Đồng yen trượt dốc, Nhật Bản theo dõi chặt chẽ thị trường

Đồng yen phục hồi nhẹ vào phiên 27/6 sau khi chạm mức thấp nhất trong 38 năm so với đồng USD, khiến các nhà đầu tư cảnh giác về khả năng Chính phủ Nhật Bản can thiệp vào thị trường.

Đồng tiền mệnh giá 10000 yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Đồng tiền mệnh giá 10000 yen của Nhật Bản. Ảnh: AFP/TTXVN

Ngoài ra, thị trường cũng lo ngại báo cáo liệu lạm phát sắp được công bố của Mỹ có thể gây ra một đợt biến động khác.

Theo đó, đồng yen đứng ở mức 160,45 yen đổi 1 USD trên thị trường châu Á vào thứ Năm, chỉ cách mức thấp nhất trong 38 năm là 160,87 yen đổi 1 USD ghi nhận hôm 26/6.

Trọng tâm chú ý của thị trường đang dồn vào Tokyo, sau khi Thứ trưởng Tài chính Masato Kanda hồi đầu tuần cho hay các nhà chức trách nước này đang theo dõi chặt chẽ diễn biến trên thị trường ngoại hối và sẵn sàng can thiệp.

Ngày 27/6, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Shunichi Suzuki bày tỏ lo ngại về tác động của đồng yen yếu hơn đối với nền kinh tế. Các quan chức Nhật Bản đang nhanh chóng phân tích bối cảnh của diễn biến này và sẽ thực hiện các biện pháp nếu cần thiết.

Chánh văn phòng Nội các Yoshimasa Hayashi cũng phát biểu trong một cuộc họp báo cùng ngày rằng Tokyo sẽ có hành động “thích hợp” chống lại những biến động quá mức trên thị trường tiền tệ. Ông từ chối bình luận về mức giá đồng yen và liệu chính quyền có can thiệp hay không.

Giới phân tích nói rằng các nhà giao dịch có thể tiếp tục thử thách để xem Chính phủ Nhật Bản sẽ hành động vào thời điểm nào. Một số người cho rằng đồng tiền này có thể xuống ngưỡng 165 yen đổi 1 USD, trong khi những người khác cảnh báo đồng yen có thể rơi xuống mức 170 yen đổi 1 USD.

Sự suy giảm mới nhất của đồng nội tệ Nhật Bản diễn ra khi có nhiều yếu tố không chắc chắn xung quanh thời điểm Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) cắt giảm lãi suất và sự thận trọng của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) trong việc thắt chặt chính sách tiền tệ. Fed vẫn lo ngại về lạm phát khó kiểm soát còn các quan chức Nhật Bản đang cố gắng tránh gây tổn hại cho nền kinh tế mong manh.

Chỉ số chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE) của Mỹ - thước đo lạm phát ưa thích của Fed – sẽ được công bố vào thứ Sáu tuần này (28/6 giờ địa phương). Những số liệu tốt hơn mong đợi có thể đẩy lùi kỳ vọng về việc Fed giảm lãi suất và gây thêm áp lực tăng giá lên đồng đô la.

Ông Masafumi Yamamoto, chiến lược gia tiền tệ tại công ty tài chính Mizuho Securities, cho biết, các nhà chức trách Nhật Bản có lẽ đang bắt đầu lo lắng không chỉ về tốc độ mà còn về mức độ suy yếu của đồng yen.

Nhưng các nhà phân tích nghi ngờ liệu việc điều chỉnh và thậm chí can thiệp có thể đảo ngược xu hướng suy yếu của đồng yen, khi lực đẩy chủ yếu cho điều này là sự thiếu chắc chắn về thời điểm Fed sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất.

Trong khi đó, cuộc họp ngày 30-31/7 của BoJ sẽ bị soi xét kỹ lưỡng. Cơ quan này đã khiến các nhà đầu tư thất vọng trong tháng Sáu khi trì hoãn việc kết thúc chương trình mua trái phiếu, vốn được sử dụng để giảm chi phí đi vay.

BoJ đã loại bỏ các tín hiệu về việc tăng lãi suất sắp xảy ra, mặc dù bất kỳ động thái tăng nào vẫn khiến chi phí đi vay của Nhật Bản ở mức rất thấp.

Ông Robert Brown, chuyên gia tại công ty dịch vụ tài chính MAS Markets cho biết đồng yen có thể mạnh lên trong thời gian tới, khi BoJ xem xét giảm mua trái phiếu và tăng lãi suất. Tuy nhiên, sự chênh lệch tỷ giá với các loại tiền tệ chính khác có thể tiếp tục gây áp lực lên đồng yen trong thời gian này.

Hương Thủy (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/dong-yen-truot-doc-nhat-ban-theo-doi-chat-che-thi-truong-20240627131534937.htm