Dự án đường sắt Nhổn-ga Hà Nội bắt đầu khoan đường hầm | Hà Nội tin mỗi chiều

Sau một thời gian tạm dừng thi công phần ngầm vì vướng mặt bằng, ngày 30/7, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội đã chính thức khởi động phần khoan hầm ngầm.

Dự án đường sắt Nhổn - ga Hà Nội bắt đầu khoan đường hầm

Theo đại diện nhà thầu, hai robot được sử dụng để đào đoạn hầm ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ đào song song hai đường hầm cùng lúc ở độ sâu 17,8 m so với mặt đất. Chiều dài đoạn đi ngầm từ Kim Mã đến ga Hà Nội là 4,5 km.

Mỗi ngày robot sẽ khoan được khoảng 10m, khối lượng phế thải trong quá trình đào hầm sẽ được robot thu gom và đưa tự động ra bên ngoài. Đây được xem là công nghệ thi công hầm ngầm tiên tiến hàng đầu thế giới hiện nay.

Đoạn hầm ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được sử dụng hai robot đào song song.

Đoạn hầm ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội sẽ được sử dụng hai robot đào song song.

Dự kiến, đoạn tuyến đi ngầm sẽ hoàn thành vào năm 2027. Tổng số nhân sự cho công tác thi công là hơn 150 người.

Dự án đường sắt đô thị đoạn Nhổn - ga Hà Nội có tổng mức đầu tư hơn 30.000 tỷ đồng, đây là một trong những dự án giao thông công cộng đang được người dân Thủ đô rất mong chờ. Dự án đi qua 8 ga trên cao và 4 ga ngầm với tổng chiều dài là 12,5km.

Trong đó, đoạn trên cao Nhổn - Cầu Giấy dài 8,5km và đoạn đi ngầm Cầu Giấy - ga Hà Nội dài 4km. Khi đi vào hoạt động, tuyến metro Nhổn - ga Hà Nội được kỳ vọng sẽ là giải pháp xanh góp phần giảm ách tắc giao thông, ô nhiễm đô thị và nâng cao chất lượng cuộc sống cho người dân ở khu vực phía Tây Hà Nội.

Tổng số nhân sự thi công đoạn tuyến ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là hơn 150 người.

Tổng số nhân sự thi công đoạn tuyến ngầm của dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội là hơn 150 người.

Trong quy hoạch giao thông vận tải Hà Nội đến năm 2030, đường sắt đô thị được kỳ vọng là xương sống của mạng lưới giao thông vận tải thành phố. Loại hình này đáp ứng khoảng 30% nhu cầu đi lại của người dân.

Theo Kết luận số 49 của Bộ Chính trị, trong 12 năm tới, thành phố Hà Nội phải hoàn thành hơn 400 km còn lại của đường sắt đô thị với kinh phí cần bố trí thực hiện là khoảng 850 nghìn tỷ đồng.

Ngày 30/7, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chính thức khởi động phần khoan hầm ngầm.

Ngày 30/7, dự án đường sắt đô thị Nhổn - ga Hà Nội chính thức khởi động phần khoan hầm ngầm.

Hiện tại, Hà Nội đã đưa vào vận hành khai thác tuyến số 2A (Cát Linh - Hà Đông) với chiều dài 13km. Hai tuyến khác là tuyến số 3: Nhổn - Ga Hà Nội chiều dài 12,5km và tuyến số 2: Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo chiều dài 11,5km đang triển khai đầu tư xây dựng. Tổng chiều dài sẽ là 37km/413km, chiếm 9% tổng chiều dài mạng lưới theo quy hoạch.

Vì sao hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội vẫn chậm phát triển?

Có 7 nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm phát triển của hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: VnEconomy.

Có 7 nguyên nhân chính dẫn đến sự chậm phát triển của hệ thống đường sắt đô thị Hà Nội. Ảnh: VnEconomy.

Theo đại diện Ban quản lý đường sắt đô thị Hà Nội, có 7 nguyên nhân chính:

Thứ nhất, chưa bố trí nguồn lực thích đáng cho đầu tư phát triển đường sắt đô thị.

Thứ 2, các dự án đường sắt đô thị có tổng mức đầu tư lớn đều là các dự án quan trọng quốc gia nên trình tự và thủ tục phê duyệt dự án và điều chỉnh dự án phức tạp, kéo dài.

Ba là, vướng mắc trong công tác thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ tái định cư được xem là một trong các nguyên nhân chính, điểm nghẽn trong việc thực hiện các dự án, làm chậm tiến độ triển khai.

Thứ 4 là nhà thầu tư vấn thiết kế, giám sát, thi công xây dựng cơ bản đều là nhà thầu nước ngoài, không am hiểu quy định pháp luật Việt Nam.

Nguyên nhân thứ năm là do hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn, định mức, đơn giá vật tư, thiết bị chuyên ngành về lĩnh vực đường sắt đô thị ở Việt Nam chưa đồng bộ và đầy đủ, ít dự án để tham chiếu nên khó khăn trong việc quản lý đầu tư xây dựng.

Sáu là quy hoạch kết nối giữa đường sắt đô thị với các phương thức vận tải khác chưa đồng bộ,

Nguyên nhân cuối cùng là nguồn nhân lực tham gia vào quản lý, thực hiện dự án còn hạn chế, chưa tiệm cận với trình độ quản lý, kỹ thuật tiên tiến của quốc tế.

Tại Hà Nội, ngày 28/6, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thủ đô (sửa đổi) với nhiều quy định mới, đột phá. Có thể khẳng định Luật Thủ đô (sửa đổi) là một trong những khung chính sách bản lề, chìa khóa vàng có ý nghĩa đặc biệt thúc đẩy đường sắt đô thị, lấy định hướng phát triển giao thông làm cơ sở phát triển.

Việc đầu tư sớm và vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ.

Việc đầu tư sớm và vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội. Ảnh: Báo Điện tử Chính phủ.

Bên cạnh các quy định của Luật Thủ đô sửa đổi, Hà Nội đang nỗ lực xây dựng đề án đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, đột phá nhằm giải quyết các nút thắt, tập trung nguồn lực từ đó rút ngắn tiến độ thực hiện các dự án đường sắt đô thị.

Việc đầu tư sớm, vận hành hiệu quả hệ thống đường sắt đô thị sẽ nâng cao tỷ trọng vận tải hành khách công cộng, giảm phương tiện giao thông cá nhân, từ đó đem lại hiệu quả tích cực trong phát triển kinh tế - xã hội, giúp giảm ô nhiễm môi trường, ùn tắc và tai nạn giao thông.

Với quyết tâm chính trị cao, sự đồng lòng của các cấp chính quyền, sự chung tay góp sức của các doanh nghiệp và người dân, thành phố Hà Nội hoàn toàn có thể kiến tạo nên kỳ tích đường sắt đô thị, biến giấc mơ về một hệ thống giao thông hiện đại, văn minh thành hiện thực.

Trần Hằng

Nguồn Hà Nội TV: https://hanoionline.vn/du-an-duong-sat-nhon-ga-ha-noi-bat-dau-khoan-duong-ham-ha-noi-tin-moi-chieu-255273.htm