Dòng vốn xanh thúc đẩy mảng xe điện
Tại các quốc gia như Indonesia, Thái Lan, Đài Loan và cả Việt Nam, nguồn vốn thúc đẩy nền kinh tế xanh đang được gia tăng từng ngày, đặc biệt là với mảng xe điện.
Tập đoàn GoTo - công ty mẹ của Gojek vừa qua đã thiết lập quan hệ đối tác với IFC - một thành viên của Ngân hàng Thế giới, để thúc đẩy tài chính toàn diện và bền vững, trong đó có giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu.
Theo đó, GoTo và các công ty con gồm: Gojek, Tokopedia và GoTo Financial sẽ nhận được khoản tài trợ lên tới 125 triệu USD từ IFC và 25 triệu USD từ công ty đầu tư tư nhân Franke & Company làm vốn lưu động.
Mục đích tài trợ của IFC nhằm giúp GoTo chuyển đổi sang xe điện cho các đối tác tài xế, nhằm cải thiện hiệu quả hoạt động, và hướng tới trạng thái trung hòa carbon theo cam kết "Ba không - Không xả khí thải gây ô nhiễm, Không rác thải và Không rào cản" mà tập đoàn này đặt mục tiêu vào năm 2030.
Trước đó, vào tháng 5/2021, Gojek đã công bố kế hoạch chuyển đổi toàn bộ xe máy và xe ô tô đang hoạt động trên nền tảng của Gojek tại Indonesia sang xe điện, thông qua hợp tác với các nhà sản xuất và hợp đồng cho thuê.
Hiện tại, Gojek vẫn đang tiếp tục triển khai thử nghiệm chương trình xe điện ở Indonesia thông qua nhiều hoạt động.
Đơn cử, cuối năm 2021, siêu ứng dụng này đã đầu tư 10 triệu USD vào liên doanh sản xuất xe điện có tên là Electrum, giữa Gojek và Tập đoàn năng lượng TBS Energi Utama. Khoản đầu tư có thể lên tới 1 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Mục tiêu tập trung vào việc đẩy mạnh phát triển hệ sinh thái xe điện hai bánh tại Indonesia.
Cùng năm, Gojek công bố hợp tác với Gogoro - một nhà sản xuất xe máy điện Đài Loan, khởi động một dự án thử nghiệm cho phép tài xế thuê xe máy điện tại Indonesia.
Dự kiến Gojek sẽ thí điểm 250 xe điện Gogoro và xây dựng 4 trạm thay pin. Mục tiêu sẽ có 5.000 xe máy điện và bổ sung thêm nhiều trạm thay pin trong tương lai.
"Gojek tham gia vào các dự án thử nghiệm cho phép tài xế thuê xe máy điện,... với sự hợp tác của công ty nhiên liệu quốc gia, các nhà sản xuất xe xuất xe tay ga và các tập đoàn sản xuất xe hơi nổi tiếng", phía doanh nghiệp cho hay.
Tại Việt Nam, Gojek cũng là một trong những doanh nghiệp hàng đầu tích cực chuyển đổi xe máy xăng sang điện. Gojek đã hợp tác với Selex Motors - một startup trong lĩnh vực xe máy điện của Việt Nam, triển khai thí điểm sử dụng xe máy Selex Motors trong các dịch vụ vận chuyển hành khách, giao đồ ăn, và dịch vụ giao hàng.
Phía Gojek cho biết, so với xe máy chạy bằng xăng truyền thống, xe máy điện Selex Camel giúp tiết kiệm lên đến 35% chi phí nhiên liệu và 50% chi phí bảo trì, giúp các tài xế tiết kiệm đáng kể chi phí vận hành, đồng thời giảm lượng khí thải carbon ra môi trường.
Các mẫu xe Selex Camel sử dụng công nghệ đổi pin, cho phép người lái xe có thể đổi pin nhanh và hiệu quả trong vòng 2 phút tại trạm đổi pin chung, đạt được phạm vi vận chuyển lên tới 150 km cho một lần sạc đầy.
