Đột quỵ tim khi trời lạnh: Làm sao để phòng tránh?

Theo chuyên gia y tế, thời tiết lạnh là một trong nhiều nguyên nhân khiến tỉ lệ đột quỵ tim tăng cao.

Thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM, mới đây, các bác sĩ Khoa Cấp cứu vừa tiếp nhận bệnh nhân 55 tuổi, trú tại Quận 2, TP.HCM trong trạng thái đau ngực dữ dội vùng sau xương ức.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp cần nhanh chóng đến bệnh viện như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp cần nhanh chóng đến bệnh viện như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức.

Theo người nhà, bệnh nhân vốn mắc đái tháo đường và rối loạn mỡ máu nhiều năm, thỉnh thoảng ông đau vùng thượng vị, đau ngực đột ngột, nhất là lúc ăn hoặc nằm ngủ. Bệnh nhân bất ngờ bùng phát cơn đau nên được gia đình cho đi cấp cứu.

ThS. Võ Anh Minh, Trung tâm Tim mạch Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM cho biết, bệnh nhân có những triệu chứng điển hình của cơn đột quỵ tim (nhồi máu cơ tim cấp). Kết quả đo điện tâm đồ phát hiện bệnh nhân bị nhồi máu cơ tim, khả năng tắc hoàn toàn động mạch vành phải.

Rất may mắn, từ lúc bệnh nhân khởi phát cơn đau cho đến khi nhập viện chỉ trong vòng 1 giờ, đây là “giờ vàng” trong điều trị nhồi máu cơ tim cấp nên khả năng được cứu sống, phục hồi mạch máu cao.

Còn theo thông tin từ Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương, cơ cở vừa tiếp nhân nam bệnh nhân 61 tuổi vào Phòng khám đa khoa Hùng Vương - Kim Xuyên cấp cứu vì đau ngực đột ngột. Bệnh nhân có tiền sử hút thuốc lá nhiều năm, tăng huyết áp. Điện tim có ST chênh lên tại các chuyển đạo trước tim.

Bệnh nhân được chuyển Trung tâm tim mạch - điện quang can thiệp Bệnh viện Đa khoa Hùng Vương cấp cứu. Tại đây bệnh nhân được chụp động mạch vành qua da, kết quả phát hiện hình ảnh hẹp khít đoạn gần LAD.

Theo bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, hiện nay miền Bắc đang trong thời gian không khí lạnh tăng cường, nhiều người phải nhập viện vì các bệnh lý tim mạch.

Mỗi ngày, tại Khoa Tim mạch và Trung tâm tim mạch – điện quang can thiệp (Bệnh viện đa khoa Hùng Vương) tiếp nhận rất nhiều bệnh nhân nhập viện vì các bệnh lý tim mạch. Trong đó chủ yếu là người cao tuổi và những người có tiền sử bệnh tim mạch trước đó, số lượng này tăng cao trong những ngày gần đây.

PGS.TS. Phạm Nguyễn Vinh, Giám đốc Trung tâm Tim mạch thông tin, Bệnh viện Tâm Anh cho biết, nhồi máu cơ tim cấp còn có tên gọi khác là đột quỵ tim, là tình trạng cơ tim bị thiếu máu nuôi và hoại tử do mạch vành bị tắc nghẽn đột ngột bởi cục huyết khối trong lòng mạch.

Đột quỵ tim có thể xảy ra ở bất kỳ độ tuổi nào cũng như vào mọi thời điểm trong năm. Tuy nhiên, mùa lạnh là lúc nguy cơ đột quỵ tim cao hơn cả, đặc biệt ở những người có sẵn yếu tố nguy cơ như suy tim, từng phẫu thuật hay can thiệp tim mạch, đái tháo đường, rối loạn mỡ máu, hút thuốc lá nhiều năm…

“Khi thời tiết lạnh, các mạch máu co lại khiến áp lực trong lòng mạch máu tăng lên dẫn đến tăng huyết áp, đồng thời thay đổi tình trạng đông máu khiến dễ hình thành cục máu đông hơn gây ra đột quỵ tim. Ngoài ra, việc thiếu hoạt động thể chất do ngại ra ngoài trong tiết trời lạnh cũng góp phần làm tăng nguy cơ này”, PGS. Phạm Nguyễn Vinh cho biết.

