Đồng bộ nhà ở với hạ tầng: Giao thông chưa đi trước một bước
Trong xu hướng phát triển đô thị, tại Hà Nội, nhiều dự án nhà ở, khu đô thị mới xuất hiện đã góp phần tạo cảnh quan văn minh, hiện đại cho TP.
Nhưng mặt trái của tốc độ đô thị hóa nhanh chóng này đã gây khó khăn cho chính quyền TP trong việc cung cấp đầy đủ cơ sở hạ tầng công cộng cho cư dân, trong đó có hạ tầng giao thông.
Độ vênh lớn giữa nhà và đường
Hàng trăm dự án khu đô thị (KĐT) được xây dựng và đi vào hoạt động đã làm gia tăng dân số nhanh chóng tại đô thị trung tâm Thủ đô. Người đông đồng nghĩa với mật độ phương tiện lưu thông tăng, cùng với đó việc phát triển thiếu đồng bộ giữa nhà ở với hạ tầng giao thông dẫn tới tình trạng tắc đường, ô nhiễm khói bụi thường xuyên xảy ra.
Theo quy chuẩn, tiêu chuẩn trong các KĐT, với quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, quy hoạch hệ thống giao thông có tính toán đến các tuyến đường trong nhóm nhà ở; tối thiểu tỷ lệ đất giao thông và giao thông tĩnh trong đất xây dựng đô thị đạt 18%; mỗi tòa nhà chung cư đều đảm bảo 1 căn hộ có 1,5 chỗ đỗ xe.
Thế nhưng trên thực tế tại một số KĐT, các tuyến đường giao thông trong nội khu luôn quá tải vào khung giờ cao điểm sáng và chiều khi có nhiều loại phương tiện cùng tham gia lưu thông (xe ô tô cá nhân, xe hợp đồng, xe đưa đón học sinh…).
Điển hình như KĐT Linh Đàm (quận Hoàng Mai), với mật độ dân cư thuộc vào hàng đông nhất nhì Hà Nội nhưng vấn đề hạ tầng giao thông lại không được đầu tư đồng bộ dẫn tới việc cửa ngõ ra vào khu đô thị này thường xuyên ùn tắc nghiêm trọng.
Bên cạnh đó, trong quá trình lập quy hoạch, nhiều dự án đã không tính toán, dự báo hết nhu cầu đỗ xe của cư dân hoặc không muốn thiết kế tầng hầm do chi phí giá bán căn hộ bị đẩy lên cao. Nên nhiều KĐT, chung cư ở Hà Nội rất khó khăn về vấn đề chỗ đỗ xe cho chính cư dân trong dự án. KĐT Kim Văn - Kim Lũ với 4 khối nhà cao từ 40 - 55 tầng tuy nhiên mỗi khối nhà chỉ có 1 tầng hầm để phục vụ đỗ xe máy, ô tô phải gửi ở khu vực khác.
Khu chung cư Đại Thanh có 6 tòa nhà, mỗi tòa cao 32 tầng, mỗi tòa nhà cũng chỉ có 1 tầng hầm nên thường xuyên xảy ra tình trạng cư dân không có đủ chỗ đỗ xe. Việc chủ đầu tư tuân thủ theo tiêu chuẩn tối thiểu về chỗ đỗ xe hoặc không chấp hành nghiêm các quy chuẩn dẫn đến không đáp ứng đủ nhu cầu đỗ xe cho cư dân.
Bàn về tình trạng thiếu đồng bộ, chưa hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng giao thông, thiếu kết nối hạ tầng khu đô thị với các khu vực xung quanh, Phó tổng Thư ký Hội Quy hoạch phát triển Đô thị Việt Nam, TS. KTS Trương Văn Quảng nhận định, đây là vấn đề đã và đang tồn tại ở không ít các dự án, KĐT ở Hà Nội. Điều này phản ảnh chất lượng đô thị hóa của Thủ đô chưa cao, năng lực quản lý, phát triển đô thị còn yếu và đang tồn tại nhiều bất cập…
Quản lý chặt việc đầu tư xây dựng theo quy hoạch
Theo các chuyên gia quy hoạch đô thị, để phát triển đô thị bền vững luôn đòi hỏi sự đồng bộ giữa quy hoạch và triển khai đầu tư xây dựng theo quy hoạch. Trong đó phát triển hệ thống giao thông là một trong những chỉ tiêu then chốt và giao thông sẽ phải đi trước một bước.
Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, KTS Trần Ngọc Chính cho hay, các chủ đầu tư thường chỉ tập trung vào đầu tư xây dựng giao thông nội khu, còn trách nhiệm kết nối giữa giao thông khu ở với giao thông đô thị lại là trách nhiệm của TP.
