'Đồng chí Nguyễn Thị Thập uy nghi như một vị tướng, mà lại hiền như một bà tiên'

(ABO) Đó là cảm xúc của đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội khi nói về những kỷ niệm với đồng chí Nguyễn Thị Thập tại Hội thảo khoa học Cuộc đời và sự nghiệp đồng chí Nguyễn Thị Thập được tổ chức tại Tiền Giang vào ngày 10-10 nhân kỷ niệm 115 Ngày sinh của đồng chí.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ: Là phụ nữ Việt Nam đang sống trong nước hay đang ở xa Tổ quốc, chúng ta đều tự hào là con cháu của Hai Bà Trưng, Bà Triệu. Tự hào về những nữ anh hùng, nữ liệt sĩ đã hy sinh cả cuộc đời mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, giải phóng dân tộc khỏi ách xâm lược, lầm than, giải phóng cho phụ nữ khỏi chế độ phong kiến đã đè nặng trên vai người phụ nữ suốt hàng ngàn năm, đem lại sự bình đẳng cho phụ nữ chúng ta hôm nay.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu phát biểu tại hội thảo.

Công lao to lớn đó trước hết thuộc về Bác Hồ muôn vàn kính yêu và các thế hệ phụ nữ tiền bối, trong đó có đồng chí Nguyễn Thị Thập - người con gái của quê hương Long Hưng, huyện Châu Thành, tỉnh Mỹ Tho (nay là Tiền Giang) bên bờ con kinh đào, đưa nước phù sa ra sông Tiền vun đắp cho miền quê Nam bộ thêm trái ngọt cây lành.

Đoàn Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đơn vị tỉnh Tiền Giang khóa VI (1976 - 1981) được bầu 11 đại biểu, trong đó có 6 đại biểu nam và 5 đại biểu nữ. Trung ương cử về ứng cử ở địa phương gồm 4 đại biểu: Nguyễn Thị Thập, Hồ Thị Chí, Hòa thượng Thích Thiện Hào, Nguyễn Hữu Thế.

Địa phương có 7 đại biểu trúng cử thì đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu là 1 trong 7 đại biểu trúng cử ĐBQH đơn vị tỉnh Tiền Giang khóa VI; 6 đại biểu còn lại là: Nguyễn Công Bình, Nguyễn Thị Ẩn, Anh hùng Lực lượng vũ trang Hồ Văn Bé, Trần Thị Hiển, Nguyễn Chí Trung và Nguyễn Văn Thành.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu tự hào: “Vinh dự lớn lao của tôi là được “sống” gần đồng chí Nguyễn Thị Thập suốt 5 năm từ 1976 - 1981, mỗi năm có 2 kỳ họp, kỳ họp trên dưới 2 tuần lễ. Là Phó Chủ tịch Quốc hội, ngồi trên Chủ tịch Đoàn, đồng chí Nguyễn Thị Thập uy nghi như một vị tướng, mà lại hiền như một bà tiên.. Khóa VI là khóa Quốc hội đầu tiên của nước Việt Nam thống nhất, độc lập, tự do, là cuộc tổng tuyển cử lớn nhất từ khi nước ta được Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập ngày mùng 2-9-1945”.

Kỳ họp thứ nhất năm 1976 diễn ra từ ngày 24-6 đến ngày 3-7, kỳ họp quyết định nhiều vấn đề quan trọng nhất của đất nước: Đổi tên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa thành Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; quy định Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca, thủ đô là Hà Nội, đổi tên TP. Sài Gòn - Gia Định thành TP. Hồ Chí Minh. Quốc hội khóa VI quyết định sửa đổi Hiến pháp 1959 thành Hiến pháp 1980 và ban hành nhiều đạo luật quan trọng.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu (thứ hai từ trái qua) chụp ảnh lưu niệm với đại biểu tại hội thảo.

“Đồng chí Nguyễn Thị Thập quan tâm từng đại biểu trong đoàn, nhất là 7 ĐBQH ở địa phương. Đồng chí Mười Thập mời chúng tôi về nhà ăn cơm. Tôi là đại biểu trẻ nhất trong đoàn và trẻ nhất trong 3 đại biểu nữ ở địa phương. Dù trong thời kỳ bao cấp rất khó khăn, thiếu thốn mọi bề, mua cái gì cũng phải có tem phiếu, vậy mà đồng chí mời đoàn ăn bữa cơm gia đình với đồng chí, có cá, có thịt, có rau đầy đủ.

Thậm chí, đồng chí còn gói bánh ít cho chúng tôi ăn cho đỡ nhớ nhà. Đạm bạc, khó khăn nhưng thắm tình quê hương. Ai cũng gọi đồng chí bằng chị, chỉ có tôi và anh Hồ Bé, anh Tám Trung gọi bằng cô.

“Phải nói rằng dù đất nước còn rất nghèo nhưng ĐBQH được chăm sóc rất chu đáo từ miếng ăn, giấc ngủ. Riêng với đồng chí còn chăm lo cho Đoàn ĐBQH Tiền Giang: Đồng chí thường xuyên hỏi han có chịu được thời tiết khắc nghiệt không (mùa hè nóng như thiêu chỉ có quạt trần, mùa đông rét cắt da cắt thịt mà không có lò sưởi, chỉ có chăn bông mà thôi).

