Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội để doanh nghiệp Việt vươn tầm

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam theo hướng ưu tiên phát huy nội lực sẽ là cơ hội rất lớn cho doanh nghiệp Việt tham gia và khẳng định mình. Tuy nhiên, do dự án có tính chất mới, công nghệ thi công phức tạp đòi hỏi các doanh nghiệp phải chuẩn bị mọi điều kiện, nguồn lực tốt nhất để đáp ứng yêu cầu. PGS,TS. Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam đã có chia sẻ với Báo Kiểm toán về vấn đề này.

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam. Ảnh minh họa

Theo ông, việc đầu tư dự án đường sắt tốc độ cao sẽ tạo ra những cơ hội nào cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước?

Dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam là một dự án lịch sử, có ý nghĩa không chỉ về kinh tế mà còn cả về an ninh quốc phòng, chính trị và xã hội. Đây là một ước mơ lớn của người dân Việt Nam, nhằm cải thiện hạ tầng giao thông, thúc đẩy các ngành kinh tế phát triển. Đường sắt tốc độ cao không chỉ là phương tiện vận chuyển mà còn thúc đẩy sự phát triển các đô thị dọc tuyến đường, tăng cường kết nối giữa các vùng kinh tế trọng điểm.

PGS,TS. Trần Chủng

PGS,TS. Trần Chủng

Về lợi ích trực tiếp cho các ngành kinh tế trong nước, những cơ hội lớn mà dự án đường sắt tốc độ cao có thể mang lại như sản xuất vật liệu xây dựng, sắt thép, xi măng và chế tạo cơ khí. Bên cạnh đó, các ngành liên quan đến công nghệ số, trí tuệ nhân tạo và robot sẽ có vai trò quan trọng trong việc vận hành và quản lý hệ thống sau này. Dự án cũng giúp nâng cao năng lực của các doanh nghiệp xây dựng trong nước khi tham gia vào một công trình lớn như vậy. Đặc biệt, dự án đường sắt tốc độ cao tạo nhu cầu sản xuất thiết bị, phương tiện trị giá hàng chục tỷ USD, mở ra cơ hội phát triển ngành công nghiệp đường sắt và các ngành phụ trợ.

Tôi hy vọng rằng, trong 15-20 năm tới, đường sắt tốc độ cao sẽ trở thành biểu tượng của sự phát triển đất nước. Khi đó, người dân Việt Nam sẽ có thể tự hào về một hệ thống giao thông hiện đại, không chỉ mang lại tiện lợi mà còn thúc đẩy sự phát triển bền vững cho nhiều thế hệ sau.

Dự án được triển khai lần đầu tiên tại Việt Nam, với nhiều công nghệ mới dự kiến được đưa vào thi công, với độ phức tạp cao. Vậy cơ hội, khả năng tham gia của nhà thầu Việt Nam trong dự án này như thế nào, thưa ông?

Dự án đường sắt tốc độ cao trên trục Bắc - Nam, với tổng chiều dài 1.541km, theo phương án của thiết kế cơ sở đã có hơn 900km cầu cạn, 133km hầm. Thực hiện dự án này đòi hỏi chúng ta phải áp dụng công nghệ tiên tiến nhất để đảm bảo an toàn và hiệu quả. Đây sẽ là thách thức lớn cho các doanh nghiệp xây dựng Việt Nam, nhưng cũng là cơ hội để chúng ta học hỏi và làm chủ công nghệ mới.

Các doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia vào nhiều giai đoạn của dự án, từ sản xuất vật liệu xây dựng, đến tham gia vào các khâu thiết kế, sản xuất và vận hành công nghệ. Điều quan trọng là chúng ta cần hợp tác chặt chẽ với các đối tác nước ngoài, tham gia từ khâu thiết kế để hiểu rõ hơn về công nghệ, từ đó nâng cao năng lực và làm chủ công nghệ trong tương lai.

PGS,TS. Trần Chủng

Chúng ta có lợi thế là đã từng thực hiện các công trình giao thông lớn, đơn cử như hệ thống cao tốc Bắc - Nam. Do đó, riêng về các hệ thống nền đường, cầu cống… thì nhà thầu Việt Nam có thể tham gia được, kể cả nhiều hạng mục thi công khó, phức tạp. Bởi, thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp đã từng bước làm chủ công nghệ hiện đại trong thi công lĩnh vực giao thông như: Tập đoàn Đèo Cả đang áp dụng công nghệ thi công hầm xuyên núi NATM. Công nghệ này giúp thi công linh hoạt trong nhiều điều kiện địa chất và an toàn hơn so với công nghệ xây hầm truyền thống. Hay, Tập đoàn Hòa Phát - một trong những doanh nghiệp sản xuất thép hàng đầu trong nước cũng khẳng định có thể sản xuất thanh ray cho tuyến đường sắt tốc độ cao này.