“Nói một cách nghiêm túc là chúng ta chưa làm tốt nhiệm vụ giao thông đi trước một bước. Cùng đó, chưa làm tốt công tác giám sát, quản lý việc thực hiện theo quy hoạch nên mới có câu chuyện xây cụm nhà chung cư có dân số bằng hay thậm chí hơn cả một phường, trong khi hệ thống đường thì vẫn như thế. Nhà quá nhiều mà đường thì không có, do đó không có đường để đi, ùn tắc tất nhiên sẽ xảy ra” - KTS Trần Ngọc Chính nêu.
Do đó, vấn đề ở đây theo KTS Trần Ngọc Chính, các nhà quy hoạch đô thị phải luôn luôn tính toán về mật độ dân cư khi xây nhà cao tầng. Khi xây dựng nhà cao tầng bắt buộc phải tuân theo đúng quy chuẩn, tiêu chuẩn về mật độ dân cư trên 1ha, hạ tầng đô thị như chỗ đỗ xe, mặt cắt đường… để đảm bảo thông thoáng được trong khu nhà cao tầng đó và kết nối được với giao thông của toàn bộ TP chứ không chỉ tính toán trong mỗi khu nhà đó.
Cùng bàn về giải pháp, ThS.KTS Phạm Hoàng Phương - Viện Kiến trúc quốc gia cho rằng, Hà Nội nên phân bố các công trình cao tầng tại vị trí bên ngoài khu vực nội đô và đủ năng lực đáp ứng về hạ tầng giao thông. Không hạn chế xây dựng công trình cao tầng trong khu vực nội đô lịch sử một cách cứng nhắc, nhưng chỉ xem xét cấp phép ở các vị trí mà hạ tầng giao thông có tiềm năng hoặc đã phát triển theo quy hoạch.
Ví dụ như một số khu vực, theo quy hoạch sẽ mở rộng đường hoặc được xây dựng thêm hệ thống giao thông công cộng (đường sắt đô thị, BRT)... Quan trọng nhất, việc cấp phép xây dựng công trình cao tầng cần phù hợp với tiến độ và hiện trạng phát triển hạ tầng khu vực. Hạn chế tình trạng phê duyệt dự án theo bản đồ quy hoạch trên giấy, xa rời hiện trạng thực tế.
Để hạn chế các tồn tại, bất cập, tiến tới xây dựng Thủ đô có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả, mới đây UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 235/KH-UBND về việc thực hiện Nghị quyết số 48/NQ-CP ngày 5/4/2022 của Chính phủ "Về tăng cường bảo đảm trật tự, an toàn giao thông và chống ùn tắc giao thông giai đoạn 2022 - 2025" trên địa bàn TP Hà Nội.
Trong đó đáng chú ý, UBND TP đã giao Sở QH - KT chỉ chấp thuận, trình cấp có thẩm quyền phê duyệt hồ sơ quy hoạch các dự án khu đô thị, khu, cụm công nghiệp, dự án đầu tư xây dựng các công trình nhà chung cư, nhà cao tầng, trung tâm thương mại... khi các nội dung đề xuất phù hợp với định hướng quy hoạch, tuân thủ các quy định hiện hành, đáp ứng yêu cầu, quy định về chỉ tiêu diện tích bãi đỗ xe, hạ tầng giao thông và kết nối giao thông với các đường trục chính đô thị, không gia tăng áp lực gây ùn tắc giao thông.
Mặc dù các dự án xây dựng KĐT đều có quy hoạch, thiết kế lúc ban đầu khá bài bản với cái nhìn toàn cục. Tuy nhiên, trên thực tế hiện nay thường xảy ra hai trường hợp: Một là, khi đầu tư xây dựng, chủ đầu tư chú trọng xây dựng nhà để bán, cho thuê mà không chú ý đầy đủ đến các hạ tầng.
Hai là, trong suốt quá trình đầu tư xây dựng, chủ đầu tư khu đô thị và các nhà đầu tư thứ cấp bắt đầu tiến hành đề xuất điều chỉnh quy hoạch như nâng tầng cao các ngôi nhà, chuyển công năng các khu đất công, triệt để khai thác các diện tích xây nhà để bán, cho thuê, làm dịch vụ thương mại… các công trình hạ tầng đường giao thông, bãi đỗ xe lại chây ỳ không thực hiện." - TS Lê Văn Hoạt - Ủy viên Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Hà Nội)
Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-bo-nha-o-voi-ha-tang-giao-thong-chua-di-truoc-mot-buoc.html