Đồng bào Khmer và công cuộc chuyển đổi số
Trong công cuộc này, chức sắc và người có uy tín đóng vai trò trung tâm, vừa là người hướng dẫn, truyền cảm hứng, vừa là cầu nối giữa bà con với công nghệ.

Người Khmer Nam Bộ luôn giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc. (Ảnh: Phương Nghi)
Những bước chuyển trong đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer
Chuyển đổi số và ứng dụng công nghệ thông tin là xu hướng chung của toàn xã hội. Đối với đồng bào Khmer, việc chuyển đổi số cũng đang được đẩy mạnh, giúp các chính sách tiếp cận tới người dân ở từng khu vực một cách nhanh chóng, hiệu quả, để đồng bào không đứng ngoài xu thế này.
Hiện nay, đồng bào Khmer đã ứng dụng công nghệ trong văn hóa và giáo dục, chuyển đổi từ nghe nhìn trực tiếp sang nghe nhìn, giảng dạy sử dụng các phương tiện kĩ thuật, phát huy giá trị của văn hóa của dân tộc, từng bước cải thiện các nội dung, chương trình giáo dục trong vùng dân tộc Khmer.
Các chùa Khmer trên địa bàn đã sử dụng các nền tảng mạng xã hội trực tuyến như YouTube, Facebook, Zalo, Telegram… để truyền giảng giáo lý, phổ biến văn hóa và tổ chức lễ hội. Những bài giảng, nghi thức tôn giáo, hay các video giới thiệu điệu múa dân gian được ghi lại, lưu trữ và chia sẻ rộng rãi trên các nền tảng mạng xã hội, từ đó giúp bảo tồn và phát huy những truyền thống tốt đẹp của phong tục, tập quán cộng đồng người dân tộc Khmer ra khu vực và các nước trên thế giới.
Công cuộc chuyển đổi số thời gian qua đã hỗ trợ tích cực cho cộng đồng người Khmer trong sản xuất nông nghiệp và các ngành nghề lao động thủ công mỹ nghệ tại địa phương, giúp quảng bá, giới thiệu sản phẩm ra cộng đồng.
Nhiều hộ gia đình Khmer đã được tiếp cận các ứng dụng nông nghiệp thông minh, từ dự báo thời tiết, phân tích đất đai đến thương mại điện tử hoặc các nghành nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống được lưu giữ truyền lại cho thế hệ sau bằng các phóng sự, đoạn clip tự quay của gia đình, dòng tộc. Nhờ đó, người dân dễ dàng tìm đầu ra cho sản phẩm, tối ưu hóa năng suất, giảm chi phí sản xuất, bảo tồn và phát huy được bản sắc văn hóa của dân tộc mình.
Trong thực hiện chuyển đổi số, nhất là tại các chùa Khmer trên địa bàn, là nơi đã gắn bó với người dân tộc Khmer ngay từ sinh ra, lớn lên và trưởng thành cũng như khi chết cũng được lưu giữ xương cốt tại chùa nên số chức sắc, người có uy tín cũng như cộng đồng người Khmer thường xuyên sử dụng ngôi chùa là nơi để phối hợp với chính quyền địa phương và đoàn thể tổ chức phổ cập kiến thức số cho cộng đồng, cập nhật các thông tin có liên quan đến xây dựng chính quyền số cũng như kỹ năng bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, dữ liệu cá nhân của từng người trong đồng bào.
Các lớp học công nghệ cơ bản do chính quyền địa phương phối hợp với các chùa tổ chức đã giúp nhiều người dân, đặc biệt là giới trẻ, tiếp cận công nghệ và tận dụng vào học tập, làm việc và bảo tồn nét đẹp văn hóa, bản chất tốt đẹp của cộng đồng người Khmer trên địa bàn.
Tuy nhiên, ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc việc tiếp cận Internet và thiết bị công nghệ vẫn còn nhiều khó khăn do cơ sở hạ tầng còn hạn chế, chưa bao phủ được hết các khu vực người dân tộc sinh sống; nhận thức của một bộ phận còn hạn chế, nhất là số người lớn tuổi hoặc người ít tiếp xúc với công nghệ còn gặp trở ngại trong việc sử dụng thiết bị số nên còn e dè, sợ thao tác sai.