Để phòng ngừa đột quỵ tim hoặc tái phát bệnh trong mùa lạnh, PGS.TS. Vinh khuyến cáo, bên cạnh việc dùng thuốc đúng chỉ dẫn và tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ, người bệnh cần duy trì lối sống lành mạnh, tăng cường rau xanh và trái cây, kiêng rượu, bia, thuốc lá…

Vào mùa đông, người cao tuổi, người có bệnh nền tim mạch, đái tháo đường, bệnh phổi mạn tính (COPD) lưu ý giữ ấm cơ thể để tránh nhiễm lạnh, hoạt động thể chất đều đặn, đúng cách để giảm nguy cơ nhồi máu cơ tim cấp.

"Bên cạnh đó, những người từ 30-45 tuổi có ít nhất 2 yếu tố nguy cơ, người từ 45-55 tuổi có 1 yếu tố nguy cơ và người trên 55 tuổi nên thực hiện tầm soát nguy cơ đột quỵ tim định kỳ, đặc biệt là trước mỗi đợt rét đậm, rét hại để phát hiện sớm nguy cơ đột quỵ tim và can thiệp kịp thời", chuyên gia lưu ý.

Các bác sĩ khuyến cáo khi có một số dấu hiệu nhồi máu cơ tim cấp cần nhanh chóng đến bệnh viện như đau thắt ngực với biểu hiện đè nặng, đau tức, bóp nghẹn ở sau xương ức.

Cơn đau kéo dài 5-7 phút trở lên, có thể lan lên cằm, vai hoặc cánh tay; khó thở; tim đập nhanh; đổ mồ hôi lạnh; buồn nôn, khó tiêu/ợ chua, khó chịu hoặc đau dạ dày; tê mỏi tay chân; xây xẩm, chóng mặt; ngất xỉu.

Ngoài đột quỵ tim, theo các chuyên gia y tế khuyến cáo thời điểm xấu dễ gặp phải đột quỵ não mùa lạnh là vào rạng sáng hoặc nửa đêm. Do đó, để giảm thiểu những rủi ro của đột quỵ vì tác động của thời tiết, khí hậu, bạn nên áp dụng các biện pháp phòng tránh sau:

Thiết lập khẩu phần ăn có dinh dưỡng: Chế độ dinh dưỡng đóng vai trò quan trọng đẩy lùi nguy cơ đột quỵ mùa lạnh đến từ bệnh tim mạch, đái tháo đường, mỡ máu do vậy người dân nên tuân thủ các chế độ ăn uống hợp lý như:

Gia tăng khẩu phần ăn có các loại rau củ quả, đậu, ngũ cốc tốt cho sức khỏe; chọn thịt trắng, hải sản, trứng để giúp bổ sung protein, hạn chế thịt đỏ; hạn chế đồ ăn có chứa nhiều dầu mỡ, chất béo, thức ăn nhanh;

Hạn chế sử dụng các đồ uống có chứa nhiều đường; không nên dùng mỡ động vật để nấu nướng, chế biến thức ăn. Chẳng hạn như mỡ lợn đồng thời tránh ăn nhiều thịt mỡ, tóp mỡ, mỡ hành; tăng cường uống nhiều nước lọc, nước trái cây, sữa đậu nành.

Vận động, tập thể dục đều đặn: Tập thể dục, vận động cơ thể có vai trò tăng cường lưu lượng tuần hoàn máu trong cơ thể, cải thiện sức khỏe, nhịp tim khỏe mạnh. Vì thế, bạn nên tập thể dục ít nhất 30 phút/ ngày và 4 lần/ tuần để phòng tránh nguy cơ cao mắc tim mạch và đột quỵ mùa lạnh.

Giữ ấm cho bản thân: Nhiễm lạnh là yếu tố chính dẫn đến cao huyết áp làm cho mạch máu chịu áp lực và bị vỡ. Do đó, bạn nên giữ ấm cho bản thân đặc biệt là những người cao tuổi trong thời tiết mùa đông.

Hút thuốc lá, uống rượu bia mỗi ngày là nguyên nhân chính khiến đột quỵ mùa lạnh tăng cao. Trong đó, thuốc lá rất có hại cho sức khỏe của bản thân cũng như mọi người xung quanh. Nếu bạn duy trì lối sống khỏe, bỏ thuốc lá từ 2 - 5 năm thì nguy cơ đột quỵ ngang bằng với người chưa hút thuốc bao giờ.

Chuyên gia cũng khuyến cáo việc kiểm tra, theo dõi sức khỏe định kỳ là một trong các cách giúp ngăn ngừa đột quỵ mùa lạnh cũng như có biện pháp phòng ngừa với người có tiền sử đột quỵ. Từ đó, bác sĩ có thể đề ra kế hoạch điều trị tối ưu để kiểm soát tình trạng của bệnh hiệu quả, an toàn.

D.Ngân

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/dot-quy-tim-khi-troi-lanh-lam-sao-de-phong-tranh-d181026.html