Dự án Chăn hênh hỗ trợ kỹ thuật chăn nuôi an toàn sinh học

Dự án 'Năng suất Chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hòa nhập giới' gọi tắt là SAPLING/Chăn-hênh do Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI), nhóm tư vấn nghiên cứu Nông nghiệp quốc tế (CGIAR) phối hợp với Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh Sơn La triển khai thực hiện tại huyện Mai Sơn và Phù Yên trong thời gian 2 năm (2023-2024).

Hội nghị tổng kết Dự án Chăn-hênh

Hội nghị tổng kết Dự án Chăn-hênh

Đến nay, Dự án đã triển khai 5 hợp phần, gồm: Công nghệ và thực hành tăng năng suất bền vững; tăng đa dạng dinh dưỡng qua thực phẩm nguồn gốc động vật; năng suất chăn nuôi bền vững cho bình đằng giới và hòa nhập xã hội; chuỗi giá trị chăn nuôi hòa nhập và cạnh tranh; quyết đinh dựa trên bằng chứng, nhân rông mô hình.

Lớp tập huấn về giống và công tác giống bò, lợn tại bản Mé, xã Mường Bon.

Lớp tập huấn về giống và công tác giống bò, lợn tại bản Mé, xã Mường Bon.

Từ tháng 7/2023 đến nay, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh đã phối hợp với các đối tác của dự án triển khai 40 hoạt động tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật; tổ chức các lớp tập huấn, đào tạo về kỹ thuật chọn giống và chăn nuôi bò, lợn cho 232 nông dân; 1.183 hộ chăn nuôi được hướng dẫn trực tiếp tại hiện trường về những tiến bộ trong kỹ thuật trồng cỏ, sử dụng thức ăn chăn nuôi, lựa chọn khẩu phần ăn, chăm sóc sức khỏe và đảm bảo an ninh sinh học cho vật nuôi, giúp người dân tiếp cận với kiến thức khoa học, kỹ thuật mới nhất, áp dụng vào thực tiễn sản xuất, nâng cao hiệu quả chăn nuôi. Bên cạnh đó, 37 cán bộ thú y và cán bộ khuyến nông xã được tăng cường năng lực chuyên môn về thú y, đặc biệt là kỹ thuật thụ tinh nhân tạo cho lợn, bò.

Dự án cũng chú trọng đào tạo đội ngũ giảng viên, với 32 giảng viên ToT được bồi dưỡng kiến thức về cỏ và thức ăn chăn nuôi, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ thú y và nhân rộng kiến thức khoa học kỹ thuật đến với người chăn nuôi.

Thành viên nhóm chăn nuôi và gia đình, hộ chăn nuôi bản Khoa, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, trao đổi, thảo luận tại lớp tập huấn.

Thành viên nhóm chăn nuôi và gia đình, hộ chăn nuôi bản Khoa, xã Chiềng Chung, huyện Mai Sơn, trao đổi, thảo luận tại lớp tập huấn.

Ngoài ra, Dự án đã triển khai xây dựng các mô hình trình diễn trang trại chăn nuôi áp dụng các gói cải tiến của dự án Chăn-hênh với giải pháp xây dựng mô hình trang trại chăn nuôi gắn với trồng cỏ và xây dựng các trang trại đạt các tiêu chuẩn an toàn sinh học, phòng chống dịch bệnh hướng đến mục tiêu giúp người dân tiếp cận và áp dụng các gói kỹ thuật cải tiến của dự án Chăn-hênh, từ đó, nâng cao năng suất, phát triển chăn nuôi bền vững, cải thiện sinh kế, dinh dưỡng và thúc đẩy hòa nhập giới.

Từ kết quả và kinh nghiệm của dự án triển khai trong giai đoạn 2023 - 2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản tỉnh sẽ tiếp tục chuyển giao các kết quả nghiên cứu để các xã vùng dự án tiếp tục áp dụng, nhân rộng mô hình, nhằm tăng năng suất và cải thiện tính cạnh tranh của chuỗi giá trị chăn nuôi. Đồng thời, đề xuất xây dựng kế hoạch cho các dự án tiếp theo, bao gồm việc mở rộng quy mô dự án, triển khai các dự án mới liên quan.

Phan Trang

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/du-an-chan-henh-ho-tro-ky-thuat-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-nvbkAE7Hg.html