Việc ứng dụng công nghệ vào các hoạt động của đời sống, sinh hoạt của đồng bào Khmer cần có sự cân bằng giữa hội nhập và bảo tồn, tránh tình trạng văn hóa truyền thống tốt đẹp của các thế hệ người Khmer bị pha loãng hoặc biến đổi, mai một.

Bà con Khmer ấp Sóc Đồn (xã Hưng Hội, huyện Vĩnh Lợi) chung tay xây dựng tuyến đường xanh – sạch – đẹp, góp phần diện mạo phum sóc ngày càng khởi sắc. (Ảnh: Phương Nghi)
Phát huy vai trò của chức sắc, người có uy tín
Thời gian qua, để công cuộc chuyển đổi số đến gần với đồng bào Khmer phải kể đến vai trò của chức sắc, người có uy tín.
Chức sắc, người có uy tín có vai trò quan trọng trong cộng đồng, được cộng đồng tôn trọng và kính trọng. Họ có kiến thức sâu rộng về văn hóa, phong tục tập quán của dân tộc mình, có khả năng lãnh đạo và tạo ra ảnh hưởng tích cực đến cộng đồng, thường tham gia vào các hoạt động xã hội, chính trị và tôn giáo, giúp duy trì sự đoàn kết và phát triển của cộng đồng.
Họ có thể đóng vai trò trong việc truyền đạt thông tin, giải quyết mâu thuẫn, và thúc đẩy các chương trình phát triển kinh tế - xã hội trong khu vực đồng bào dân tộc trên địa bàn. Ngoài ra chức sắc, người có uy tín còn có thể tham gia vào các hoạt động bảo tồn văn hóa, ngôn ngữ và phong tục tập quán của dân tộc Khmer, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa của cộng đồng.
Chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng Khmer tại các chùa phật giáo Nam tông Khmer trong chuyển đổi số là những người dẫn dắt tinh thần và bảo tồn nền văn hóa số cho cộng đồng người dân tộc Khmer; phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện công tác quản lý nhà nước đối với lĩnh vực tôn giáo, dân tộc thông qua công nghệ số. Chức sắc, người có uy tín trong cộng đồng người Khmer gồm sư sãi, trụ trì, các Acha hay là thành viên ban quản trị các chùa… luôn được đồng bào kính trọng bởi họ là người giữ vai trò trung tâm trong các hoạt động văn hóa, tâm linh, chuyển đổi từ hoạt động thực tế lên nền tảng số, các kênh truyền thông, mạng xã hội.
Bên cạnh đó, họ là cầu nối giữa cộng đồng dân cư với các tổ chức đoàn thể trong gìn giữ và truyền bá các giá trị truyền thống của đồng bào dân tộc Khmer trên địa bàn thông qua các hoạt động được số hóa, như lễ hội Ok Om Bok, Chol Chnam Thmay, hay nghệ thuật múa, hát dù kê, nhạc ngũ âm…
Trong chuyển động số, vai trò của chức sắc, người có uy tín được mở rộng khi họ sử dụng công nghệ để lưu trữ và lan tỏa văn hóa của cộng đồng dân tộc Khmer ra ngoài phạm vi phum, sóc lan tỏa ra các tỉnh lân cận cũng như vươn tầm khu vực quốc tế qua các lễ hội đua ghe Ngo truyền thống hàng năm, giúp thế hệ trẻ người dân tộc Khmer vừa tiếp cận văn hóa truyền thống vừa hòa nhập với thời đại số và tham gia vào công cuộc chuyển đổi số do Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai thực hiện.
Chức sắc, người có uy tín là những cá nhân có kiến thức về công nghệ làm cầu nối giữa chính quyền và cộng đồng dân cư, được người dân tin tưởng nhờ vào kinh nghiệm, sự hiểu biết và tấm gương trong cuộc sống, người am hiểu về nhiều lĩnh vực trong đó có công nghệ phục vụ chuyển đổi từ lao động phổ thông truyền thống sang kinh tế số, xã hội số...
