Đồng bào Công giáo ở Đắk Lắk xây dựng vùng chuyên canh sản xuất sạch
Theo truyền thống, người dân tộc thiểu số ở Đắk Lắk thường sống du canh, du cư đốt rừng làm nương rẫy. Phương thức sản xuất là 'phát, đốt, chọc, trỉa' tự cung, tự cấp nên kinh tế thấp kém, đời sống nghèo nàn. Trong bối cảnh đó, việc địa phương đẩy mạnh phát triển KTTT, HTX đang giúp kinh tế của đồng bào dân tộc thiểu số trong đó có đồng bào Công giáo ngày một phát triển.
Nhờ đó, những vườn cà phê, cao su, lúa, gạo năng suất cao không chỉ mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần cải thiện đời sống cho người dân nơi đây, mà còn xóa bỏ dần tập quán và tư duy sản xuất lạc hậu, thay đổi ý thức tự chủ của người dân trong đời sống sản xuất và là minh chứng hiệu quả của các mô hình HTX kiểu mới.
Hiệu quả từ sản xuất xanh, sạch
Trong lĩnh vực sản xuất cà phê, HTX Nông nghiệp dịch vụ Công Bằng Ea Tu (TP. Buôn Ma Thuột,) là một trong những đơn vị điển hình về sản xuất, tiêu thụ sản phẩm. HTX có 53 thành viên (90% thành viên là đồng bào dân tộc thiểu số) và liên kết gần 200 hộ dân đa số là đồng bào Công giáo trong vùng, canh tác hơn 220 ha (chủ yếu là cà phê), với sản lượng đạt 500 tấn/năm. Đơn vị đã đầu tư mua đất để xây dựng nhà xưởng sản xuất rộng 500m2 và thuê khu vực sân phơi với diện tích 1.000 m2, mua sắm máy móc, thiết bị phục vụ sản xuất, với kinh phí 2 tỷ đồng để tập trung sản xuất cà phê nhân và liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam để tạo đầu ra ổn định.
Ông Trần Đình Trọng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX cho biết, năm 2016, cà phê nhân xanh của HTX đã đạt chứng nhận Thương mại Công bằng (FLO) do Tổ chức quốc tế về dán nhãn Thương mại công bằng - Fairtrade Labelling Organization International xây dựng. Theo tiêu chuẩn này, nông dân phải tuân thủ quy trình sản xuất nghiêm ngặt, thân thiện với môi trường, thu hoạch quả chín trên 80%. Sản phẩm được chứng nhận, có chất lượng tốt nên cà phê của HTX dễ dàng tiếp cận với thị trường các nước Anh, Pháp, Mỹ, Đức… thông qua nhà xuất khẩu.
Đến nay, trung bình mỗi năm, HTX tiêu thụ 200 tấn cà phê nhân có chứng nhận (RA) liên kết với Công ty TNHH Dakman Việt Nam và gần 300 tấn cà phê nhân có chứng nhận Thương mại công bằng.
Bên cạnh đó, từ năm 2019, đơn vị tiếp tục phát triển thêm các dòng cà phê bột cung cấp cho thị trường trong nước và xây dựng 3 sản phẩm cà phê bột đạt OCOP 3 sao cấp tỉnh năm 2020 là cà phê đặc sản, Robusta và Honey.
Trong năm 2023, HTX dự kiến sẽ có doanh thu đạt khoảng 12 tỷ đồng, tăng 2 tỷ đồng so với năm 2022. Ngoài duy trì sản xuất, nâng cao chất lượng cà phê, đơn vị phát triển thêm 60 ha sản xuất cà phê hữu cơ (organic) và xây dựng vùng trồng cho 14 ha sầu riêng để tăng thêm thu nhập cho thành viên và người dân.
Liên kết sản xuất, tạo đầu ra ổn định
Ngoài ra, ở huyện Krông Bông còn có HTX dịch vụ tổng hợp nông nghiệp Thăng Bình là một trong những đơn vị đi đầu trong việc liên kết với các doanh nghiệp xây dựng vùng nguyên liệu lúa gạo, mía đường quy mô lớn.
Ngoài thành viên chính thức, HTX có 328 hộ thành viên liên kết, HTX đã vận động các hộ thành viên trong vùng sản xuất tự nguyện dồn điền nhập thửa, góp 28 thửa đất riêng lẻ thành một cánh đồng chung 15 ha để chuyển đổi cây trồng, cơ giới hóa, áp dụng công nghệ cao vào sản xuất.
HTX cung ứng dịch vụ đầu vào cho sản xuất của thành viên, liên kết với một số doanh nghiệp lớn trong nước và đã mạnh dạn đưa giống lúa ST24, ST25 về sản xuất tại huyện Krông Bông.
Giống lúa rất phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu vùng Krông Bông, sinh trưởng tốt, kháng được một số loại sâu bệnh, cho năng suất cao (10 - 12 tấn tươi/ha). Nhiều hộ dân nhờ thâm canh tốt nên doanh thu đạt trên 90 triệu đồng/ha/vụ, tăng hơn so với trước đây từ 20 - 30 triệu đồng/ha/vụ.
