Đóng góp dự thảo Thông tư khen thưởng và kỷ luật học sinh có gì đáng chú ý?
Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố tổng hợp ý kiến về dự thảo Thông tư khen thưởng và kỉ luật học sinh.
Thực hiện khoản 5 Điều 2 Nghị định số 78/2025/NĐ-CP ngày 01/4/2025 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp để tổ chức, hướng dẫn thi hành Luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Giáo dục và Đào tạo đăng tải bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý dự thảo Thông tư khen thưởng, kỷ luật học sinh.
Tiếp thu ý kiến đa chiều
Bản tổng hợp ý kiến, tiếp thu, giải trình ý kiến góp ý cho thấy một quá trình xây dựng dự thảo công phu, lắng nghe nhiều chiều từ các Bộ, ngành, Sở Giáo dục và Đào tạo và Ủy ban nhân dân các tỉnh. Đa số các ý kiến đều bày tỏ sự đồng thuận với chủ trương trong việc thay thế những quy định cũ, đôi khi còn mang tính hình thức, bằng một khung pháp lý mới mẻ, phù hợp với xu thế giáo dục hiện đại.
Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cùng nhiều Sở Giáo dục và Đào tạo như An Giang, Bắc Kạn, Cần Thơ, Đắk Lắk, Đắk Nông, Đồng Nai, Đồng Tháp đã ghi nhận những nỗ lực của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng dự thảo mang tính nhân văn, tăng cường vai trò của nhà trường và gia đình trong việc giáo dục học sinh.
Đặc biệt, các đề xuất bổ sung hoạt động hỗ trợ như trò chuyện với chuyên gia tâm lý, kết hợp Đoàn/Đội hay tư vấn tâm lý đã được tiếp thu, làm rõ tại Điều 14 dự thảo, thể hiện sự quan tâm sâu sắc đến việc hỗ trợ học sinh khắc phục lỗi lầm thay vì chỉ đơn thuần là xử phạt.
Những tranh luận đáng chú ý
Mặc dù nhận được sự đồng thuận lớn, dự thảo Thông tư cũng vấp phải một số ý kiến trái chiều, tập trung vào các biện pháp kỷ luật đối với học sinh vi phạm nghiêm trọng.
Cục An ninh chính trị nội bộ (Bộ Công an), Sở Giáo dục và Đào tạo Bạc Liêu, Bình Phước, Bình Thuận, Cà Mau, Điện Biên và Hà Nội đều đề xuất bổ sung các hình thức kỷ luật mạnh hơn như "Đình chỉ học có thời hạn trên lớp", "Tạm dừng học ở trường có thời hạn", "Cảnh cáo trước toàn trường", hoặc "Tham gia lao động công ích trong nhà trường".
Lý do được đưa ra là để tăng tính răn đe, đặc biệt trong bối cảnh tình hình vi phạm của học sinh ngày càng phức tạp, bao gồm cả bạo lực học đường hay các hành vi tiêu cực khác.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã kiên định bảo lưu quan điểm không áp dụng các hình thức này. Giải trình của Bộ này nhấn mạnh rằng "đình chỉ học trên lớp" hay "tạm dừng học tập" không phù hợp với quyền được học tập của trẻ em, một quyền được quy định rõ tại Điều 16 Luật Trẻ em.
Bộ này cũng khẳng định nguyên tắc kỷ luật trong dự thảo là nhằm giáo dục nhân văn, kỷ luật tích cực, không sử dụng các biện pháp kỷ luật mang tính bạo lực, xúc phạm nhân phẩm, hay ảnh hưởng đến thể chất và tinh thần của học sinh. Thay vào đó, dự thảo tập trung vào các biện pháp giáo dục, tư vấn, và sự phối hợp chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình để giúp học sinh nhận ra lỗi và sửa chữa.
Cụ thể hóa trách nhiệm và hoạt động hỗ trợ
Dự thảo Thông tư đã nỗ lực cụ thể hóa trách nhiệm của các bên liên quan trong quá trình khen thưởng và kỷ luật. Chẳng hạn, trách nhiệm của giáo viên chủ nhiệm trong việc phân công, phối hợp với các lực lượng trong nhà trường và gia đình để giáo dục học sinh vi phạm được đề cập rõ ràng.
Việc bổ sung quy định về việc bản tự kiểm điểm của học sinh có xác nhận và cam kết của gia đình, và được lưu vào hồ sơ trường, cũng là một điểm được nhiều địa phương tiếp thu, nhằm tăng cường sự phối hợp và trách nhiệm của phụ huynh.
Bên cạnh đó, việc sửa đổi tên Điều 14 thành "Hoạt động hỗ trợ để khắc phục hành vi vi phạm" và liệt kê các hoạt động cụ thể như khuyên bảo, theo dõi, tư vấn tâm lý, phối hợp gia đình,... cho thấy sự chuyển hướng mạnh mẽ sang các giải pháp mang tính xây dựng, định hướng thay vì chỉ trừng phạt.
Điều này đặc biệt quan trọng trong việc xây dựng một môi trường học đường an toàn, lành mạnh, thân thiện, và tích cực, góp phần phòng chống bạo lực học đường.
Những vấn đề còn bỏ ngỏ và định hướng trong tương lai
Mặc dù đã có những bước tiến đáng kể, dự thảo vẫn còn một số vấn đề được góp ý nhưng chưa được tiếp thu, hoặc cần làm rõ thêm trong quá trình triển khai. Một số Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị ban hành phụ lục mẫu biểu và tài liệu tập huấn chi tiết về quy trình khen thưởng, kỷ luật.
Tuy nhiên, Bộ Giáo dục và Đào tạo bảo lưu quan điểm không ban hành mẫu văn bản để tránh gây áp lực về hồ sơ, sổ sách cho các nhà trường, nhưng khẳng định sẽ có hướng dẫn và tập huấn.
Việc quy định rõ hơn về đối tượng áp dụng đối với học sinh có nhu cầu đặc biệt hoặc học sinh khuyết tật cũng là một điểm cần được quan tâm để đảm bảo tính công bằng, nhân văn và hòa nhập. Dù Bộ Giáo dục và Đào tạo cho rằng đã có Thông tư riêng về giáo dục hòa nhập, nhưng việc tích hợp các nguyên tắc chung trong Thông tư này vẫn có thể được xem xét để tăng cường tính bao quát.