Đột phá, đồng bộ để du lịch phát triển bền vững

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, cần thực sự đổi mới tư duy, cách làm với các biện pháp sáng tạo, đột phá, đồng bộ; 'liên kết chặt chẽ, phối hợp nhịp nhàng, hợp tác toàn diện'. Đó là chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Hội nghị 'Phát triển du lịch Việt Nam nhanh, bền vững' ngày 15.11.

Phục hồi chưa đáp ứng kỳ vọng

Theo thống kê, 10 tháng năm 2023, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt gần 10 triệu lượt, tăng 4,6 lần so với cùng kỳ năm trước, vượt chỉ tiêu kế hoạch cả năm; khách nội địa đạt 98,7 triệu lượt. Tổng thu từ khách du lịch đạt 582,6 nghìn tỷ đồng. Du lịch được đánh giá là một điểm sáng trong phục hồi nền kinh tế, có tác động lan tỏa tới nhiều lĩnh vực, góp phần cải thiện ba động lực tăng trưởng là đầu tư, xuất khẩu và tiêu dùng.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cũng thừa nhận, “lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam phục hồi tương đối chậm, chưa đáp ứng kỳ vọng”. Nguyên nhân được chỉ ra là, một số thị trường trọng điểm truyền thống mở cửa từng bước, chưa lấy lại tốc độ tăng trưởng như trước đại dịch; công tác kết nối, khai thác các thị trường mới, thị trường tiềm năng còn chậm, gặp nhiều khó khăn; xu hướng lựa chọn các điểm đến gần thay vì lựa chọn điểm đến có khoảng cách xa của một số thị trường trọng điểm của Việt Nam; chậm kết nối, chậm khôi phục tần suất các đường bay quốc tế…

GS.TS. Trần Đình Thiên, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằn, du lịch chỉ phục hồi “tương đối” bởi còn nhiều vấn đề cần xem xét lại; đã "thông" một vài điểm nhưng chưa thông suốt. Ông phân tích, thời gian qua cho thấy vai trò đặc biệt quan trọng của du lịch nội địa, nhưng du lịch nội địa có lúc bùng lên rồi lại xẹp xuống. “Chúng ta phải kiểm điểm lại tại sao du lịch đã bùng lên, tưởng rằng sẽ bứt phá, rồi lại suy giảm như vậy? Chính sự suy giảm này làm cho niềm tin của người tiêu dùng hướng tới du lịch bên ngoài chứ không phải trong nước”, GS.TS. Trần Đình Thiên nói.

Chủ tịch HĐQT Sovico Holdings Nguyễn Thị Phương Thảo cho biết, trước dịch, mỗi ngày Vietjet có tới 40 chuyến bay quốc tế tới Nha Trang, nghĩa là khoảng 8.000 phòng khách sạn được lấp đầy. Nhưng hiện hàng không chưa có lợi nhuận; du lịch, khách sạn, nhà hàng hoạt động cầm chừng. Những điểm đến quốc tế như Phú Quốc, Nha Trang, con đường di sản miền Trung Huế - Đà Nẵng - Hội An, kỳ quan vịnh Hạ Long… đang đóng băng vài chục nghìn phòng khách sạn; dịch vụ giải trí, nhà hàng ngưng trệ.

Muốn phát triển bền vững, du lịch phải thật sự đổi mới về tư duy, cách làm. Nguồn: ITN

Muốn phát triển bền vững, du lịch phải thật sự đổi mới về tư duy, cách làm. Nguồn: ITN

“Hành động khẩn trương để điểm đến đông vui trở lại”

Du lịch đang hướng tới mục tiêu trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, đến năm 2025 đón ít nhất 35 triệu lượt khách quốc tế và 120 triệu lượt khách nội địa, đến năm 2030 đón 50 triệu lượt khách quốc tế, 160 triệu lượt khách nội địa. Để đạt mục tiêu trên, theo Tổng Giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, có rất nhiều việc phải triển khai.

Trước hết, cần cập nhật Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam, xét đến yếu tố cạnh tranh của Việt Nam so với các điểm đến khác trong khu vực. Xây dựng chương trình quảng bá và xúc tiến du lịch rõ ràng, có cơ quan theo dõi, đốc thúc và bảo đảm công tác triển khai. Đặc biệt, xây dựng kế hoạch phát triển hàng không xanh và bền vững, có chính sách hỗ trợ để các hãng hàng không và du lịch phục hồi trong năm 2024 và phát triển các năm tiếp theo. Kết nối dữ liệu khách du lịch, ứng dụng công nghệ thông tin chuyển đổi số để nâng cao chất lượng phục vụ và trải nghiệm của khách.

Cùng quan điểm, đại diện Sovico Holdings cho rằng, đã đến lúc cần hành động khẩn trương để những điểm đến đông vui trở lại, phải để Việt Nam thành điểm đến của du lịch quốc tế đầy bản sắc. Theo đó, cần tạo điều kiện để hàng không phục hồi nhanh nhất, ngay tháng 12.2023 và đầu năm 2024, thu hút khách du lịch, giao thương, đầu tư quốc tế đến Việt Nam. Chính phủ, các bộ, ngành cần tiếp tục thúc đẩy đàm phán với các quốc gia để có chính sách thị thực thuận lợi hơn; đầu tư vào công nghệ, ứng dụng công nghệ hiện đại vào hoạt động quản lý xuất nhập cảnh, cấp e-visa…

Theo GS.TS. Trần Đình Thiên, tương lai của Việt Nam là "mở" các ngành tài chính, thương mại, đầu tư, thì ngành du lịch phải mở ra ở tầm cao như vậy. Nếu chúng ta xây nhiều sân bay nhưng ít nối với nước ngoài, thì các hãng hàng không không phát triển tốt và đánh mất cơ hội rất lớn. Do đó, “nên định hình lại toàn bộ cấu trúc phát triển thì ngành du lịch mới có cơ hội phát triển bền vững”.

Hạnh Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/dot-pha-dong-bo-de-du-lich-phat-trien-ben-vung-i350315/