Đồng bằng sông Cửu Long: Sản xuất xanh vì nền nông nghiệp phát triển bền vững

Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) là vùng sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng cao so với bình quân cả nước. Dù nông nghiệp là trụ đỡ kinh tế nhưng đây không chỉ là ngành chịu tác động mạnh của biến đổi khí hậu mà còn gây ra phát thải nhà kính rất lớn.

Với trách nhiệm giảm phát thải để góp phần giảm nhẹ biến đổi khí hậu toàn cầu, nông nghiệp ĐBSCL đang từng bước chuyển đổi mô hình sản xuất đáp ứng xu hướng tăng trưởng xanh, tiêu dùng xanh.

Những nhà nông thông thái và mô hình tiên phong

Dẫn chúng tôi ra thăm ruộng lúa của gia đình đang gần đến ngày thu hoạch, đưa tay vuốt ve từng bông lúa chắc hạt, căng bóng, hứa hẹn cho một mùa bội thu, ông Lý Hùng ở xã Vĩnh Quới, thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Ngày trước, mỗi khi tới vụ sản xuất là chai lọ thuốc trừ sâu chất đầy ở bờ ruộng, dưới kênh, do bà con dùng để diệt cỏ dại, ốc bươu vàng...

Từ khi tham gia mô hình sản xuất lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 vụ đông xuân 2023-2024 thì mọi thứ thay đổi tích cực. Khi đến mùa vụ, bà con sản xuất đồng loạt, cùng một loại giống, nhà khoa học hướng dẫn canh tác theo hướng hữu cơ, an toàn, giảm sử dụng phân, thuốc hóa học; ghi chép sổ sách; Nhà nước hỗ trợ cung ứng vật tư đầu vào, máy bay phun thuốc không người lái, đồng thời còn có sự hỗ trợ của các doanh nghiệp về bao tiêu sản phẩm đầu ra, bảo đảm bà con có lãi. Sản xuất lúa theo phương thức này, tôi thấy vừa an toàn vừa hiệu quả”.

 Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình canh tác lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Đoàn công tác Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham quan mô hình canh tác lúa an toàn thuộc Dự án sản xuất và liên kết tiêu thụ lúa thơm ST24, ST25 tại thị xã Ngã Năm, tỉnh Sóc Trăng.

Mang theo niềm vui mùa vụ mới của bà con Sóc Trăng, chúng tôi ngược về tỉnh An Giang, một trong những địa phương có diện tích trồng lúa lớn của ĐBSCL. Cũng là cái nắng tháng 3 "cháy da" của miền Tây Nam Bộ, nhưng thay vào cảnh khói đen nghi ngút vì bà con dùng rơm để đốt đồng sau khi thu hoạch lúa thì nay rơm được cuộn lại để trồng nấm, làm phân hữu cơ hay thức ăn cho gia súc vừa giảm phát thải khí nhà kính lại thêm thu nhập. Không dừng lại ở đó, dọc các cánh đồng ở huyện An Phú, tỉnh An Giang, bên cạnh màu xanh của lúa còn là màu của nhiều loại hoa đang khoe sắc như sao nhái, trâm ổi...

Theo nhiều nhà nông, mô hình sinh thái "ruộng lúa, bờ hoa" được bà con áp dụng nhiều năm nay và cho hiệu quả cao. Ngoài giúp nông dân duy trì sự ổn định giữa các đối tượng gây hại và các sinh vật có ích trên đồng ruộng còn giảm hơn 50% lượng thuốc bảo vệ thực vật nên tiết kiệm khoảng 300.000 đồng/công lúa mỗi vụ, tăng thêm hơn 10% lợi nhuận cho người trồng lúa và giúp cảnh quan môi trường nông thôn xanh, sạch, đẹp.

