Dòng vốn FDI đã vượt qua nhưng nghi ngại về thuế quan?

Trong nửa đầu 2025, dòng vốn ngoại vào Việt Nam đạt đỉnh cao chưa từng có kể từ 2009, vượt mọi lo ngại trước đó liên quan thuế đối ứng của Mỹ. Để duy trì đà tăng trưởng và hướng tới dòng vốn chất lượng cao, đặc biệt trong công nghệ cao và đổi mới sáng tạo, Việt Nam cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư, nâng cao chính sách và thúc đẩy các ngành chiến lược.

Sản xuất của một doanh nghiệp FDI. Ảnh: LH

Sản xuất của một doanh nghiệp FDI. Ảnh: LH

Định vị nguồn vốn tăng trưởng

Theo số liệu mới nhất từ Bộ Tài chính, trong 6 tháng đầu năm 2025, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt hơn 21,5 tỉ đô la Mỹ, tăng gần 33% so với cùng kỳ năm trước. Đây là con số cao nhất trong 15 năm qua, phản ánh rõ nét xu hướng tích cực của dòng vốn đầu tư quốc tế vào Việt Nam. Sự tăng trưởng này diễn ra bất chấp dự báo tiêu cực về chính sách thuế Mỹ và biến động kinh tế toàn cầu, cho thấy niềm tin ngày càng lớn của nhà đầu tư vào nền kinh tế hơn 100 triệu dân.

Tuy nhiên, cần nhìn nhận rõ rằng, tăng trưởng này không hoàn toàn phản ánh dòng vốn mới chảy vào, mà phần lớn đến từ các dự án đã hoạt động mở rộng quy mô. Số lượng dự án mới tăng gần 22%, đạt gần 2.000 dự án, nhưng dòng vốn đăng ký cho các dự án này giảm gần 10%.

Điều này phản ánh xu hướng thận trọng của nhà đầu tư, ngày càng ưu tiên dự án quy mô nhỏ hơn do lo ngại rủi ro quốc tế như chiến tranh thương mại, biến động thuế hoặc biến động kinh tế toàn cầu.

Điểm nhấn trong cơ cấu dòng vốn FDI nửa đầu năm 2025 là sự tin tưởng và cam kết mở rộng đầu tư của các doanh nghiệp đã hoạt động. Các dự án mở rộng quy mô, điều chỉnh tăng vốn của các tập đoàn lớn như Amkor, Nestlé, Coretronic, Broad-Ocean Motor… đều cho thấy niềm tin vào môi trường kinh doanh của Việt Nam. Có 826 dự án hoạt động đã điều chỉnh tăng vốn, tổng cộng gần 9 tỉ đô la, gấp 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước. Điều này cho thấy sự ổn định và tiềm năng phát triển lâu dài của nhà đầu tư bất chấp bất ổn toàn cầu.

Bên cạnh đó, các giao dịch góp vốn, mua cổ phần cũng đạt con số ấn tượng với hơn 3,28 tỉ đô la, tăng 73,6%. Thông qua các hình thức này, nhà đầu tư không chỉ mở rộng quy mô dự án mà còn tham gia tái cấu trúc doanh nghiệp nội địa, nâng cao năng lực cạnh tranh và tính chuyên nghiệp của doanh nghiệp trong nước.

Điều này cho thấy, môi trường đầu tư không chỉ thu hút vốn mới mà còn thúc đẩy quá trình chuyển đổi, nâng cao chất lượng doanh nghiệp nội địa, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Việc giải ngân dự án đầu tư phản ánh dòng vốn thực chất vào nền kinh tế. Bộ trưởng Tài chính Nguyễn Văn Thắng nhấn mạnh, vốn FDI thực hiện trong kỳ đạt trên 11,7 tỉ đô, tăng 8,1% so với cùng kỳ, cao nhất trong 6 tháng đầu năm giai đoạn 2021-2025.

Còn Chủ tịch EuroCham Bruno Jaspaert chia sẻ, khoảng 72% lãnh đạo doanh nghiệp khảo sát sẵn sàng giới thiệu Việt Nam là điểm đến đầu tư, thể hiện sự đồng thuận về triển vọng tích cực của môi trường đầu tư Việt Nam. Những thành tựu này phản ánh rõ nét sự tiến bộ của chính sách, cũng như sự cam kết của chính phủ trong việc tạo ra một môi trường đầu tư minh bạch, thuận lợi và bền vững.

Kỳ vọng dòng vốn chất lượng

Dựa trên kết quả 6 tháng đầu năm, các chuyên gia dự đoán dòng vốn FDI có thể duy trì đà tăng trưởng trong những tháng còn lại của năm, song sẽ có sự phân hóa rõ hơn về lĩnh vực và chất lượng đầu tư. Trong đó, các yếu tố như chính sách thuế quan của Mỹ, các diễn biến về thương mại và chuỗi cung ứng toàn cầu sẽ ảnh hưởng lớn đến dòng vốn này.

Xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu thúc đẩy dòng vốn FDI vào Việt Nam. Các tập đoàn đa quốc gia tái cấu trúc sản xuất để giảm rủi ro, tối ưu chi phí và nâng cao cạnh tranh, nổi bật là ngành chế biến, công nghệ cao và năng lượng tái tạo. Với vị trí chiến lược, chính sách mở cửa và môi trường đầu tư thuận lợi, Việt Nam ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn cho doanh nghiệp quốc tế mở rộng hoạt động.

Kỳ vọng vốn FDI sẽ tăng vào công nghệ cao. Ảnh: LH

Kỳ vọng vốn FDI sẽ tăng vào công nghệ cao. Ảnh: LH

Tuy nhiên, sự phân hóa dòng vốn còn thể hiện rõ qua ảnh hưởng của các yếu tố chính sách, đặc biệt là các chính sách thuế quan của Mỹ. Kết quả thuế suất Mỹ áp dụng đối với hàng hóa Việt Nam sẽ có tác động lớn đến dòng vốn FDI, đặc biệt trong lĩnh vực sản xuất hướng tới xuất khẩu.

Dù còn nhiều ẩn số chưa rõ ràng, các dự báo như TS TS Đặng Thảo Quyên thuộc đại học RMIT Việt Nam, cho rằng các ngành công nghệ cao như dược phẩm, điện tử và năng lượng sạch sẽ ít bị ảnh hưởng hơn nhờ các chính sách miễn trừ thuế, và sự quan tâm ngày càng tăng của giới đầu tư.

Ngành điện tử, đặc biệt các nhà máy linh kiện và lắp ráp của các tập đoàn như Samsung, Apple, LG, vẫn giữ vững sự ổn định trong hoạt động dù có thể chịu ảnh hưởng ngắn hạn từ các chính sách thuế mới. Theo TS. Chu Thanh Tuấn, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng khỏi Trung Quốc vẫn là yếu tố giúp Việt Nam duy trì vị thế hấp dẫn trong mắt các nhà đầu tư công nghệ cao.

"Nhiều doanh nghiệp đã thiết lập hệ sinh thái sản xuất ổn định, khó rút đi chỉ vì biến động thuế trong ngắn hạn", ông nói. Đây là một điểm tựa quan trọng giúp Việt Nam giữ vững dòng vốn FDI chất lượng cao trong bối cảnh cạnh tranh toàn cầu ngày càng khốc liệt.

Tuy nhiên, các chính sách thuế mới của Mỹ vẫn là yếu tố gây ra sự bất định trong dòng vốn. Các ngành như dệt may, giày dép, nội thất, thủy sản, nhựa gia dụng quen với mức thuế MFN 10-20%, nhưng khi tăng sẽ ảnh hưởng đến cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam. Đặc biệt, thuế cao đối với hàng trung chuyển nhằm ngăn chuyển hàng tránh thuế cũng đặt ra thách thức.

Tuy vậy, nhìn nhận tích cực hơn, PGS. TS Nguyễn Hữu Huân cho rằng, đây chính là cơ hội để Việt Nam tái cấu trúc nguồn nguyên liệu, nâng cao tỷ lệ nội địa hóa và giảm phụ thuộc vào Trung Quốc. Đầu tư FDI vào nguyên phụ liệu, thay vì gia công lắp ráp, sẽ giúp Việt Nam hướng tới chuỗi giá trị cao hơn, bền vững hơn. "Các cơ quan quản lý cần giám sát chặt chẽ các dự án, ưu tiên những dự án mang lại giá trị thực sự cho nền kinh tế", ông nói.

Trong dài hạn, Việt Nam cần chuyển từ chiến lược dựa trên ưu đãi thuế sang ưu đãi về thể chế và chất lượng. Cải cách hành chính, nâng cao năng lực địa phương, phát triển hạ tầng số, đào tạo nhân lực chất lượng cao sẽ là các chìa khóa để duy trì và nâng cao vị thế trong chuỗi cung ứng toàn cầu. Các tổ chức như EuroCham nhận định, Việt Nam vẫn là điểm đến hấp dẫn của doanh nghiệp châu Âu, nhưng để giữ vững vị thế này, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục, minh bạch pháp lý và số hóa quy trình.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Văn Thắng cũng khẳng định, việc theo dõi sát sao các yếu tố như xung đột thương mại, chính sách thuế của các đối tác là cần thiết để điều chỉnh chiến lược phù hợp, bảo đảm duy trì lợi thế cạnh tranh trong thu hút FDI chất lượng cao.

Lê Hoàng

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/dong-von-fdi-da-vuot-qua-nhung-nghi-ngai-ve-thue-quan/