Đóng góp dự án Luật Đất đai (sửa đổi)

Sáng 20-10, Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang tổ chức cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Đất đai (sửa đổi), làm cơ sở để đoàn tham gia đóng góp tại Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XV. Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội đơn vị tỉnh Kiên Giang Nguyễn Thị Kim Bé chủ trì cuộc họp.

Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Quang cảnh cuộc họp lấy ý kiến đóng góp dự án Luật Đất đai (sửa đổi).

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gồm 16 chương và 265 điều; quy định về chế độ sở hữu đất đai, quyền hạn và trách nhiệm của Nhà nước đại diện chủ sở hữu toàn dân về đất đai và thống nhất quản lý về đất đai, chế độ quản lý và sử dụng đất đai, quyền và nghĩa vụ của công dân, người sử dụng đất đối với đất đai thuộc lãnh thổ của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Có ý kiến góp ý về quyền và nghĩa vụ của tổ chức kinh tế, đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm tại Điều 34 của dự thảo luật. Theo đó, đại biểu lựa chọn phương án 1: Đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng đất thuê trả tiền hằng năm không có quyền bán, quyền thế chấp và quyền góp vốn bằng tài sản gắn liền với đất thuê.

Quan điểm chọn phương án 1 với lý do giúp bảo toàn đất do Nhà nước giao cho đơn vị sự nghiệp công lập sử dụng, phù hợp với pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công về đơn vị sự nghiệp công lập không được sử dụng tài sản công do Nhà nước giao hoặc được đầu tư xây dựng, mua sắm từ ngân sách Nhà nước để thế chấp hoặc thực hiện biện pháp bảo đảm thực hiện nghĩa vụ dân sự khác.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Kiên Giang Trần Thị Thùy Trang đóng góp ý kiến tại cuộc họp.

Về cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa tại khoản 7, Điều 45, có đại biểu chọn phương án 2. Theo đó, khi cá nhân không trực tiếp sản xuất nông nghiệp nhận chuyển nhượng đất trồng lúa quá hạn mức theo quy định tại khoản 1 Điều 177 (không quá 3ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thuộc khu vực Đông Nam Bộ và khu vực đồng bằng sông Cửu Long; không quá 2ha đối với tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác) thì phải thành lập tổ chức kinh tế và có phương án sử dụng đất trồng lúa theo quy định.

Đại biểu cho biết thống nhất chọn phương án 2 với lý do phương án này đảm bảo tính khả thi trong thực tiễn, đưa ra nhiều lựa chọn cho người có nhu cầu chuyển nhượng đất trồng lúa mà không trực tiếp sản xuất nông nghiệp. Điều này sẽ tạo điều kiện cho những doanh nghiệp và những cá nhân có đủ khả năng về kinh tế nhưng không trực tiếp canh tác có thể mua được đất nông nghiệp để có thể thành lập công ty hoặc làm nông nghiệp công nghệ cao, phát triển diện tích nông nghiệp rộng lớn, cánh đồng mẫu lớn để phát triển kinh tế nông nghiệp, qua đó phát huy tối đa được hiệu quả sử dụng đất trồng lúa.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Lê Đình Khanh phát biểu ý kiến.

Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Kiên Giang Lê Đình Khanh phát biểu ý kiến.

Đối với vấn đề lấn biển, đại biểu dẫn giải tại khoản 33 Điều 3 dự thảo quy định “Lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ đường mép nước biển thấp nhất trung bình nhiều năm về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam”.

Tuy nhiên, trong thực tế, nhất là ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long, việc lấn biển có ảnh hưởng đến phạm vi của 3 khu vực: đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển, khu vực biển. Do đó, đề nghị nghiên cứu giải thích từ ngữ “lấn biển” đảm bảo bao hàm phạm vi lấn biển của cả 3 khu vực nêu trên, cụ thể: “Lấn biển là việc sử dụng các giải pháp để mở rộng diện tích đất trong phạm vi từ hết ranh giới phần đất liền về phía biển thuộc vùng biển Việt Nam”.

Đồng thời, đề nghị xem xét bổ sung nội dung việc thực hiện dự án lấn biển đối với đất bãi bồi ven biển, đất có mặt nước ven biển và khu vực biển.

Tin và ảnh: THU OANH

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/dong-gop-du-an-luat-dat-dai-sua-doi-17237.html