Đồng Nai mở rộng tuyến đường chiến lược kết nối Bình Phước và Vành đai 4 TP.HCM
Tỉnh Đồng Nai đang mời gọi đầu tư cho dự án giao thông trọng điểm nối từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 TP.HCM, với quy mô giai đoạn 1 dài hơn 40km, tổng mức đầu tư 11.020 tỷ đồng, hình thức đối tác công tư (PPP).
Ngày 19/5, Sở Xây dựng tỉnh Đồng Nai thông tin về kế hoạch triển khai dự án đường kết nối từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 TP.HCM. Tuyến đường này có vai trò chiến lược trong việc tạo hành lang kết nối giữa hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước, thúc đẩy giao thương và phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Giai đoạn 1 của dự án được thiết kế với quy mô 4 làn xe, tổng mức đầu tư dự kiến 11.020 tỷ đồng. Trong đó, riêng phần xây dựng cầu Mã Đà chiếm khoảng 220 tỷ đồng; phần tuyến đường dài khoảng 44km với tổng vốn khoảng 10.800 tỷ đồng. Dự án sẽ được thực hiện theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Dự án đường từ cầu Mã Đà đến điểm giao với đường Vành đai 4 TPHCM đi qua huyện Vĩnh Cửu, Đồng Nai. Ảnh: HAC
Theo kế hoạch được Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Võ Tấn Đức ký ban hành vào tháng 4/2025, các thủ tục chuẩn bị đầu tư cho cầu Mã Đà sẽ hoàn tất trong tháng 6/2025 và công trình dự kiến được khánh thành vào tháng 12 cùng năm.
Tuyến đường nối từ cầu Mã Đà đến đường Vành đai 4 TP.HCM sẽ được khởi công vào tháng 6/2026 và đưa vào vận hành trong năm 2028. Đồng thời, tỉnh cũng sẽ tiếp tục nghiên cứu và bổ sung các tuyến kết nối giao thông khác giữa Đồng Nai và Bình Phước trong tương lai.
Tuyến giao thông bắt đầu từ TP. Đồng Xoài (tỉnh Bình Phước), đi theo tỉnh lộ ĐT.753, băng qua cầu Mã Đà, sau đó vào địa phận Đồng Nai theo các tuyến ĐT.761 và ĐT.767, kết nối trực tiếp với đường Vành đai 4 TP.HCM.
Theo quy hoạch, các tuyến đường ĐT.753, ĐT.761 và ĐT.767 sẽ được mở rộng lên 8 làn xe, với phương án giải phóng mặt bằng một lần để đảm bảo tính đồng bộ và dài hạn.
UBND tỉnh Bình Phước chịu trách nhiệm đầu tư tuyến ĐT.753 đến cầu Mã Đà. UBND tỉnh Đồng Nai phụ trách xây dựng cầu Mã Đà và các tuyến ĐT.761, ĐT.767 nối tiếp đến đường Vành đai 4. Nguồn vốn đầu tư cho các hạng mục chính đến từ ngân sách Trung ương.
Dự án không chỉ có ý nghĩa kết nối hạ tầng giao thông liên vùng, mà còn là bước chuẩn bị quan trọng trong bối cảnh đề xuất sáp nhập giữa hai tỉnh Bình Phước và Đồng Nai.
Khi hoàn tất, tỉnh mới sẽ có diện tích hơn 12.700 km², quy mô dân số trên 4,2 triệu người với 95 đơn vị hành chính cấp xã, tạo động lực mới cho phát triển kinh tế - xã hội toàn vùng.