Động lực tăng trưởng xuất nhập khẩu năm 2025

Xuất nhập khẩu năm 2025 sẽ tăng trưởng mạnh khi nhu cầu thị trường tiếp tục gia tăng, lạm phát ở nhiều thị trường giảm, các hiệp định thương mại tự do (FTA) phát huy tác dụng... giúp gia tăng kim ngạch và duy trì xuất siêu.

Xuất nhập khẩu đạt kỷ lục

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, từ đầu năm đến ngày 14/12/2024, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu ước đạt 745,38 tỷ USD, tăng 15,35% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, xuất khẩu đạt 384,4 tỷ USD, tăng 14,46%, nhập khẩu đạt 360,98 tỷ USD, tăng 16,32%. Cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam tính đến hết 14/12/2024 xuất siêu 23,42 tỷ USD.

Sản xuất nhôm xuất khẩu. Ảnh minh họa

Sản xuất nhôm xuất khẩu. Ảnh minh họa

Như vậy, dù chưa kết thúc năm 2024 nhưng hoạt động xuất nhập khẩu đã chính thức xác lập kỷ lục mới (kỷ lục trước đây đạt hơn 730 tỷ USD vào năm 2022). Với kết quả trên và tốc độ tăng trưởng gần đây, Tổng cục Hải quan ước tính quy mô kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 đạt khoảng 782 tỷ USD.

Trước đó, Bộ Công Thương cũng dự tính, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu cả năm 2024 ước tăng trên 15%, vượt xa so với mục tiêu kế hoạch 6% mà Chính phủ giao, cán cân thương mại tiếp tục duy trì xuất siêu ở mức cao trên 20 tỷ USD.

Nhiều chuyên gia nhận định, kết quả này có được là do ngay từ những ngày đầu năm 2024, các doanh nghiệp đã chủ động tìm kiếm đơn hàng; đồng thời, đẩy mạnh đầu tư cải tiến công nghệ, đáp ứng nhu cầu của các thị trường, từ đó, đẩy mạnh hoạt động ký kết các đơn hàng, góp phần đẩy nhanh hoạt động xuất nhập khẩu.

TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, xuất nhập khẩu đã duy trì được con số kim ngạch tăng trưởng tương đối đều đặn từ đầu năm đến nay. Điều này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp trong nắm bắt thời cơ từ các FTA cũng như cơ hội phục hồi từ thị trường. Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng đầu tư rất tốt cho công nghệ sản xuất sản phẩm, hàng hóa. Nhờ đó, hàng hóa Việt Nam được nhiều thị trường ưa chuộng. Đến thời điểm này, nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến quý I/2025.

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD. Ảnh minh họa

Kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD. Ảnh minh họa

Đơn cử, xuất khẩu dệt may, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) Vũ Đức Giang cho biết, năm 2024, ngành dệt may Việt Nam có nhiều lợi thế, khi 17/19 Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới đã có hiệu lực. Trong khi đó, cộng đồng doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam đã tiếp thu rất nhanh chiến lược đa dạng hóa thị trường; đa dạng hóa đối tác khách hàng và sản phẩm có giá trị gia tăng cao. Nhờ đó, kim ngạch xuất khẩu dệt may năm 2024 ước đạt 44 tỷ USD, bằng mức dự kiến, tăng 11,26% so với năm 2023.

Hay như xuất khẩu nông lâm thủy sản, dự kiến sẽ cán mốc 62 tỷ USD trong năm 2024, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Con số này vượt mức mục tiêu mà Bộ NN&PTNT đã đặt ra (54 - 55 tỷ USD).

Những thuận lợi và thách thức

Bộ Công Thương nhận định, trong năm 2025, hoạt động xuất khẩu sẽ có nhiều thuận lợi và dư địa tăng trưởng do lạm phát toàn cầu đã hạ nhiệt, nhu cầu thị trường quốc tế đang trên đà hồi phục theo làn sóng hạ lãi suất của các ngân hàng trung ương. Bên cạnh đó, sự phục hồi của các thị trường lớn như Mỹ, EU sẽ là động lực quan trọng thúc đẩy xuất khẩu, đặc biệt trong lĩnh vực điện tử, hàng tiêu dùng và dệt may.

Bộ Công Thương đã nỗ lực mở cửa thị trường cho hàng hóa thông qua việc triển khai nhiều chương trình xúc tiến thương mại quan trọng sang các thị trường, tạo điều kiện cho hàng Việt Nam được thị trường thế giới biết đến. Vai trò của các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cũng được phát huy, là kho thông tin cập nhật về thị trường xuất khẩu rất lớn cho doanh nghiệp.

TS Lê Quốc Phương – Nguyên Phó Giám đốc Trung tâm thông tin Công nghiệp và Thương mại (Bộ Công Thương)

Theo Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải, thời gian qua, Bộ Công Thương đã hỗ trợ cho doanh nghiệp tận dụng rất hiệu quả các FTA bằng cách tận dụng tốt các quy tắc xuất xứ. Nhờ đó, tỷ lệ tận dụng các FTA ở mức rất cao, mang lại lợi thế cạnh tranh đáng kể cho doanh nghiệp.

Mặc dù vậy, hoạt động xuất khẩu vẫn phải đối mặt với thách thức từ diễn biến địa chính trị phức tạp, các tiêu chuẩn môi trường và lao động khắt khe hơn, cũng như khả năng Mỹ tăng rào cản thương mại dưới chính sách bảo hộ của Tổng thống đắc cử Donald Trump.

Bộ Công Thương đặt mục tiêu xuất khẩu năm 2025, tăng khoảng 6% so với năm 2024. Để đạt mục tiêu đề ra, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp cung cấp thông tin thị trường, định hướng sản xuất và tìm kiếm đơn hàng. Cùng với đó, tăng cường giới thiệu các lợi ích từ FTA qua hình thức trực tiếp và trực tuyến, cũng như phát triển dịch vụ logistics và thương mại biên giới bền vững, đặc biệt là xuất khẩu chính ngạch qua Trung Quốc.

Đề cập về những giải pháp thời gian tới, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ thực hiện đồng bộ giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, đẩy mạnh đa dạng hóa thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng Việt Nam có lợi thế và thế giới có nhu cầu.

Một mặt, Bộ duy trì phát triển các thị trường truyền thống, các mặt hàng truyền thống, tăng cường phát triển các thị trường gần, các mặt hàng tiềm năng mới. Mặt khác, Bộ tiếp tục hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi sang xuất khẩu chính ngạch gắn với xây dựng thương hiệu, phát triển bền vững.

“Bộ Công Thương sẽ tập trung nâng cao chất lượng, năng lực cạnh tranh của sản phẩm phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu thông qua tăng cường truyền thông; đào tạo nâng cao năng lực xúc tiến thương mại trên nền tảng số, thương mại điện tử, phát triển kinh tế số; đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu xanh, xuất khẩu bền vững” - Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh.

Ánh Ngọc

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/dong-luc-tang-truong-xuat-khau-nam-2025.html