Họ là cầu nối quan trọng trong việc tuyên truyền chính sách của Nhà nước, vận động bà con thực hiện các chương trình phát triển kinh tế - xã hội, cũng như công cuộc chuyển đổi số của địa phương. Chức sắc, người có uy tín cũng đảm nhiệm vai trò truyền bá kiến thức, hướng dẫn cách ứng dụng công nghệ vào đời sống, từ việc sử dụng smartphone, truy cập thông tin trực tuyến, đến các ứng dụng trong sản xuất và tiêu thụ nông sản thông qua các kênh truyền thông, mạng xã hội...

Đua ghe Ngo - lễ hội dân gian mang đậm nét văn hóa đặc trưng của đồng bào dân tộc Khmer ở đồng bằng Sông Cửu Long, tổ chức định kỳ hai năm/lần tại tỉnh Sóc Trăng. (Ảnh: Báo Sóc Trăng)
Đẩy nhanh chuyển đổi số hiệu quả
Để công cuộc chuyển đổi số được triển khai mạnh mẽ trong thời gian tới, chính quyền và các tổ chức đoàn thể cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Thứ nhất, thường xuyên tổ chức đào tạo những kiến thức, kĩ năng số cho chức sắc và người có uy tín trên địa bàn. Chính quyền địa phương cần tổ chức các khóa học chuyên sâu về công nghệ dành riêng cho chức sắc và người có uy tín, giúp họ hiểu rõ và tự tin ứng dụng công nghệ vào công việc hàng ngày cũng như bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc mình.
Thứ hai, từng bước xây dựng nền tảng số phù hợp với nét văn hóa vùng dân tộc Khmer trên địa bàn. Các nền tảng trực tuyến, mạng xã hội nên được thiết kế song ngữ, vừa tiếng phổ thông vừa có dịch sang ngôn ngữ Khmer và nội dung phù hợp với phong tục, tập quán vùng đồng bào Khmer để người dân dễ dàng sử dụng. Chính quyền thường xuyên phối hợp với các chùa để phát triển những ứng dụng hỗ trợ học tập, bảo tồn văn hóa, và tổ chức sự kiện tôn giáo gắn với ứng dụng các khoa học công nghệ, chuyển đổi số quốc gia.
Thứ ba, Có chế độ chính sách nhằm khuyến khích thế hệ trẻ người dân tộc Khmer tham gia vào công cuộc chuyển đổi số trên địa bàn. Nhất là lực lượng thanh niên là người dân tộc Khmer, là lực lượng có khả năng thích nghi nhanh chóng với công nghệ, nền tảng số, mạng xã hội, vì vậy cần được khuyến khích tham gia các chương trình chuyển đổi số, trở thành cầu nối hỗ trợ các bậc cao niên vào phát triển cộng đồng, phục vụ sự phát triển của quê hướng, đất nước.
Cuối cùng, để chuyển đổi số thành công tại vùng đồng bào dân tộc Khmer cần đầu tư mạnh mẽ vào hạ tầng công nghệ, như mở rộng mạng lưới Internet và cung cấp các thiết bị thông minh với giá thành hợp lý, ưu tiên vùng đồng bào dân tộc Khmer để khuyến khích sử dụng công nghệ vào các sinh hoạt thường ngày cũng như ứng dụng vào sản xuất kinh doanh.
Chuyển đổi số không chỉ là một bước tiến về công nghệ mà còn là cơ hội để cộng đồng Khmer phát triển toàn diện, hiện đại hóa cuộc sống nhưng vẫn giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống. Trong công cuộc này, chức sắc và người có uy tín đóng vai trò trung tâm, vừa là người hướng dẫn, truyền cảm hứng, vừa là cầu nối giữa bà con với công nghệ. Với sự quan tâm, hỗ trợ từ chính quyền và tinh thần đoàn kết của cộng đồng, chắc chắn đồng bào dân tộc Khmer sẽ tận dụng tốt cơ hội chuyển đổi số để nâng cao chất lượng sống, đóng góp tích cực vào sự phát triển bền vững của tỉnh nhà và đất nước.
(*) Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao, Công an tỉnh Sóc Trăng
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/dong-bao-khmer-va-cong-cuoc-chuyen-doi-so-309747.html