng bền chặt giữa quá khứ và hiện tại. Đến với các di tích không phải chỉ để xem và nghe mà điều cần thiết nhất là được trò chuyện với lịch sử. Đối diện với quá khứ ta nhận ra ánh sáng và bóng tối của những năm tháng không thuộc về hôm nay nhưng chẳng vô ích chút nào.

Bài học lịch sử luôn hữu ích nếu không muốn nói là rất quan trọng với hiện tại và tương lai dân tộc. Khi về Thành Tân Sở, một di tích lịch sử ở xã Cam Chính (Cam Lộ, Quảng Trị) trong tôi đan xen rất nhiều xúc cảm. Không lâu lắm, khi về vùng Cùa nắng bụi mưa lầy để thăm Tân Sở tôi vô cùng xót xa khi thấy di tích này gần như hoang phế. Một khoảnh đất ba dan bạt ngàn lau cỏ dại. Mặc dầu từ lâu Thành Tân Sở đã đi vào lịch sử dân tộc như một biểu tượng thiêng liêng của lòng yêu nước gắn liền với tên tuổi vua Hàm Nghi. Đây là vị vua nhà Nguyễn trẻ tuổi có cuộc đời chìm nổi, gian truân nhưng lại được lòng dân nhất.

Trong cuốn Ông vua bị đày (Le Roi Proscrit) nhà văn Pháp Marcel Gaultier viết: Vua Hàm Nghi đã giữ được tính chất thiêng liêng đối với thần dân của mình. Vị vua trẻ đã làm một việc vang dội khắp nước. Với ý chí cương quyết độc lập và dù người Pháp có đóng quân tại Huế, triều đình An Nam vẫn biểu dương một thái độ không hèn nhát. Nhắc đến vua Hàm Nghi là nói tới phong trào Cần Vương chống giặc Pháp xâm lược.

Ngày 6/6/1884, triều đình Huế ký Hiệp ước Patenotre, chính thức mở đường cho thực dân Pháp thiết lập bộ máy cai trị trên đất nước Việt Nam. Triều đình Huế chia làm hai phe chủ chiến và chủ hòa. Đêm 23/5/1885 (Ất Dậu), Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết, hai vị quan nòng cốt của phe chủ chiến đem nghĩa binh bất ngờ tấn công đồn Mang Cá và Tòa trú sứ của Pháp nhưng do chuẩn bị thiếu kỹ càng và lực lượng yếu nên bị thất bại. Hai ông rước vua Hàm Nghi và tam cung xa giá ra Tân Sở. Đây là một căn cứ được nhà Nguyễn chuẩn bị từ trước nhằm tập hợp lực lượng để chống Pháp.

Lịch sử ghi rõ: Ngày 13/7/1885, tức ngày mồng 2 tháng 6 năm Ất Dậu, tại sơn phòng Tân Sở, vua Hàm Nghi ban Chiếu Cần Vương kêu gọi sĩ phu, văn thân, Nhân dân cả nước cùng đứng lên kháng chiến chống giặc Pháp xâm lược.

Chiếu có đoạn rằng: Nước ta gần đây bỗng gặp nhiều việc. Trẫm tuổi trẻ nối ngôi, không lúc nào nguôi nghĩ đến tự cường, tự trị. Phái viên Tây ngang bức, càng ngày càng quá. Trước đây, chúng tăng thêm binh thuyền, buộc theo những điều không thể được, ta chiếu lệ tiếp đón, không chịu nhận một thứ gì. Kinh đô náo sợ, nguy biến chỉ trong sớm chiều. Đại thần lo việc quốc gia chỉ nghĩ kế nước được yên, triều đình được trọng; cứ cúi đầu nghe mệnh, ngồi để mất cơ hội, sao bằng thấy âm mưu biến động của giặc mà đối phó trước? Ví như việc đến không tránh được thì cũng còn có ngày nay để lo cho tốt cái lợi sau này, ấy là do thời thế xui nên vậy. Phàm đã dự chia mối lo này, tưởng cũng dự biết. Biết thì phải dự vào, nghiến răng dựng tóc, thề giết hết giặc, nào ai không có lòng như thế? Gối gươm, đánh chèo, cướp giáo, lăn chum, chẳng lẽ không có ai sao?...

Những dòng văn chiếu như được cắt ra từ máu và nước mắt, như được cất lên từ bấy nhiêu thao thức trăn trở của một tấm lòng yêu nước thương dân.

Quá khứ chẳng bao giờ mất đi. Quá khứ truyền năng lượng cho hiện tại để bước tiếp về tương lai. Một tương lai không từ trên trời rơi xuống. Tương lai đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ấy phải do chính dân tộc này dựng xây nên.

Tôi đọc lại những lời tâm huyết này tại đền thờ vua Hàm Nghi và các tướng sĩ Cần Vương được xây dựng trên nền đất Tân Sở khánh thành vào ngày 13/7/2020. Trước đó, ngày 12/7/2020, UBND huyện Cam Lộ đã tổ chức đoàn xe hoa vào Đại nội Huế rước long vị vua Hàm Nghi về thờ tại đền này.

Vua Hàm Nghi trở về sơn phòng Tân Sở, nơi cách đây 135 năm chiếu Cần Vương được ban ra mở đầu cho một phong trào kháng Pháp trải suốt từ Bắc vào Nam kéo dài hàng mấy chục năm. Đền thờ vị vua ái quốc và các tướng sĩ yêu nước trong cuộc kháng chiến Cần Vương chống giặc Pháp xâm lăng được thiết kế mô phỏng theo phong cách kiến trúc thời nhà Nguyễn gồm 5 gian thờ. Gian giữa thờ vua Hàm Nghi, các gian hai bên thờ Binh bộ thượng thư Tôn Thất Thuyết, Kỳ vĩ quận công Nguyễn Văn Tường cùng các sĩ phu, tướng sĩ, văn thân yêu nước.

