Đòn xoáy Triều Tiên nhằm vào phòng vệ tên lửa Thái Bình Dương
Triều Tiên ngày 7-1 tuyên bố thử thành công tên lửa đạn đạo tầm trung mới có gắn đầu đạn siêu thanh.
Tên lửa được phóng vào ngày 6-1, bay khoảng 1.500 km với tốc độ gấp 12 lần tốc độ âm thanh. Theo Hãng thông tấn Trung ương Triều Tiên (KCNA), nhà lãnh đạo Kim Jong-un trực tiếp theo dõi vụ phóng thông qua hệ thống giám sát.
Trước đó, quân đội Hàn Quốc cho biết phát hiện vụ phóng tên lửa đạn đạo tầm trung (IRBM) của Triều Tiên từ khu vực Bình Nhưỡng và tên lửa đã bay khoảng 1.100 km trước khi rơi xuống vùng biển phía Đông.
Ông Kim Jong-un tuyên bố việc phát triển một tên lửa như vậy nhằm tăng cường khả năng răn đe chiến tranh hạt nhân của Triều Tiên, bằng cách "biến hệ thống vũ khí mà không ai có thể đáp trả thành chốt chặn của khả năng răn đe chiến lược".
"Hệ thống tên lửa siêu thanh này sẽ ngăn chặn hiệu quả bất kỳ đối thủ nào ở khu vực Thái Bình Dương muốn ảnh hưởng đến an ninh của đất nước chúng ta" - KCNA dẫn lời ông Kim Jong-un.
Ông Kim Jong-un nhấn mạnh: "Thế giới không thể phớt lờ hiệu suất của hệ thống tên lửa siêu thanh tầm trung mới nhất của chúng ta. Hệ thống này có thể tấn công quân sự đáng gờm vào đối thủ, trong khi xuyên thủng hiệu quả mọi hàng rào phòng thủ dày đặc".
Hãng tin Yonhap cho biết đây là vụ phóng tên lửa đầu tiên của Triều Tiên trong năm 2025. Vụ phóng diễn ra khi Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đang có chuyến thăm tới Hàn Quốc và còn khoảng 2 tuần trước khi Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump nhậm chức vào ngày 20-1.
Vụ phóng tiến hành trong bối cảnh tình hình chính trị ở Hàn Quốc đang bất ổn do lệnh thiết quân luật của ông Yoon Suk-yeol vào tháng trước và việc ông bị Quốc hội luận tội sau đó.
Tên lửa siêu thanh thường khó bị đánh chặn bằng các lá chắn phòng thủ tên lửa hiện có. Hệ thống này có thể di chuyển với tốc độ ít nhất là Mach 5 (gấp 5 lần tốc độ âm thanh) và được thiết kế để có thể cơ động trên các đường bay không thể đoán trước và bay ở độ cao thấp.
Triều Tiên đã phóng tên lửa đạn đạo siêu thanh tầm trung vào tháng 1 và tháng 4 năm ngoái.
Trong một động thái cho thấy khả năng cải thiện của tên lửa, KCNA cho biết phương tiện lướt siêu thanh trên IRBM mới đã đạt đỉnh đầu tiên ở độ cao 99,8 km và lần thứ hai ở độ cao 42,5 km, trong khi thực hiện đường bay dài 1.500 km theo đúng kế hoạch và đánh trúng mục tiêu trên biển.
Đồng thời, Triều Tiên cũng tuyên bố sử dụng một hợp chất sợi carbon mới để sản xuất thân động cơ của tên lửa siêu thanh.
Nếu tuyên bố của Triều Tiên là chính xác, đây sẽ là khoảng cách xa nhất mà một tên lửa siêu thanh của Triều Tiên có thể bay được.
Về mặt lý thuyết, tên lửa này được cho là có khả năng tấn công các căn cứ quân sự của Mỹ tại Guam (cách Bình Nhưỡng khoảng 3.400 km) nếu bắn ở tầm tối đa. Tầm bắn của IRBM thông thường từ 3.000 đến 5.500 km.
Tên lửa siêu thanh là một trong những vũ khí tinh vi mà ông Kim Jong-un tuyên bố sẽ phát triển tại một đại hội đảng quan trọng vào năm 2021, cùng với tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân, vệ tinh do thám và tên lửa đạn đạo liên lục địa nhiên liệu rắn.