Động lực mới tăng trưởng kinh tế An Giang
An Giang có thế mạnh về nông nghiệp, du lịch (DL); là cửa ngõ quan trọng kết nối vùng ĐBSCL với Vương quốc Campuchia. Mục tiêu phát triển đến năm 2030, tỉnh xác định, 3 lĩnh vực trọng tâm (kinh tế nông nghiệp, phát triển DL và kinh tế biên mậu); quyết tâm biến các tiềm năng, thế mạnh này thành động lực tăng trưởng mới cho kinh tế An Giang thời gian tới.
Biến tiềm năng thành lợi thế
Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng chia sẻ: “Với nhiều lợi thế tự nhiên, tiềm năng sẵn có, giá trị văn hóa, lịch sử được bồi đắp qua nhiều thế hệ, An Giang định hướng phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, giảm phát thải, ứng dụng công nghệ cao, giảm giá thành, nâng cao giá trị, định hướng trở thành trung tâm lúa gạo và thủy sản nước ngọt của vùng ĐBSCL. Tỉnh tập trung phát triển nông nghiệp trở thành ngành kinh tế quan trọng, có tính đến yếu tố liên kết vùng, hợp tác sản xuất, giảm thiểu tính cạnh tranh, khai thác hiệu quả tiềm năng và lợi thế nổi trội”.
Ngoài lúa gạo, tỉnh sẽ khai thác hiệu quả hơn lợi thế nguồn nước ngọt và thổ nhưỡng, phát triển thêm sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh, như: Cá tra, rau màu, cây ăn trái; nhóm ngành hàng tiềm năng chăn nuôi, nấm ăn, dược liệu. Đối với ngành công nghiệp chế biến lương thực - thực phẩm, định hướng chủ đạo là tăng cường chế biến tinh, đa dạng hóa sản phẩm, tăng tỷ trọng sản phẩm có giá trị gia tăng cao theo chuỗi cung ứng khép kín, đồng bộ từ nguyên liệu đến thành phẩm.
“Nhờ sự hỗ trợ của tỉnh, Công ty Cổ phần Rau quả thực phẩm An Giang (Antesco) xây dựng được vùng nguyên liệu hơn 10.000ha trồng bắp non, đậu nành Nhật, xoài, bắp ngọt tại An Giang. Có vùng trồng ổn định, chúng tôi tự tin đảm bảo sản lượng ổn định, kiểm soát chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu sang thị trường khó tính và nghiêm ngặt nhất thế giới; ổn định giá thành trong chuỗi cung ứng cho khách hàng. Antesco đang mở rộng quy mô, góp phần xây dựng nền nông nghiệp bền vững và phát triển tại An Giang”- Tổng Giám đốc Công ty Antesco Nguyễn Hoàng Minh chia sẻ.
Tiềm năng phát triển du lịch
An Giang còn rất nhiều tiềm năng để phát triển DL trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh, làm cho ngành DL có đóng góp lớn hơn cho ngân sách và phát triển kinh tế. Đặc biệt, DL tâm linh, DL lịch sử, DL sinh thái, DL sông nước, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí, DL cộng đồng, khám phá và trải nghiệm... còn rất nhiều dư địa phát triển.
Tuy lượng du khách đến với tỉnh rất lớn (năm 2024 hơn 9 triệu lượt), nhưng doanh thu còn khiêm tốn. Muốn phát huy tốt nhất tiềm năng phát triển khu DL trọng điểm (núi Sam, núi Cấm, rừng tràm Trà Sư, Búng Bình Thiên, Cù lao Giêng; Mỹ Hòa Hưng - cồn Phó Ba; Óc Eo - Ba Thê…), tỉnh rất cần nhà đầu tư lớn, có kinh nghiệm và năng lực; nhà đầu tư có chiến lược đầu tư bài bản, hiệu quả, đột phá, đa dạng hình thức và làm phong phú hơn nữa loại hình, tour tuyến DL để thu hút, giữ chân và khuyến khích du khách chi tiêu.
Biên mậu - lợi thế vùng biên
Với tuyến biên giới giáp Campuchia gần 100km, An Giang được quy hoạch thành 3 khu vực kinh tế cửa khẩu, tổng diện tích hơn 30.000ha, có tính chất là khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Hiện, tỉnh quy hoạch một số phân khu chức năng phát triển thương mại - dịch vụ - logistics và sản xuất công nghiệp, chào đón nhà đầu tư đến tìm hiểu, khai thác.
Theo lãnh đạo UBND tỉnh, An Giang đã được Chính phủ quan tâm đầu tư dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng kết nối với Cảng biển quốc tế Trần Đề (tỉnh Sóc Trăng); Quốc lộ N1 và cầu Châu Đốc kết nối với hai tỉnh Đồng Tháp và Kiên Giang. Các tuyến kết nối với Cửa khẩu quốc tế Tịnh Biên và Khánh Bình, liên thông với Cửa khẩu quốc tế Vĩnh Xương đến khu, cụm công nghiệp, khu điểm DL, khu đô thị, thương mại, dịch vụ, cảng sông và các vùng nguyên liệu. Từ đó, giúp tỉnh mở rộng không gian, tạo động lực phát triển kinh tế - xã hội, lợi thế trong thu hút đầu tư.
Năm 2025 có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, khi cả hệ thống chính trị quyết tâm thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn bộ máy; tăng tốc, bứt phá hoàn thành mục tiêu, nhiệm vụ nhiệm kỳ 2020 - 2025, tạo động lực để An Giang cùng cả nước vững tin bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Tỉnh truyền tải rộng rãi thông điệp “An Giang: Không gian mới - Giá trị mới” đến tất cả nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN) trong và ngoài nước; mong muốn nhà quản lý, chuyên gia, nhà đầu tư, DN góp ý, hiến kế, giúp tỉnh nhận diện rõ hơn tiềm năng, lợi thế, cơ hội, môi trường và sự khác biệt khi đầu tư.
Chủ tịch UBND tỉnh An Giang Hồ Văn Mừng nhấn mạnh, sự thành công, phát triển của DN cũng là sự thành công và phát triển của tỉnh. An Giang luôn mở rộng cửa chào đón nhà đầu tư; cam kết đồng hành, tạo điều kiện thuận lợi nhất để biến ý tưởng của nhà đầu tư và các mục tiêu trong quy hoạch tỉnh thành hiện thực.
An Giang là vùng đất đặc biệt, vừa có đồng bằng trù phú, đất đai màu mỡ được bồi đắp bởi sông Tiền và sông Hậu, rất thích hợp để phát triển kinh tế nông nghiệp quy mô lớn, đặc biệt là lúa gạo, thủy sản và trái cây. Tỉnh cũng có đồi núi, với nhiều cảnh quan tươi đẹp, hữu tình, kết hợp nét văn hóa độc đáo của 4 dân tộc Kinh, Hoa, Chăm, Khmer, tạo tiềm năng phát triển DL văn hóa, tâm linh, nghỉ dưỡng, sinh thái, vui chơi giải trí đặc sắc nhất vùng.
Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/dong-luc-moi-tang-truong-kinh-te-an-giang-a414686.html