Đồng Euro chao đảo, báo hiệu bất ổn thị trường toàn cầu

Đồng Euro đang hướng đến tháng mất giá mạnh nhất kể từ đầu năm 2022, khiến các nhà phân tích lo ngại rằng sự biến động tiền tệ có thể gây ra bất ổn thị trường toàn cầu tiếp theo, sau khi sự biến động của đồng yen Nhật Bản đã gây ra xáo trộn trên nhiều loại tài sản hồi tháng 8/2024.

Tiền giấy mệnh giá 100 Euro (trái) và 100 USD (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Tiền giấy mệnh giá 100 Euro (trái) và 100 USD (phải). Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền chung châu Âu đã giảm khoảng 3,8% so với đồng USD trong tháng 11/2024 và đang tiến gần mốc 1 USD đổi 1 Euro, do sức ép từ đề xuất áp thuế thương mại của Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump, sự yếu kém của kinh tế khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) và leo thang xung đột tại Ukraine, trong khi đó, kỳ vọng vào tăng trưởng của Mỹ lại thúc đẩy chứng khoán và đồng USD lên cao.

Tuy nhiên, các nhà đầu tư và nhà giao dịch tiền tệ đang chia rẽ về diễn biến tiếp theo, vì đồng USD cũng dễ bị tổn thương bởi lạm phát do thuế quan và việc tăng nợ chính phủ làm lung lay niềm tin vào thị trường và nền kinh tế Mỹ.

Theo các nhà phân tích, tình hình không chắc chắn này có thể gia tăng nếu đồng euro tiếp tục giảm, làm tăng nguy cơ biến động tiền tệ bất ngờ, từ đó có thể đảo ngược các giao dịch “đặt cược vào Trump” đang rất phổ biến, vốn dựa trên việc đồng euro giảm khi chứng khoán Mỹ tăng.

Tháng 8/2024, thị trường đã chứng kiến sự biến động bắt đầu từ biến động của tỷ giá đồng yen/USD, khiến các quỹ đầu cơ đặt cược vào việc đồng yen suy yếu bất ngờ và lan sang thị trường chứng khoán.

Tác động lan tỏa

Euro/USD là cặp tiền tệ được giao dịch sôi động nhất thế giới và sự biến động tỷ giá hối đoái nhanh chóng có thể ảnh hưởng đến lợi nhuận của các công ty đa quốc gia, cũng như triển vọng tăng trưởng và lạm phát của những quốc gia nhập khẩu hàng hóa và xuất khẩu hàng hóa được giao dịch bằng đồng USD.

Ông Themos Fiotakis, trưởng bộ phận chiến lược tiền tệ toàn cầu của ngân hàng Barclays cho biết đồng euro được lấy làm thước đo, nghĩa với việc các quốc gia phụ thuộc nhiều vào thương mại như Trung Quốc, Hàn Quốc và Thụy Sỹ có thể để đồng tiền của họ sụt giảm so với đồng USD nếu đồng euro giảm sâu hơn. Họ làm vậy để có thể cạnh tranh với hàng xuất khẩu của khu vực Eurozone.

Các nhà giao dịch đã sử dụng những hợp đồng quyền chọn để đặt cược vào một kịch bản phức tạp: đồng euro suy yếu và chỉ số S&P 500 tăng lên, dựa trên dự đoán về ảnh hưởng của chính sách của ông Trump. Điều này đã làm tăng độ nhạy cảm của thị trường với tỷ giá euro/USD, nghĩa là bất kỳ biến động nào của tỷ giá của hai đồng tiền này cũng có thể gây ra những phản ứng mạnh mẽ trên thị trường.

Quan điểm trái chiều

Trong khi đó, các nhà quản lý tài sản dài hạn đang chia rẽ sâu sắc về hướng đi của đồng euro và đồng USD, nhấn mạnh tỷ giá hối đoái của hai đồng tiền quan trọng này có thể biến động mạnh trong những tháng tới.

Ông Willem Sels, Giám đốc đầu tư toàn cầu tại HSBC dự đoán đồng euro sẽ giảm xuống 99 cent/USD vào giữa năm 2025.

Tuy nhiên, ông Vincent Mortier, Giám đốc đầu tư của Amundi, công ty quản lý tài sản lớn nhất châu Âu, cho biết việc cắt giảm lãi suất của khu vực Eurozone có thể thúc đẩy chi tiêu của doanh nghiệp và người tiêu dùng, đồng thời nâng giá đồng euro lên 1,16 USD đổi 1 euro vào cuối năm 2025.

Ngày càng nhiều dự đoán cho rằng Ngân hàng trung ương châu Âu (ECB) sẽ hạ lãi suất 0,5 điểm phần trăm xuống 2,75% trong tháng tới đã khiến đồng euro sụt giảm. Tuy nhiên, quan điểm thị trường chung cho thấy các chính sách tăng trưởng mạnh mẽ và thuế nhập khẩu của ông Trump sẽ thúc đẩy lạm phát của Mỹ, giữ lãi suất ở mức cao và sức mạnh của đồng USD cũng đang bắt đầu lung lay.

Minh Hằng (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/dong-euro-chao-dao-bao-hieu-bat-on-thi-truong-toan-cau-20241128154026150.htm