Khi triển khai dự án, đối với các công nghệ mới, Việt Nam chắc chắn sẽ phải nhận chuyển giao từ các quốc gia đường sắt tốc độ cao phát triển. Song ngay cả trường hợp này, doanh nghiệp trong nước vẫn có cơ hội tham gia sản xuất các chi tiết cho tàu hoặc liên danh với nước ngoài chế tạo như ray, ghi, thiết bị thông tin tín hiệu…

Tính đến thời điểm hiện nay, tại Việt Nam có không ít doanh nghiệp có công nghệ hiện đại, có đủ năng lực để có thể chớp cơ hội tham gia “siêu dự án” đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Từng tham gia các dự án: Metro Bến Thành - Suối Tiên, Cát Linh - Hà Đông và nhiều dự án giao thông lớn, Lãnh đạo Tập đoàn Cienco4 cho biết, đơn vị này có thể tự tin tham gia hầu hết các hạng mục đường sắt tốc độ cao. Ở lĩnh vực tư vấn, ông Đào Ngọc Vinh - Tổng Giám đốc Tổng công ty Tư vấn thiết kế giao thông vận tải (TEDI) cho biết, cách đây khoảng 3 năm, TEDI đã xác định xây dựng đội ngũ kỹ sư về đường sắt. TEDI đã kết thúc 2 lớp với gần 100 kỹ sư được đào tạo. Cuối năm 2025, đơn vị sẽ đào tạo được 300 kỹ sư.

Theo ông, doanh nghiệp Việt Nam cần chuẩn bị gì để tham gia "cuộc chơi" đường sắt tốc độ cao, thưa ông?

Tôi tin các doanh nghiệp Việt, với kinh nghiệm và nỗ lực học hỏi không ngừng sẽ hoàn toàn có thể tham gia và triển khai tốt dự án trọng điểm này. Nhưng để biến cơ hội thành hiện thực, phải chuẩn bị từ bây giờ, mà chuẩn bị quan trọng nhất chính là con người. Những kinh nghiệm từ những việc đã làm là nền tảng, nhưng cần có tư duy mới và tri thức mới.

Để thi công đường sắt tốc độ cao thì ngay từ bây giờ nhà thầu Việt Nam phải có kế hoạch rõ ràng và chiến lược cụ thể. Trong đó, bản thân nhà thầu phải đầu tư, đổi mới về công nghệ. Bởi việc thi công đường sắt cũng có những sự khác biệt so với đường bộ, như yêu cầu về kết cấu nền đường, đặc biệt đường sắt thì yêu cầu thẳng tuyến rất cao như xuyên hầm, xuyên núi nên đòi hỏi công nghệ thi công rất hiện đại… Chưa kể, khi thi công dự án đường sắt tốc độ cao sẽ có sự tham gia của robot, trí tuệ nhân tạo để kiểm soát chất lượng, đẩy nhanh tiến độ và giảm thiểu nguy cơ mất an toàn cho người lao động. Tức là việc ứng dụng công nghệ vào thi công, quản lý được nâng lên ở mức cao hơn.

Bên cạnh đó, các nhà thầu cần phải đào tạo lực lượng kỹ thuật, chuyên môn để phục vụ cho dự án đường sắt cao tốc này. Vì chúng ta chưa có kinh nghiệm nên phải tăng cường đào tạo, thậm chí sang nước ngoài để đào tạo, học tập kinh nghiệm của họ. Tôi được biết, nhiều doanh nghiệp bày tỏ sự quan tâm tới dự án đều đã khởi động quá trình chuẩn bị để đón đầu các dự án đường sắt tốc độ cao; trong đó có việc học tập kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và đào tạo nhân lực cho lĩnh vực này.

Xin trân trọng cảm ơn ông!./.

NHÓM PHÓNG VIÊN

Nguồn Kiểm Toán: http://baokiemtoan.vn/du-an-duong-sat-toc-do-cao-co-hoi-de-doanh-nghiep-viet-vuon-tam-35749.html