Ngoài ra, HTX còn xây dựng lò sấy, nhà máy xay xát gạo để cho ra sản phẩm mang thương hiệu gạo HTX Thăng Bình, hình thành được chuỗi lúa gạo khép kín.
Đồng thời, HTX còn mở rộng liên kết, xây dựng vùng sản xuất lúa thương phẩm RVT, ST24, OM49, Đài Thơm 8, hợp đồng liên kết với công ty TNHH MTV cà phê 721, Tập đoàn giống cây trồng Việt Nam xây dựng chuỗi liên kết sản xuất lúa gạo, chuyển giao quy trình, đầu tư sản xuất và thu mua lúa tươi tại đồng cho thành viên và nông dân trên diện trên 300 ha (các xã: Cư Kty, Khuê Ngọc Điền, Hòa Sơn, Hòa Lễ, Hòa Tân, Ea Trul).
Sản phẩm gạo của HTX Dịch vụ nông nghiệp tổng hợp Thăng Bình là sản phẩm đạt OCOP tiêu chuẩn 4 sao và đang được tổ chức hoàn thiện, chuẩn hóa các tiêu chí để nâng cấp mức chất lượng đạt phân hạng 5 sao (cấp quốc gia) để tham gia vào thị trường các nước.
Ông Võ văn Sơn, Chủ tịch HĐQT kiêm giám đốc HTX cho biết, những năm trước đây, Krông Bông là một huyện nghèo, huyện vùng sâu, vùng xa và khó khăn nhất của tỉnh Đắk Lắk, đồng bào dân tộc thiểu số theo Công giáo chiếm 80% dân số trên toàn huyện.
Sản xuất nông nghiệp còn rất hạn chế, tập quán canh tác cũ lạc hậu, manh mún nhỏ lẻ, thiếu vốn, thiếu kiến thức khoa học kỹ thuật, sản phẩm nông nghiệp đầu vào, đầu ra luôn bị tư thương ép giá. Do đó, HTX không chỉ chủ động kết nối với các nhà doanh nghiệp mà đã từng bước ổn định được đầu vào, đầu ra trong sản xuất nông nghiệp. HTX đã từng bước giải quyết việc làm thường xuyên cho thành viên và người lao động là đồng bào Công giáo, vùng dân tộc thiểu số mang lại thu nhập và cải thiện đời sống, từng bước góp phần vào công cuộc xóa đói giảm nghèo bền vững ở khu vực miền núi Tây Nguyên.
Thay đổi thói quen sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế
Ông Nguyễn Văn Tứ, Phó Ban Tôn giáo tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc du canh, du cư là rào cản cho việc truyền đạo, quản đạo và giữ đạo. Do vậy, trong quá trình truyền giáo, Công giáo đã lập làng định cư, định canh để giữ đạo và truyền đạo như: Buôn Hằng, Êa Kmar Madaguôi, K’long… Những làng này hiện nay trở thành các giáo xứ của đồng bào dân tộc nơi đây.
Làng định cư, định canh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, thay đổi thói quen, tập quán không có lợi cho sản xuất, thiết lập thói quen mới giúp cho người dân ổn định, có điều kiện để phát triển sản xuất theo vườn, rẫy chuyên canh, bảo vệ tài nguyên rừng.
Cũng theo ông Nguyễn Văn Tứ, từ việc lập các làng định cư, các trung tâm truyền giáo ban đầu, dần hình thành các giáo xứ, giáo họ. Đây không những là trung tâm hoạt động tôn giáo mà còn là địa điểm sinh hoạt kinh tế.
Tín đồ sinh hoạt tôn giáo theo hình thức cộng đồng lấy nhà thờ làm trung tâm, nên mối quan hệ giữa các cá nhân khá mật thiết không chỉ trong đức tin mà cả trong phát triển kinh tế. Trong sinh hoạt tôn giáo, hoạt động giao lưu kinh tế giữa các tín đồ được trao đổi, hỗ trợ nhau trong sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, giảm đi tính khép kín, tự cung, tự cấp tạo điều kiện cho người dân chia sẻ kinh nghiệm, trao đổi hàng hóa.
Với, việc thay đổi phương thức sản xuất chuyên canh, liên kết các mô hình HTX, Liên hiệp HTX đa dạng các loại cây trồng, vật nuôi, sản phẩm của bà con làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu của gia đình mà còn cung cấp cho thị trường các loại nông, thổ sản đặc sắc của vùng, thúc đẩy kinh tế HTX và kinh tế hộ gia đình phát triển.
“Đắk Lắk là tỉnh có đông đảo đồng bào Công giáo sinh sống với hơn gần 300.000 người. Nhiều năm nay, đồng bào Công giáo trong tỉnh đã tích cực tham gia xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp với nhiều mô hình kinh tế đạt hiệu quả cao trên hầu hết lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh”, ông Nguyễn Văn Tứ cho hay.