Theo ông Lê Văn Thiệt, Phó cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn): “Đến nay, toàn vùng ĐBSCL đã có gần 40.000ha lúa canh tác theo mô hình “ruộng lúa, bờ hoa” và phần lớn diện tích luôn được các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm ổn định, đáp ứng nhu cầu ngày càng khó tính của thị trường nội địa và xuất khẩu. Thời gian tới, chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình để góp phần từng bước hướng đến nông nghiệp xanh, giảm phát thải khí nhà kính".

Khi hóa chất nông nghiệp đang gây quan ngại ngày càng lớn về tác động đến môi trường và sức khỏe cộng đồng, nhiều nông dân ở ĐBSCL đã chuyển đổi canh tác hữu cơ, tuần hoàn như một giải pháp xanh và bền vững. Vụ lúa đông xuân 2023-2024 tiếp tục cho thấy sự chuyển biến rõ về nhận thức, thay đổi tập quán canh tác lâu đời của người trồng lúa. Nông dân đã giảm lượng giống gieo sạ, quản lý dịch hại IPM, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật theo “4 đúng”, giảm lượng phân bón vô cơ, đi đôi với nhiều tiến bộ kỹ thuật như “3 giảm, 3 tăng”, “1 phải, 5 giảm”, kỹ thuật tưới nông-lộ-phơi (kỹ thuật này giúp giảm khoảng 3,5 lần lượng phát thải khí nhà kính so với các ruộng lúa để ngập nước suốt cả vụ)... Những giải pháp, quy trình kỹ thuật đồng bộ này đã và đang mang lại nhiều lợi ích trong thực tiễn, giúp giảm chi phí sản xuất và giảm gây ô nhiễm môi trường.

Tiếp tục mở rộng nông nghiệp xanh

Xác định nông dân là chủ thể đóng vai trò quan trọng góp phần thực hiện thành công chuyển đổi sản xuất từ truyền thống sang sản xuất xanh, theo ông Kim Thái Phong, Chủ tịch UBND thị xã Ngã Năm, khoảng 2-3 năm qua, địa phương phối hợp với một số doanh nghiệp triển khai các chương trình hỗ trợ về vật tư phân bón hữu cơ cho bà con nông dân, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp tham gia đồng hành hỗ trợ thu mua sản phẩm.

Điều này giúp nông dân hứng khởi hơn và yên tâm sản xuất theo đúng quy trình. Khi mô hình mang lại hiệu quả, tạo sức lan tỏa, nhiều mô hình canh tác thông minh, hợp tác xã ra đời từ đó. “Với những nền tảng này sẽ tạo bước đệm để thị xã Ngã Năm sẽ thực hiện hiệu quả 15.000ha sản xuất lúa chất lượng cao như mục tiêu đăng ký với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Sóc Trăng tham gia Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao”, ông Phong nhấn mạnh.

Tương tự, gần hai năm qua, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Đồng Tháp đã tập huấn cho hàng nghìn nông dân, cùng hàng trăm cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật về quản lý và sử dụng an toàn trên cây lúa, cây ăn trái, rau màu... Phối hợp với các đơn vị thu gom chai lọ, bao bì thuốc bảo vệ thực vật đã sử dụng; xây các thùng chứa chai lọ tránh việc vứt xuống kênh, mương gây ô nhiễm môi trường nước, đất, không khí. Ngoài ra, ký kết với Hiệp hội CropLife Việt Nam về hỗ trợ nông dân sử dụng thuốc bảo vệ thực vật an toàn, hiệu quả; duy trì môi trường xanh, sạch. Qua đó xây dựng vùng sản xuất nông sản an toàn, chất lượng cao, đáp ứng xuất khẩu vào các thị trường khó tính.