Thông qua hợp tác, tài xế Gojek có thể đổi pin miễn phí tại hơn 30 trạm đổi pin ở Hà Nội và hơn 40 trạm tại TP. HCM. Ngoài ra, xe Selex Camel còn được trang bị bộ sạc di động, giúp người lái xe có thể sạc tại nhà dễ dàng, đáp ứng các nhu cầu sạc khác nhau của các đối tác tài xế.
Ông Sumit Rathor - CEO Gojek Việt Nam nhận xét: "Đến nay, các chương trình thí điểm xe máy điện chúng tôi đang thực hiện đã bước đầu thành công trong việc giúp chúng tôi hiểu và đáp ứng nhu cầu của các đối tác tài xế cũng như hỗ trợ các đối tác giảm thiểu chi phí hoạt động hàng ngày".
Ngoài hợp tới với Selex Motors, Gojek cũng đang triển khai thí điểm xe máy điện từ Dat Bike của Việt Nam. Công ty cho biết, việc sử dụng xe điện Dat Bike Weaver++ có thể giúp tài xế Gojek hạ thấp chi phí nhiên liệu tới hơn 4 lần so với xe xăng.
CEO Sumit Rathor khẳng định, Việt Nam là một thị trường quan trọng của Gojek. Do đó, những dự án hợp tác với Dat Bike, Selex Motors sẽ mang đến lợi ích cho toàn bộ hệ sinh thái của công ty, đồng thời tạo ra tác động tích cực đến cộng đồng.
Thực tế, không riêng các doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam, mà ở Thái Lan, Đài Loan và Indonesia, các nước này đều đang đẩy mạnh các phương án phát triển xe điện và có lộ trình chuyển đổi 100% cho tới năm 2035. Tại Trung Quốc, hầu hết tài xế Meituan - nền tảng giao đồ ăn lớn nhất nước này đang dùng xe đạp, hoặc xe máy điện.
Tại Đông Nam Á, áp lực ô nhiễm của ngành vận tải trong nền kinh tế số ngày càng lớn, buộc doanh nghiệp cũng phải vào cuộc. Báo cáo E-conomy 2022 của Google, Temasel, Bain & Company cho hay, các hoạt động vận tải, giao đồ ăn và thương mại điện tử sẽ làm gia tăng phát thải CO2 từ mức 6 tấn của năm ngoái lên 20 tấn năm 2030.
Riêng lĩnh vực vận tải trực tuyến (dịch vụ vận chuyển hàng và người phát sinh từ các yêu cầu đặt qua ứng dụng), báo cáo cho rằng có thể giảm 20-30% phát thải bằng cách chuyển sang dùng xe điện, kết hợp với tối ưu hóa lộ trình lái xe.
Về phía Selex Motors, CEO Nguyễn Hữu Phước Nguyên tin rằng, xu hướng chuyển đổi sang phương tiện giao thông xanh là rất quan trọng trong bối cảnh môi trường đang bị đe dọa bởi tác động của biến đổi khí hậu.
Bản thân Selex Motors trước đó cũng từng nhận tài trợ 3 triệu USD là trái phiếu chuyển đổi từ ADB Ventures Schneider Electric Energy Access Asia, Touchstone Partners và Sopoong Ventures.
"Điện hóa phương tiện giao thông đường bộ sẽ tạo động lực mang tính biến đổi cho ngành sản xuất xe điện và logistics tại Đông Nam Á", ông Charles Cole Navarro - Chuyên gia của quỹ đầu tư ADB Ventures chia sẻ.
Làn sóng phát triển xe điện đang nhận được sự chú ý rất lớn tại khu vực châu Á và Thái Bình Dương với ước tính giá trị hơn 777 tỷ USD vào năm 2027, tỷ lệ tăng trưởng hàng năm (CAGR) là 19,1%.
Trong khi đó, thị trường xe máy điện (E2W) tại Việt Nam là lớn nhất và tăng trưởng nhanh nhất trong các quốc gia ASEAN, xếp thứ hai trên toàn cầu.
Nguồn Nhà Quản Trị: http://theleader.vn/dong-von-xanh-thuc-day-mang-xe-dien-1696475572760.htm