Đồng chí Nguyễn Thị Thập lục trong tủ lấy đưa cho tôi sổ mua hàng nhu yếu phẩm ở cửa hàng Tôn Đản - nơi cung cấp cho cán bộ cao cấp của Đảng, Nhà nước, để mua đồ gửi về cho các chú, các bác ở địa phương để gọi lại “quà của đoàn”.

Là người sống, chiến đấu ở đô thị miền Nam, tôi thấy cửa hàng Tôn Đản cũng đâu có gì phong phú. Tuy nhiên, cả nước đang khan hiếm hàng vì còn bị bao vây cấm vận, nên mọi người vẫn coi đây “là chốn vua quan” có nhiều hàng hóa hơn những cửa hàng khác. Tôi đến cửa hàng mua những mặc hàng mà đồng chí dặn. Phiếu của đồng chí Mười Thập là phiếu A nên tôi mua được rất nhiều hàng, đóng thùng đem về biếu các chú, các cô mỗi người một ít mà ai nấy cũng vui, cũng trân trọng. Ai cũng cười nói râm ran “được quà của Chị Mười. Còn tôi thì vui và hạnh phúc hơn hết vì tôi là người được phục vụ, được mang niềm vui từ Thủ đô Hà Nội về với các đồng chí ở quê nhà không được diễm phúc gặp đồng chí Mười Thập như tôi…” - đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu chia sẻ.

Quốc hội khóa I đã ban hành Luật Hôn nhân gia đình, nhiều người đã mô tả quá trình xây dựng Luật. Nhưng đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu nhấn mạnh: Công lao to lớn của đồng chí Nguyễn Thị Thập là xuất phát từ tư tưởng chủ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh thể hiện trong Hiến pháp 1946.

“Đàn bà ngang quyền với đàn ông; hôn nhân một vợ, một chồng”. Bây giờ chúng ta nghe bình thường nhưng ở thời điểm đó, đây là “quả bom lớn” nổ vào thành trì của chế độ phong kiến: “Nhất nam viết hữu thập nữ viết vô”, “Trai năm thê bảy thiếp, gái chính chuyên một chồng”... và vô số hành vi chà đạp, rẻ khinh người phụ nữ. Tư tưởng “bình đẳng” là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho Luật Bình đẳng giới và Luật Phòng chống bạo lực gia đình của Quốc hội khóa XI, XII.

Kỷ niệm cuối cùng của đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu với đồng chí Nguyễn Thị Thập là lúc đồng chí Nguyễn Thị Thập lâm bệnh. Đồng chí Hoài Thu xúc động: Những ngày cuối đời, cơn đau thể xác đã hành hạ cơ thể đồng chí, dù rất yếu nhưng khi tôi thay mặt Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh Tiền Giang lên thăm đồng chí ở quận 3, TP. Hồ Chí Minh, nhân dịp kỷ niệm thành lập Mặt trận Dân tộc thống nhất, đồng chí rất vui. Tôi cầm tay đồng chí, cuối sát xuống gần đồng chí, đồng chí run run đưa tay vuốt má tôi, nước mắt tôi rơi mà không nói được lời nào. Đồng chí Mười Thập ra đi ngày mồng 1-2 âm lịch năm 1996, thọ 88 tuổi. Mấy năm gần đây, khi đã nghỉ hưu tôi thường sang nhà chị Ba Thu - con gái đồng chí để thắp nén nhang trước di ảnh của đồng chí”.

Kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của đồng chí Nguyễn Thị Thập, đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu nhắc lại vài kỷ niệm nhỏ trong những năm tháp tùng Đoàn ĐBQH khóa VI với đồng chí Mười Thập. Nhớ ơn nối tiếp sự nghiệp của đồng chí Mười Thập, đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu được nhân dân Tiền Giang, phụ nữ Tiền Giang yêu thương bầu vào Quốc hội từ khóa VI tới khóa XI.

Đồng chí Nguyễn Thị Hoài Thu thành kính: “Đồng chí Mười Thập sinh ra vào tháng 10, về với tổ tiên vào tháng 2 âm lịch cũng thuộc tháng 3 dương lịch. Phải chăng, tháng 3, tháng 10 là 2 tháng kỷ niệm trong lịch sử hằng năm của phụ nữ chúng ta, để chúng ta mãi mãi nhớ đến đồng chí Mười Thập. Con xin cảm ơn đồng chí, cảm ơn Má 10 - Mẹ Việt Nam Anh hùng đã cho phụ nữ chúng con một cuộc đời đáng sống, xứng đáng với lời khen tặng của Bác Hồ với phụ nữ Việt Nam: Anh hùng - Bất khuất - Trung hậu - Đảm đang”.

LÊ PHƯƠNG - HÀ NAM

(Lược ghi)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/chinh-tri/202310/dong-chi-nguyen-thi-thap-uy-nghi-nhu-mot-vi-tuong-ma-lai-hien-nhu-mot-ba-tien-993021/