Đồng bào Chăm tổ chức lễ Rija tại Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar

Trong 2 ngày 30-4 và 1-5, rất đông đồng bào Chăm ở tỉnh Ninh Thuận đã đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar để tổ chức lễ cúng đầu năm mới theo lịch Chăm, hay còn được gọi là lễ Rija.

Đồng bào Chăm mang lễ vật đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar tronglLễ Rija.

Đồng bào Chăm mang lễ vật đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar tronglLễ Rija.

Tại lễ Rija, đồng bào Chăm theo đạo Bà la môn mang đến những lễ vật gồm có: Cơm, canh, gà luộc, trái cây, trầu cau, các loại bánh, chè, rượu… dâng cúng lên các đấng thần linh để nguyện cầu cho mưa thuận gió hòa, mùa màng bội thu, con người khỏe mạnh… Lễ Rija của đồng bào Chăm năm nay trùng với thời điểm kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025) và Ngày Quốc tế Lao động (1-5) nên việc tổ chức lễ cúng cũng lớn hơn.

Một gia đình người Chăm đang bày biện lễ vật.

Một gia đình người Chăm đang bày biện lễ vật.

Đồng bào Chăm gọi lễ hội Katê và lễ hội Ramưwan là Tết của dân tộc mình; đây là hai lễ hội được duy trì lâu đời, phát triển lên thành Tết (theo lịch Chăm). Còn với lễ Rija, tuy không được gọi là Tết nhưng cũng là một dịp quan trọng của cộng đồng Chăm được diễn ra vào thời điểm giao mùa, giữa mùa mưa với mùa khô.

Một vị thầy cúng người Chăm.

Một vị thầy cúng người Chăm.

Trong lễ Rija, có lễ Rija Nagar (Rija Xứ sở), được gọi là lễ hội đầu năm của cộng đồng làng. Các làng Chăm sẽ tổ chức lễ cúng để chào đón năm mới với những điều tốt đẹp sẽ đến cho dân làng.

Những mâm lễ vật được đồng bào Chăm bày biện để cúng các vị thần linh.

Những mâm lễ vật được đồng bào Chăm bày biện để cúng các vị thần linh.

Sau khi làng cúng xong, các gia đình người Chăm sẽ tổ chức đi cúng ở khắp các đền tháp có thờ những vị thần theo văn hóa Chăm để cầu mong cho gia đình, bản thân gặp nhiều điều may mắn trong năm. Sau đó, từng gia đình sẽ về cúng tại nhà mình, đó cũng là lúc kết thúc lễ Rija. Lễ vật cúng của từng gia đình tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của mỗi nhà, nhưng thường thì cúng gà, còn có điều kiện hơn thì cúng dê, nhưng lễ vật không thể thiếu là các loại hoa trái, cơm, canh.

Các em nhỏ người Chăm theo gia đình vui chơi trong lễ Rija.

Các em nhỏ người Chăm theo gia đình vui chơi trong lễ Rija.

Theo ông Đàng Văn Kỷ - người có chức sắc và uy tín trong đồng bào Chăm, mỗi lần đến lễ Rija là báo hiệu sự thay đổi của thời tiết, khí hậu. Điều này có ý nghĩa lớn đối với hoạt động sản xuất nông nghiệp của đồng bào Chăm nên người Chăm rất coi trọng ngày lễ này và cúng lễ thành tâm để cầu mong thần linh ban cho quốc thái dân an, làng xóm yên vui, mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, gia đình hạnh phúc... Lễ Rija, trong đó có Rija Nagar mang tính cộng đồng rất cao và thể hiện nhiều giá trị văn hóa của người Chăm. Qua những ngày lễ này, các giá trị cộng đồng được phát huy tích cực, gắn kết tình cảm xóm làng, tinh thần tương thân tương ái.

Lễ Rija là dịp để đồng bào Chăm tưởng nhớ đến các vị thần linh, tổ tiên và nguyện cầu về những điều tốt đẹp.

Lễ Rija là dịp để đồng bào Chăm tưởng nhớ đến các vị thần linh, tổ tiên và nguyện cầu về những điều tốt đẹp.

Bà Trượng Thị Linh (xã Phước Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) chia sẻ, lễ Rija năm nay, đồng bào người Chăm rất vui mừng, phấn khởi vì được đón lễ trùng với dịp kỷ niệm 50 năm thống nhất đất nước. Trong mấy ngày tới, khi các làng ở Ninh Thuận dần cúng xong thì số lượng các gia đình người Chăm ra cúng các vị thần ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar sẽ còn đông hơn.

Biểu diễn múa Chăm ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Biểu diễn múa Chăm ở Khu di tích quốc gia đặc biệt Tháp Bà Pô Nagar.

Lễ Rija còn được xem như lễ cầu mùa của đồng bào Chăm và chứa đựng bên trong những giá trị văn hóa tốt đẹp. Ở đó, không chỉ có những nghi lễ dân gian mà đây còn là dịp để các gia đình người Chăm quây quần vui vẻ bên nhau, gắn kết các thành viên trong gia đình.

GIANG ĐÌNH

Nguồn Khánh Hòa: http://www.baokhanhhoa.vn/van-hoa/202505/dong-bao-cham-to-chuc-le-rijatai-khu-di-tich-quoc-gia-dac-biet-thap-ba-po-nagar-57d57a7/