Dòng chảy văn hóa sông Hồng trên quê hương Nam Định
Từ hàng thiên niên kỷ nay, sông Hồng bồi đắp phù sa tạo nên những vùng châu thổ đồng bằng rộng lớn, đất đai phì nhiêu, cây cối xanh tươi trên suốt hành trình 'đổ về với biển', trong đó có quê hương Nam Định. Dòng sông Mẹ (sông Cái) đã nuôi dưỡng con người và theo dòng chảy thời gian đã tạo ra không gian văn hóa truyền thống đặc sắc của nền văn minh nông nghiệp lúa nước với các làng quê trù phú, phồn thịnh.
Nam Định - Nơi kết tinh, bồi đắp những giá trị văn hóa sông Hồng
Tỉnh Nam Định nằm ở phía Nam khu vực đồng bằng châu thổ sông Hồng. Tại Nam Định, sông Hồng chảy qua 5 huyện, thành phố với tổng chiều dài 74,5km rồi đổ ra biển tại cửa Ba Lạt. Sông Hồng không chỉ là biểu tượng cho nền văn minh nông nghiệp lúa nước vùng đồng bằng Bắc Bộ mà còn ẩn chứa trong đó những giá trị văn hóa truyền thống của người Việt; kết tinh, bồi đắp, hình thành nét văn hóa đặc trưng, tiêu biểu của quê hương Nam Định. Đó là hệ thống di sản văn hóa vật thể, phi vật thể phong phú, đa dạng gồm: tín ngưỡng (tín ngưỡng thờ “Mẹ” - Mẫu Tam, Tứ phủ và tín ngưỡng thờ “Cha” - Đức Thánh Trần), phong tục tập quán, hệ thống các di tích, danh thắng, lễ hội, ẩm thực và văn hóa con người.
Về di sản văn hóa vật thể, phải kể đến hệ thống các di tích lịch sử - văn hóa, là những ngôi cổ tự hàng trăm năm tuổi thờ các vị thiền sư: Không Lộ, Minh Không, Giác Hải, Từ Đạo Hạnh; các di tích đền, đình thờ các vị vua, danh tướng trong lịch sử phong kiến; các di tích từ đường, miếu thờ các vị tổ làng, tổ nghề có công khai hoang, lập ấp, dựng xây xóm làng, phát triển dòng họ… Trong đó, tiêu biểu và đặc sắc nhất là 2 di tích cấp quốc gia đặc biệt: Khu di tích Đền Trần - Chùa Phổ Minh, phường Lộc Vượng (thành phố Nam Định) và Khu di tích Chùa Keo Hành Thiện, xã Xuân Hồng (Xuân Trường). Bên cạnh đó, nhiều giá trị di sản văn hóa phi vật thể đặc trưng của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, gắn với các di sản công trình tôn giáo, tín ngưỡng vật thể, bao gồm: nghi thức, nghi lễ trong các lễ hội làng truyền thống; trò chơi dân gian, các loại hình dân ca, dân vũ của dân tộc như: nghi lễ rước Nước, tế Cá, rước kiệu Ngọc Lộ trong lễ hội Đền Trần (thành phố Nam Định); múa rối cạn trong lễ hội Chùa Đại Bi; múa rối nước làng Bàn Thạch (Nam Trực); thi bơi chải trong các lễ hội Chùa Keo Hành Thiện (Xuân Trường), Chùa Cổ Lễ (Trực Ninh); thi “địch thủy”, “địch hỏa” - lấy nước, tạo lửa, thổi cơm thi trong lễ hội làng Ngọc Tiên (Xuân Trường); thi “kéo cõi” (hình thức giống như kéo co, trong đó dân làng cho rằng “cõi” có nghĩa là mốc, “kéo cõi” là biểu tượng cho việc giữ mốc, giữ biên giới của Tổ quốc) trong lễ hội làng Phú Hào (Nam Trực); thi dệt vải trên hồ trong lễ hội làng Gạo (Vụ Bản); múa lân - sư - rồng, biểu diễn cà kheo, hát chèo trên