Đột phá đàm phán thương mại với Trung Quốc giúp kinh tế Mỹ tạm thoát nguy cơ suy thoái
Các biện pháp thuế quan của Tổng thống Donald Trump đã khiến nền kinh tế Mỹ có nguy cơ suy thoái và đứng trước nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng. Nhưng vào phút chót, ông Trump quyết định rút lui.

Tàu chở hàng của hãng vận tải Trung Quốc COSCO neo tại cảng Long Beach, bang California, Mỹ. Ảnh: THX/TTXVN
Theo thỏa thuận đột phá giữa Mỹ và Trung Quốc được công bố ngày 12/5, hai nước sẽ hạ nhiệt cuộc chiến thương mại trong 90 ngày bằng cách giảm mạnh các mức thuế vốn đang ở mức nghẹt thở và khiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới gần như tê liệt.
Việc Mỹ và Trung Quốc cùng giảm mạnh thuế quan là một bước tiến rõ rệt so với chỉ vài ngày trước. Thỏa thuận này đã khiến Phố Wall bùng nổ và làm dấy lên hy vọng rằng cơn ác mộng do thuế quan gây ra có thể tránh được.
Tuy nhiên, các nhà kinh tế cho rằng vẫn còn quá sớm để tuyên bố rằng nền kinh tế Mỹ đã thoát khỏi nguy hiểm. Nguy cơ suy thoái vẫn còn dù đã giảm nhẹ.
Hiện thuế quan vẫn rất cao và cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong nhiều thập kỷ qua. Tình trạng bất định còn cao hơn thế. Những tổn thất đối với niềm tin và dòng chảy thương mại sẽ không thể được khắc phục ngay lập tức.
Hơn nữa, không có bài học nào hướng dẫn xem một nền kinh tế hiện đại cần phản ứng ra sao sau khi hứng chịu nhiều cú sốc dồn dập trong thời gian ngắn như vậy.
Ông Douglas Holtz-Eakin, Chủ tịch Diễn đàn Hành động Mỹ, nói: “Chúng ta còn lâu mới thoát khỏi rắc rối. Người ta nói rằng Tổng thống Trump đã đảo ngược chính sách. Thực tế thì không. Chúng ta vẫn duy trì mức thuế quan chưa từng thấy trong cả thế kỷ. Đó là một mức tăng thuế lớn”.
Quyết định “cứu Giáng sinh”

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Scott Bessent (phải) và Đại diện thương mại Jamieson Greer trong cuộc họp báo sau đàm phán với đại diện quan chức cấp cao Trung Quốc ở Geneva, Thụy Sĩ ngày 12/5. Ảnh: REUTERS/TTXVN
Mức thuế 145% mà Mỹ áp lên hàng hóa Trung Quốc là quá cao và không thể duy trì, tương đương với một lệnh cấm vận thương mại thực sự. Các chuyên gia chuỗi cung ứng cảnh báo nguy cơ gián đoạn nghiêm trọng.
Bà Erica York, Phó Chủ tịch phụ trách chính sách thuế liên bang tại Tổ chức Thuế, bình luận: “Điều này giúp ngăn chặn những hậu quả thảm khốc sắp giáng xuống nền kinh tế Mỹ”.
Bà York cho rằng đội ngũ kinh tế của ông Trump quay đầu và không áp mức thuế 145% cho thấy chính quyền đã nhận ra thảm họa sẽ lớn đến mức nào.
Dù trong những tuần gần đây, ông Trump nhiều lần thể hiện thái độ cứng rắn, nhưng ông vẫn rất nhạy cảm với hình ảnh các kệ hàng trống rỗng cũng như phản ứng của thị trường tài chính trước cuộc chiến thương mại leo thang.
Ông Peter Boockvar, Giám đốc đầu tư tại công ty Bleakley Financial Group, viết trong một báo cáo ngày 12/5: “May mắn là cả hai bên đều quyết định cứu Giáng sinh. Phía Mỹ đã lắng nghe cuộc khủng hoảng sinh tồn mà nhiều doanh nghiệp nhỏ đang đối mặt”.
Dù ông Trump đã quyết định giảm thuế lên hàng hóa Trung Quốc xuống còn 30% trong ít nhất 90 ngày, nhưng thuế nhập khẩu vẫn cao hơn rất nhiều so với đầu năm.
Theo phân tích của Moody’s Analytics dựa trên các thỏa thuận khung thương mại đạt được với Trung Quốc và Anh, mức thuế của Mỹ đã giảm từ 21,3% xuống còn 13,7%. Tuy vậy, đây vẫn là mức cao nhất kể từ năm 1910.
Với mức đó, theo ông Mark Zandi, nhà kinh tế trưởng tại Moody’s Analytics, thuế quan dự kiến sẽ làm lạm phát ở Mỹ tăng hơn 1 điểm phần trăm từ nay đến năm sau và đồng thời làm giảm tổng sản phẩm quốc nội giảm cùng mức đó.
Nguy cơ suy thoái giảm, nhưng chưa bằng không

