Đón tết mùa mưa cùng người Hà Nhì nơi ngã ba biên giới
ĐBP - Đến mảnh đất ngã ba biên giới Sín Thầu trong ngày tết mùa mưa, những người khách phương xa sẽ bị đánh thức từ rất sớm bởi tiếng cười nói, chuyện trò vang vọng cả núi rừng. Không những thế, đến nhà nào cũng sẽ được tiếp đón nồng hậu như những đứa con trở về sau bao ngày đi xa…
Phụ nữ Hà Nhì chơi ném còn vào ngày tết.
Một ngày cuối tháng 6 âm lịch, chúng tôi có dịp về với mảnh đất ngã ba biên giới Tả Kố Khừ, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé để cùng đón tết mùa mưa cùng người dân nơi đây. Điều may mắn là chúng tôi được “cây đại thụ” nơi ngã ba biên giới - ông Pờ Dần Sinh nhiệt tình tiếp đón như những người con xa quê lâu ngày trở về. Và cũng như cách một người thân lâu ngày gặp lại, ông Sinh kể cho chúng tôi nghe truyền thống về ngày tết mùa mưa của dân tộc mình.
Theo quan niệm của người Hà Nhì, tổ chức nghỉ ngơi để ăn tết giữa mùa mưa vào một ngày cố định là 24/6 âm lịch hàng năm để làm nghi lễ gọi hồn vía cho con người, vật nuôi và cây trồng. Các nghi lễ trong Tết mùa mưa thể hiện đặc trưng tín ngưỡng thờ thần nông nghiệp, thờ thần mưa, thần nước của cộng đồng người Hà Nhì, cầu mong cho mùa màng bội thu, chăn nuôi phát triển, con người khỏe mạnh, cuộc sống ấm no...
Để chuẩn bị cho tết mùa mưa, người Hà Nhì thường mổ lợn. Ngoài chức năng làm “lý” để mời ông bà, tổ tiên, thịt lợn còn tạo nguồn thực phẩm cho gia đình sử dụng và tiếp đón, đãi khách trong những ngày tết. Không chỉ vậy, vào ngày tết, nếu như người Kinh có tục bói chân gà thì người Hà Nhì có tục bói gan lợn, mật lợn. Người Hà Nhì quan niệm, nếu gan lợn lành lặn, có màu sắc tươi thì đó là điều tốt đẹp... Bởi vậy vào ngày tết chính, cả bản Tả Kố Khừ nhà nào cũng dậy sớm, mổ lợn để chuẩn bị.
Tục xem gan lợn vào ngày tết mùa mưa của người Hà Nhì ở Tả Kố Khừ.
Điều độc đáo khi đón tết với người Hà Nhì mà chúng tôi được chứng kiến ở dịp tết mùa mưa là lễ cúng tết cũng như nhiều nghi lễ khác họ không thắp hương. Nếu là cúng thịt lợn thì cũng chỉ lấy ít thịt của các bộ phận sau khi đã chế biến chín như gan, lòng, đuôi... chứ không cúng bằng đầu lợn. Hơn nữa, vào ngày tết chính, các gia đình đi lấy một cành cây, theo tiếng người Hà Nhì gọi là “Mồ Pý Chùy Xò” trên rừng về buộc trước cửa. Đây là loại cây rừng thân thẳng và luôn xanh tốt, tượng trưng cho sự may mắn, sinh sôi phát triển. Trên thân cây, chủ nhà buộc thêm các loại lương thực mà gia đình trồng được dâng lên các vị thần linh.
Người Hà Nhì quan niệm rằng, tết mùa mưa là dịp để nghỉ ngơi giữa mùa mưa sau quãng thời gian lao động vất vả, đồng thời để các gia đình thể hiện lòng biết ơn của con cháu với ông bà tổ tiên và các vị thần linh, gọi hồn vía các thành viên trong gia đình, vật nuôi và cây trồng để đồng bào có một mùa vụ may mắn. Đây còn là dịp để mọi người về đoàn tụ, ôn lại và trao đổi kinh nghiệm lao động sản xuất, cùng vui, cùng sum vầy bên mâm cỗ, nâng chén rượu mừng chúc nhau những điều tốt đẹp. Bởi vậy, bữa liên hoan trong ngày tết mùa mưa ở Tả Kố Khừ luôn giữ được không khí vui vẻ và ấm cúng. Suốt từ chiều đến tận đêm khuya, mọi người trong bản đến chơi, chúc tết nhà nhau. Trên mâm cỗ không thể thiếu được những món ăn đặc trưng, như: Cháo gạo nếp, dưa chua, nước chấm từ vỏ cây me tròn... với những hương vị độc đáo.
Khi đã ngà ngà hơi men, lấp đầy bụng bằng những bát cháo gạo nếp thơm mùi thảo quả, chúng tôi lại đắm chìm trong màu sắc sặc sỡ của thổ cẩm và sự tinh tế, tài hoa trên trang phục của người phụ nữ Hà Nhì; đắm mình vào những câu hát dân ca, những điệu múa xòe, múa nón mô phỏng hoạt động lao động, sản xuất và cuộc sống sinh hoạt hằng ngày... trong không khí rộn ràng của ngày tết mùa mưa nơi cực Tây Tổ quốc.