sông, hát văn, nghi lễ chầu văn, hát ca trù, thi đấu vật, kéo co, chơi cờ người, tổ tôm điếm, chọi gà, leo cầu ngô, bắt vịt dưới ao… Đặc biệt, cứ vào dịp đầu xuân, trong nhiều lễ hội truyền thống diễn ra trên địa bàn tỉnh không thể không nhắc đến 2 lễ hội ở hai di tích cấp quốc gia là lễ hội Khai ấn Đền Trần và lễ hội Phủ Dầy. Bên cạnh đó là 2 phiên chợ “cầu may” độc đáo “năm có một phiên” nổi tiếng miền Bắc: chợ Viềng Nam Trực gắn với lễ hội chùa Đại Bi và chợ Viềng Vụ Bản gắn với Phủ Dầy. Người “đi chợ” kết hợp đi lễ đầu xuân, mua bán, trao đổi cây, con giống, nông cụ, các sản phẩm đồ đồng, đồ cổ... với ước nguyện một năm mới mưa thuận gió hòa, cây cối tốt tươi, mùa màng bội thu, cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
Sông Hồng chảy qua Nam Định chỉ là đoạn ngắn so với tổng chiều dài của dòng sông nhưng bởi là đoạn cuối trước khi đổ ra biển, với những vùng giao thoa nước lợ nơi cửa biển nên cũng để lại nhiều dấu tích đặc trưng của vùng văn hóa sông nước, đó là những làng chài, làng nghề, làng cổ ven sông lưu giữ nhiều giá trị văn hóa. Sông Hồng chở nặng phù sa, bồi đắp nên những cánh đồng màu mỡ, phì nhiêu, tạo nguồn cho sự phát triển sản xuất nông nghiệp với nhiều loại giống lúa thơm, ngon, mềm, dẻo đã trở thành thương hiệu, đặc sản Nam Định như: gạo tám xoan Xuân Đài (gạo tám thơm ấp bẹ), gạo nếp cái hoa vàng… Sông Hồng còn tạo ra nguồn lợi thủy hải sản phong phú, được những bàn tay khối óc lao động sáng tạo, tài hoa của những con người nơi đây tạo nên nhiều món ẩm thực, sản phẩm độc đáo mang tinh hoa văn hóa của người dân Nam Định, tiêu biểu như: các món gỏi cá đồng, cá biển, chả rươi, cá kho niêu, mắm tôm, nước mắm chắt… Phù sa màu mỡ của sông Hồng đổ về nơi cửa biển pha sự mặn mòi của biển cả đã tạo nên vùng đất ngập nước đặc biệt quý giá, được công nhận là Khu Dự trữ sinh quyển thế giới (Ramsar), rừng ngập mặn - Vườn quốc gia Xuân Thủy (Giao Thủy) với nhiều loài động thực vật hoang dã và các loài chim di cư quý hiếm. Trong những năm gần đây, Vườn quốc gia Xuân Thủy luôn là điểm đến du lịch tham quan, trải nghiệm hấp dẫn, lý thú đối với du khách trong và ngoài nước. Dòng sông Hồng không chỉ lắng đọng phù sa, tạo thành miền đất trù phú “đất lành chim đậu”, mà còn tạo những mạch nguồn “địa linh” nuôi dưỡng con người trở thành “nhân kiệt” trong quá trình sống, đấu tranh chế ngự và thích nghi, làm chủ tự nhiên. Bởi vậy Nam Định cũng là địa danh “lắng hồn núi sông ngàn năm”, sản sinh ra nhiều danh nhân văn hóa, danh sĩ nổi tiếng của đất nước, nhân loại... Từ bao đời nay, cảnh sắc tươi đẹp bên bờ sông Hồng với con người Nam Định văn minh, mến khách là nguồn đề tài phong phú cho văn học nghệ thuật, cho sự thăng hoa của các văn nghệ sĩ sáng tác những tác phẩm thơ ca, nhạc, họa nổi tiếng, có sức sống lâu bền theo thời gian.