Phó Thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong (giữa) trong cuộc gặp Tổng thống liên bang Thụy Sĩ Karin Keller-Sutter (phải) và Phó Tổng thống Guy Parmelin tại Geneva khi ông tham dự vòng đàm phán thương mại với quan chức Mỹ ngày 9/5/2025. Ảnh: THX/TTXVN
Sau khi cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung hạ nhiệt, ông Zandi đã hạ dự báo suy thoái nhưng không quá nhiều. Ông hiện đánh giá khả năng xảy ra suy thoái ở Mỹ trong năm nay là 45%, giảm từ mức cao nhất 60%.
Ông Zandi viết trong một email: “Nền kinh tế sẽ có một năm khó khăn nhưng nhiều khả năng sẽ tránh được suy thoái. Dĩ nhiên, nền kinh tế hiện rất dễ bị tổn thương nếu có điều gì khác xảy ra”.
Nói cách khác, cuộc chiến thương mại đã làm xói mòn mức độ an toàn của nền kinh tế Mỹ.
Ông Justin Wolfers, Giáo sư kinh tế tại Đại học Michigan, viết trên X rằng đúng là chính sách thương mại của Mỹ và triển vọng kinh tế hiện tốt hơn hôm qua rất nhiều, nhưng ông cũng nói thêm rằng tình hình hiện tại tệ hơn nhiều so với ngày ông Trump nhậm chức.
Sau khi ông Trump bất ngờ tăng thuế vào ngày 2/4, ông Wolfers cảnh báo rằng xác suất suy thoái có thể lên tới 75% nếu toàn bộ các mức thuế được duy trì. Hiện nay, ông Wolfers dự báo nguy cơ suy thoái đã giảm mạnh nhưng vẫn ở mức “mặt ngửa mặt sấp”, tức là 50/50.
Bà Kathy Bostjancic, nhà kinh tế trưởng tại Nationwide, hiện dự báo nền kinh tế Mỹ sẽ tăng trưởng nhẹ trong năm nay, cải thiện so với dự báo trước đó là không tăng trưởng. Nationwide vẫn dự báo lạm phát tăng lên 3,4% trong năm nay, nhưng đó là mức cải thiện so với dự báo 4% trước thỏa thuận Mỹ - Trung.
Nguy cơ mức thuế mới vẫn còn
Ngày 12/5, ông Trump thừa nhận rằng thuế quan đối với Trung Quốc vẫn có thể tăng mạnh trở lại.
Nói cách khác, cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung chưa kết thúc, dù đã bớt nghiêm trọng hơn rất nhiều. Các mức thuế không bị loại bỏ hoàn toàn khỏi “kho vũ khí” của Tổng thống Trump.
Một loạt mức thuế theo ngành vẫn đang treo lơ lửng, bao gồm các lĩnh vực như gỗ, chất bán dẫn, dược phẩm, đồng, khoáng sản chiến lược và xe tải.
Chỉ mới tuần trước, Bộ Thương mại Mỹ đã mở cuộc điều tra an ninh quốc gia đối với hoạt động nhập khẩu máy bay, động cơ phản lực và linh kiện, mở đường cho các mức thuế tiềm tàng với ngành hàng không.
Nguy cơ về các mức thuế bổ sung là lý do khiến ông Joe Brusuelas, nhà kinh tế trưởng của RSM, vẫn giữ nguyên dự báo 55% khả năng xảy ra suy thoái trong 12 tháng tới.