Đền thờ đang còn rất mới, sau vài năm xây dựng chưa đủ rêu phong cổ kính nhưng vẫn rất thiêng bởi những giá trị quá khứ bi tráng ẩn tàng trong đó. Đến đây, chúng ta sẽ được trải nghiệm với nhiều cảm xúc lắng đọng trong không gian gợi nhắc bi hùng về một giai đoạn lịch sử u uẩn, vận nước chênh chao, có rất nhiều máu, lửa và nước mắt. Và, điều không thể không nói là trong bối cảnh ấy khí phách bất khuất của dân tộc vẫn được bảo lưu, tồn tại nguyên vẹn.

Một vị vua khi lên ngôi mới mười ba tuổi đã sáng suốt nhận rõ mặt thù và chọn được cách hành động đúng. Dẫu phong trào Cần Vương bị thất bại cũng như sau đó các cuộc khởi nghĩa chống Pháp trước khi Đảng ta ra đời cùng chung số phận bi thảm nhưng tinh thần yêu nước chẳng bao giờ phai mờ. Từ Tân Sở, chúng ta sẽ có câu trả lời chính xác đầy thuyết phục về vai trò của Đảng Cộng sản Việt Nam và Chủ tịch Hồ Chí Minh trong sự nghiệp cách mạng giải phóng dân tộc.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, ở bước ngoặt khác của lịch sử, Quảng Trị có thêm một di tích quốc gia đặc biệt, đó là Khu Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Di tích này ở thị trấn Cam Lộ, chỉ cách nhà tôi chừng vài trăm mét, khi đi dạo qua đó tôi thường dừng lại mấy phút nhìn lên lá cờ nửa xanh nửa đỏ rất quen thuộc với lớp người như tôi. Những dòng lịch sử hào hùng lại hiện rõ trong ký ức.

Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam ra đời vào mùa hè năm 1969 và sau khi Hiệp định Paris 1973 được ký kết, Bộ Chính trị đã quyết định cho xây dựng Trụ sở Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam tại thị trấn Cam Lộ. Có thể nói trong lịch sử Việt Nam và chắc cả thế giới nữa rất ít hay chưa hề có một trụ sở chính phủ lại được xây dựng nhanh như thế. Chỉ một tháng, từ ngày 6/5 đến ngày 6/6/1973, trụ sở đã xây xong bao gồm hai khu độc lập; khu A có nhà làm việc của Chính phủ và Bộ Ngoại giao, khu B có 5 dãy nhà trong đó có 2 nhà khách làm nơi lưu trú của các đại sứ...

Ngày 6/6/1973, tại đây đã có buổi lễ ra mắt trọng thể của Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam với sự tham gia của hàng vạn chiến sĩ, đồng bào cùng với sự có mặt của đại biểu 19 nước. Thêm một minh chứng cũng là bài học sinh động về chiến lược, sách lược đúng đắn của Đảng ta trong kháng chiến chống Mỹ cứu nước được soi tỏ. Và giá trị to lớn của di tích quốc gia đặc biệt này, nói như bà Nguyễn Thị Bình, nguyên Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, nguyên Phó Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì: Năm tháng và cát bụi có thể làm mờ dấu chân của những người làm nên lịch sử nhưng những giá trị thiêng liêng của lịch sử nhân văn vì tự do độc lập của dân tộc sẽ trường tồn cùng nhân loại.

Con đường đi tới độc lập tự do dân tộc, hòa bình thống nhất đất nước chẳng dễ dàng, bằng phẳng chút nào. Từ phong trào, các cuộc khởi nghĩa chống giặc Pháp xâm lược dưới ngọn cờ chiêu tập của các vị vua và sĩ phu phong kiến yêu nước đến con đường cách mạng do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo, dân tộc ta phải trải qua muôn vàn khó khăn gian khổ. Thắng lợi của dân tộc phải đổi bằng sự mất mát hy sinh vô cùng tận của chiến sĩ, đồng bào.

Càng tự hào bao nhiêu càng thương xót bấy nhiêu. Đến với Quảng Trị chúng ta càng thấm thía điều đó. Quảng Trị như một bảo tàng chiến tranh sinh động, đầy chất sử thi bi tráng với cầu Hiền Lương-sông Bến Hải; với địa đạo Vịnh Mốc; với Thành Cổsông Thạch Hãn; với Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Đường 9, Nghĩa trang Liệt sĩ quốc gia Trường Sơn; với Dốc Miếu, Làng Vây, Nhà tù Lao Bảo, Khe Sanh, Cửa Việt...Mỗi di tích mang trong nó bao nhiêu câu chuyện về quá khứ, về máu và hoa, về những chặng thanh xuân sém lửa.

Nước mắt và nụ cười. Mưa rơi và máu chảy. Cả những bức thư thời chiến còn thổn thức đến hôm nay. Tổ quốc. Lẽ sống. Tình yêu. Hiến dâng. Những hồi ức không quên. Những ám ảnh và trăn trở. Những nhắc nhở và tâm nguyện. Quá khứ chẳng bao giờ mất đi. Quá khứ truyền năng lượng cho hiện tại để bước tiếp về tương lai. Một tương lai không từ trên trời rơi xuống. Tương lai đàng hoàng hơn, to đẹp hơn ấy phải do chính dân tộc này dựng xây nên.

Tùy bút NGUYỄN HỮU QUÝ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/phong-su-ghi-chep/doi-thoai-cung-di-tich/179540.htm