Khai thác, phát huy giá trị văn hóa sông Hồng phát triển du lịch địa phương
Với những tiềm năng, lợi thế, giá trị vật thể và phi vật thể sông Hồng mang lại, những năm qua, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VH, TT và DL) phối hợp các cơ quan, địa phương liên quan triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát huy giá trị các di sản văn hóa như: kết nối các tuyến, điểm tham quan, du lịch, trải nghiệm; bảo vệ, trùng tu, tôn tạo các di tích; quản lý, phát huy giá trị truyền thống trong các lễ hội; gìn giữ phong tục tập quán, trò chơi dân gian, các loại hình văn hóa, nghệ thuật… của cư dân nông nghiệp lúa nước, góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 5, khóa VIII. Xây dựng các thương hiệu, sản phẩm nông nghiệp quốc gia theo hướng bền vững. Phối hợp với các cơ quan thông tấn báo chí của Trung ương và địa phương xây dựng các thiên phóng sự, ký sự, ghi chép; chương trình nghệ thuật... tăng cường tuyên truyền, giới thiệu những giá trị văn hóa vùng đất, con người Nam Định như: “Ký sự Sông Hồng”, “Âm vang Sông Hồng”…
Nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế về giá trị tài nguyên du lịch của các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng, đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, thu hút khách du lịch đến các địa phương, đóng góp tích cực vào tăng trưởng kinh tế - xã hội, năm 2022 tỉnh Nam Định đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển du lịch giữa các tỉnh, thành phố vùng khu vực đồng bằng sông Hồng mở rộng (Ninh Bình, Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam, Nam Định, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Thanh Hóa, Nghệ An). Bên cạnh đó, tỉnh Nam Định tích cực tham gia các hội nghị hợp tác, phát triển du lịch; xây dựng các tuyến du lịch liên kết vùng, kết nối các khu, điểm du lịch thành các tour du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, du lịch trải nghiệm các di tích lịch sử - văn hóa trên địa bàn trong quan hệ hợp tác liên vùng theo không gian du lịch. Tăng cường các hoạt động giao lưu hoạt động lễ hội, văn hóa, thể thao và du lịch… trong các sự kiện được các tỉnh, thành phố vùng đồng bằng sông Hồng tổ chức.
Để liên kết du lịch với các tỉnh bạn, thời gian qua, Sở VH, TT và DL phối hợp với Hiệp hội Du lịch Nam Định tổ chức các chương trình famtrip, presstrip đón doanh nghiệp lữ hành các tỉnh bạn về khảo sát các khu, điểm du lịch, các cơ sở dịch vụ khách sạn, nhà hàng, cơ sở bán sản phẩm quà lưu niệm để tìm hiểu năng lực phục vụ khách và đưa khách đến với các cơ sở của doanh nghiệp hội viên. Hiệp hội Du lịch Nam Định tổ chức cho các doanh nghiệp hội viên tham gia đoàn khảo sát du lịch tỉnh bạn để kết nối tour, tuyến du lịch liên tỉnh và trao đổi học hỏi kinh nghiệm lẫn nhau. Đồng thời, giới thiệu, quảng bá hình ảnh du lịch, cơ sở dịch vụ của các doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin đại chúng, các nền tảng mạng xã hội của các tỉnh trong cụm liên kết 6 tỉnh vùng Duyên hải phía Bắc, cụm Hiệp hội Du lịch các tỉnh phía Bắc để quảng bá thu hút khách du lịch đến với Nam Định. Việc liên kết hợp tác này đã đẩy mạnh hợp tác phát triển du lịch, nâng cao hiệu quả hoạt động kết nối phát triển du lịch vùng, thúc đẩy khai thác tiềm năng, lợi thế giá trị tài nguyên du lịch, góp phần tăng trưởng kinh tế - xã hội.
Thời gian tới, tỉnh Nam Định tiếp tục đẩy mạnh triển khai các hoạt động liên kết, hợp tác, phối hợp giữa các bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong vùng đồng bằng sông Hồng nhằm tạo ra các sản phẩm văn hóa tiêu biểu, đặc trưng, gắn kết giữa phát triển văn hóa với phát triển du lịch thông qua các sự kiện văn hóa, thể thao, lễ hội, chương trình quảng bá di sản, du lịch hấp dẫn. Chú trọng khai thác tiềm năng về đặc sản văn hóa ẩm thực, làng nghề. Xây dựng, triển khai thực hiện các chương trình, đề án quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị di tích, di sản đã được xếp hạng, ghi danh. Đẩy mạnh thực hiện Chiến lược “Phát triển văn hóa đến năm 2030”. Xây dựng cơ chế, chính sách khuyến khích các thành phần kinh tế, cá nhân, tập thể, doanh nghiệp, tổ chức xã hội tham gia nguồn lực để đầu tư phát triển các mô hình liên kết, hợp tác phát triển văn hóa, du lịch; ưu tiên nguồn vốn, huy động nguồn lực kinh phí trùng tu, tôn tạo các di tích lịch sử - văn hóa; xây dựng các thiết chế văn hóa, cơ sở hạ tầng du lịch; cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông kết nối các điểm đến có tài nguyên du lịch văn hóa để thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội tỉnh.