Động lực phát triển công nghiệp nông thôn

Đức Hiến

BPO - 2023 là năm thứ 3 thực hiện Chương trình khuyến công quốc gia theo Quyết định số 1881 của Thủ tướng Chính phủ và Chương trình khuyến công địa phương theo Quyết định số 775 của Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước, kế hoạch phát triển ngành công thương giai đoạn 2021-2025. Ngay từ những tháng đầu năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh đã chủ động phối hợp khảo sát nhu cầu của doanh nghiệp để xây dựng đề án hỗ trợ, tạo cơ hội cho các thành phần kinh tế đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất mang tính bền vững.

Hỗ trợ đổi mới công nghệ

Hợp tác xã (HTX) gạo Sóc Nê - Bù Đốp thành lập và chính thức hoạt động vào năm 2021 với 9 thành viên, là những nông dân trồng lúa trên địa bàn huyện Bù Đốp. Ngay sau khi thành lập, HTX đã mạnh dạn đầu tư 380 triệu đồng mua máy xay xát gạo công nghệ mới, công suất thiết kế 1 tấn lúa/giờ, nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng sản phẩm gạo cho nông dân. Ông Lê Hoàng Anh, Chủ tịch Hội đồng quản trị HTX gạo Sóc Nê - Bù Đốp cho biết: Việc bỏ ra số tiền lớn để mua sắm máy móc khiến HTX gặp không ít khó khăn trong khâu thu mua nguyên liệu dự trữ phục vụ sản xuất. Chúng tôi hết sức vui mừng vì mới đây HTX được hỗ trợ 125 triệu đồng từ nguồn kinh phí khuyến công địa phương năm 2023. Nguồn vốn này đã tiếp thêm động lực cho HTX trong việc bổ sung kinh phí để thu mua nguyên liệu cho mùa vụ sắp tới.

Máy xay xát lúa thế hệ mới của Hợp tác xã gạo Sóc Nê - Bù Đốp, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp được đầu tư từ đề án khuyến công địa phương năm 2023

Máy xay xát lúa thế hệ mới của Hợp tác xã gạo Sóc Nê - Bù Đốp, xã Tân Tiến, huyện Bù Đốp được đầu tư từ đề án khuyến công địa phương năm 2023

“Hiện HTX gạo Sóc Nê - Bù Đốp sản xuất một số thương hiệu gạo ngon, chất lượng như: ST24, OM4900, OM5451, Lộc Trời 28 và Đài Thơm 8. Do diện tích trồng lúa của người dân mở rộng, để đảm bảo việc thu mua lúa sạch phục vụ sản xuất gạo, ngoài nâng cấp công suất máy xay xát hiện tại, HTX còn tính đến việc đầu tư máy sấy lúa công suất lớn để bảo quản lúa sau thu hoạch cho người dân nên rất cần sự hỗ trợ kinh phí từ đề án khuyến công” - ông Hoàng Anh cho biết thêm.

Nghiệm thu máy dò tạp chất X-Ray được đầu tư từ nguồn kinh phí khuyến công quốc gia năm 2023 tại Công ty xuất nhập khẩu Thiên Kỳ, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp

Nhờ sự hỗ trợ kịp thời từ nguồn kinh phí đề án khuyến công quốc gia điểm, năm 2023, Công ty TNHH MTV sản xuất thương mại Tứ Linh, xã Minh Hưng, huyện Bù Đăng đã đầu tư máy bóc vỏ lụa hạt điều model 2023, công suất 400-500kg/giờ, với tổng kinh phí hơn 1,5 tỷ đồng, trong đó kinh phí khuyến công hỗ trợ 300 triệu đồng. Ông Võ Minh Tứ, Giám đốc công ty cho biết, 2 năm trở lại đây, hoạt động sản xuất của các doanh nghiệp chế biến hạt điều gặp khó khăn, do tình hình thế giới nhiều bất ổn nên doanh nghiệp không dám đầu tư, mở rộng sản xuất. Sự hỗ trợ từ đề án khuyến công giúp doanh nghiệp mạnh dạn hơn trong việc đổi mới công nghệ, từ đó nâng cao chất lượng sản phẩm, hạ giá thành sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài nước.

Nhờ đầu tư máy móc hiện đại giúp Công ty xuất nhập khẩu Thiên Kỳ, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

Nhờ đầu tư máy móc hiện đại giúp Công ty xuất nhập khẩu Thiên Kỳ, thị trấn Thanh Bình, huyện Bù Đốp ổn định sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu

“Với việc áp dụng công nghệ tự động trong chế biến hạt điều, đặc biệt là khâu bóc vỏ lụa đã giúp công ty khắc phục được tình trạng thiếu nhân công lao động (giảm được 40% số lượng công nhân so với trước), mở rộng đầu tư phát triển, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tiết kiệm thời gian và chi phí nhân công, tăng doanh thu” - ông Tứ cho hay.

Các hoạt động chuyển giao công nghệ, thiết bị máy móc từ đề án khuyến công thời gian qua đã góp phần nhân rộng mô hình, tuyên truyền chính sách khuyến công rộng rãi đến các tầng lớp nhân dân; khuyến khích các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn tỉnh đầu tư đổi mới công nghệ, phát triển sản xuất, xây dựng thương hiệu, nâng cao năng lực cạnh tranh trên thị trường.

Phó Giám đốc Sở Công Thương
TRƯƠNG TẤN NHẤT LINH

Ưu tiên lĩnh vực thế mạnh

Năm 2023, Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh được giao triển khai thực hiện 12 đề án khuyến công quốc gia điểm và 14 đề án khuyến công địa phương, với kinh phí hỗ trợ hơn 5 tỷ đồng. Với sự hỗ trợ tích cực của các đơn vị liên quan, nhất là phòng kinh tế - hạ tầng các địa phương, đến nay đề án khuyến công quốc gia triển khai đạt 100% và đề án khuyến công địa phương đạt 90%. Kết quả nghiệm thu, thiết bị máy mới được đầu tư đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong vận hành sản xuất; giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.

Các thiết bị máy móc mới được đầu tư từ đề án khuyến công đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong quá trình vận hành sản xuất, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường

Các thiết bị máy móc mới được đầu tư từ đề án khuyến công đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn về kỹ thuật trong chế tạo máy cũng như an toàn trong quá trình vận hành sản xuất, giúp doanh nghiệp nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu của thị trường

Bà Nguyễn Thị Sáu, Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh cho biết: Công tác khuyến công những năm gần đây tăng về quy mô, kinh phí và thực hiện đều khắp địa bàn các huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh. Hằng năm, trong quá trình khảo sát, xây dựng kế hoạch, trung tâm luôn phối hợp chặt chẽ với phòng kinh tế - hạ tầng các huyện, thị xã, thành phố, bám sát những định hướng hỗ trợ trọng tâm, rà soát đúng đối tượng để tránh lãng phí nguồn lực, ưu tiên lựa chọn các đề án có sức lan tỏa, khai thác được lợi thế của địa phương để mang lại hiệu quả thiết thực.

Đề án khuyến công năm 2023 chủ yếu tập trung hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn, sản xuất sản phẩm có lợi thế, sản phẩm chủ lực của tỉnh phục vụ xuất khẩu, sản phẩm thay thế hàng nhập khẩu; ưu tiên hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn trên địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, các cơ sở công nghiệp nông thôn bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 và các xã trong chương trình xây dựng nông thôn mới.

Giám đốc Trung tâm Khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp tỉnh
NGUYỄN THỊ SÁU

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/4/147526/dong-luc-phat-trien-cong-nghiep-nong-thon