Dù đã có những mô hình tiên phong hiệu quả, tạo sự lan tỏa nhưng thực tế quy mô còn nhỏ; mỗi địa phương mới chỉ triển khai ở một vài huyện với diện tích vài chục héc-ta vì thế chưa đủ để thuyết phục và thay đổi tư duy của bà con nông dân. Vì thế, để đạt mục tiêu giảm 30% phát thải khí nhà kính năm 2030 và về bằng 0 năm 2050 theo cam kết của Chính phủ, các cấp, ngành từ Trung ương đến địa phương cần tích cực hơn nữa trong tuyên truyền và đưa ra giải pháp để từng bước thực hiện thành công mục tiêu xây dựng nền nông nghiệp ĐBSCL "Xanh-sinh thái-bền vững".

Hiến kế cho ĐBSCL, nguyên Phó trưởng ban Thường trực Ban Kinh tế Trung ương, nguyên Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Đức Phát cho rằng, trong bối cảnh đất đai và các nguồn lực ngày càng thu hẹp, nhưng phải bảo đảm tăng chất lượng, hiệu quả, giảm phát thải khí nhà kính, nông nghiệp phải dựa nhiều hơn vào khoa học-công nghệ. Khoa học-công nghệ phải là động lực chính. Một nền nông nghiệp dựa vào khoa học-công nghệ để phát triển thì đòi hỏi phải có nhiều lao động có kỹ năng và được đào tạo.

Cũng theo ông Cao Đức Phát: “Một nền nông nghiệp xanh, hiện đại, áp dụng cơ giới hóa và kỹ thuật tiên tiến cần có cơ sở hạ tầng tương ứng. Chẳng hạn khi muốn khuyến khích nông dân trồng lúa áp dụng phương thức nông-lộ-phơi thì trước hết phải giúp họ có được hệ thống thủy lợi nội đồng cho phép họ làm điều đó. Hay nền nông nghiệp số đòi hỏi phải có điện, hạ tầng số, hệ thống logistics hiệu quả”.

Mô hình sinh thái "ruộng lúa, bờ hoa" của bà con nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang giúp giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất xanh, an toàn. Ảnh: HOÀNG VŨ

Mô hình sinh thái "ruộng lúa, bờ hoa" của bà con nông dân huyện An Phú, tỉnh An Giang giúp giảm phát thải khí nhà kính, hướng đến sản xuất xanh, an toàn. Ảnh: HOÀNG VŨ

Là chuyên gia nghiên cứu nông nghiệp, GS, TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng danh dự Trường Đại học Nam Cần Thơ cho rằng, muốn phát triển nông nghiệp xanh, Nhà nước cần xác định hai chủ thể chính là nông dân và doanh nghiệp.

“Trước tiên cần đưa nông dân vào các hợp tác xã, tổ sản xuất... để cùng sản xuất theo quy trình nông nghiệp sạch. Khi nông dân cùng tham gia sản xuất với quy trình chuẩn thì sản phẩm của họ sẽ được tiêu thụ bởi các tập đoàn, doanh nghiệp lớn với giá cao hơn. Từ đó, nông dân sẽ thấy rằng, làm theo nông nghiệp sạch, nông nghiệp xanh sẽ không bị thua lỗ nhờ giá sản phẩm cao hơn. Bên cạnh đó, Nhà nước cần có những cơ chế, chính sách khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đi đầu trong xây dựng nền nông nghiệp xanh để họ mở thị trường.

Mở được thị trường, doanh nghiệp sẽ quay trở về vùng nguyên liệu để áp dụng những tiến bộ kỹ thuật để sản xuất nông nghiệp sạch. Từ thị trường, doanh nghiệp sẽ “điều khiển” nông dân sản xuất xanh, sạch. Cùng với đó, Nhà nước cũng phải có các quy định khắt khe trong việc sử dụng các hóa chất độc hại. Việc buôn bán, sử dụng hóa chất cấm, độc hại phải được kiểm tra, kiểm soát và xử phạt thật nặng nếu các cơ quan chức năng phát hiện”, GS, TS Võ Tòng Xuân đề xuất.

Bài và ảnh: THÚY AN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/dong-bang-song-cuu-long-san-xuat-xanh-vi-nen-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-767894