Dự kiến tăng trưởng công suất nguồn điện có thể lên tới 70 - 75%

Việt Nam đặt mục tiêu năm 2025 đạt tăng trưởng GDP 8%, từ năm 2026-2030 mỗi năm tăng 10%. Như vậy, để đáp ứng đủ điện cho yêu cầu phát triển, Dự thảo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đưa ra 3 kịch bản tăng trưởng công suất nguồn điện gồm kịch bản cơ sở là 45-50% và kịch bản cao từ 60-65% và kịch bản cực đoan là 70-75% so với hiện nay...

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.

Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới.

Đến nay, Dự thảo Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đã cơ bản hoàn thành và đang được lấy ý kiến rộng rãi từ các tầng lớp nhân dân, các bộ, ngành và địa phương liên quan.

Ngày 12/2/2025, Bộ Công Thương tổ chức họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch phát triển điện lực quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch điện 8 điều chỉnh).

CẦN HUY ĐỘNG 30,7 ĐẾN 40 TỶ USD ĐẦU TƯ NGUỒN ĐIỆN ĐẾN 2030

Tại buổi họp, ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), cho biết 3 mục tiêu chính của Quy hoạch điện 8 điều chỉnh được xác định rõ ràng nhằm đáp ứng nhu cầu phụ tải trong nước theo từng vùng miền; thúc đẩy mua bán điện trực tiếp và xuất khẩu điện sạch sang các nước lân cận.

Theo đó, Dự thảo Quy hoạch điện 8 chỉnh sửa đã đưa ra hai kịch bản: Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao, sát với các kịch bản phát triển kinh tế. Đồng thời, để đáp ứng nhu cầu nâng công suất điện cho toàn hệ thống, Việt Nam cần huy động từ 30,7 đến 40 tỷ USD vốn đầu tư đến năm 2030, chủ yếu từ tư nhân và doanh nghiệp ngoài nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên chủ trì cuộc họp tham vấn ý kiến Hội đồng thẩm định đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8.

Góp ý cho dự thảo sửa đổi Quy hoạch Điện 8, ông Nguyễn Anh Tuấn, nguyên Phó Viện trưởng Viện Năng lượng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, nhận định rằng việc điều chỉnh dự báo nhu cầu điện là cần thiết, phù hợp với thực tiễn và định hướng phát triển của Đảng, Nhà nước.

Theo ông Tuấn, với mức tăng trưởng GDP dự kiến 8% năm 2025 và 10% giai đoạn 2026 - 2030, nhu cầu điện sẽ tăng cao. Dự thảo Quy hoạch điện 8 đã đưa ra hai kịch bản: Tăng trưởng nhu cầu điện 10,3% theo phương án cơ sở và 12,5% theo phương án cao là sát với các kịch bản phát triển kinh tế.

Bên cạnh đó, việc tăng công suất điện mặt trời từ 18GW lên 34GW và điện gió từ 19,5GW lên 22GW là khả thi. Tuy nhiên, ông Tuấn cũng khuyến nghị: “Sự gia tăng của các dự án điện mặt trời nhỏ lẻ đòi hỏi năng lực quản lý và điều phối của cơ quan chức năng phải tốt hơn. Bởi thách thức lớn nhất của ngành điện hiện nay là quản lý hàng trăm nguồn điện nhỏ phân tán, liên quan đến các vấn đề pháp lý, kỹ thuật và đất đai".

Về điện khí LNG, dù Nghị định 80/2024/NĐ-CP đã ban hành quy định về cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa Đơn vị phát điện năng lượng tái tạo với Khách hàng sử dụng điện lớn, nhưng nhiều dự án vẫn chậm tiến độ do thiếu hợp đồng mua bán điện hoàn chỉnh.

Do đó, ông Tuấn khuyến nghị Chính phủ sớm ban hành các quy định chuyển ngang giá khí để khởi động các dự án quan trọng như: Điện khí Lô B và Nhơn Trạch.

Cũng liên quan đến giá điện, ông Ngô Tuấn Kiệt nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, đề xuất cần bỏ mô hình hợp đồng mua bán điện cố định, chuyển sang cơ chế thị trường linh hoạt hơn để phù hợp với tình hình mới. Đây là bước tiến quan trọng giúp Việt Nam xây dựng một hệ thống năng lượng bền vững và hiện đại trong tương lai.

CẦN CÂN BẰNG PHÁT TRIỂN NGUỒN ĐIỆN GIỮA CÁC VÙNG MIỀN

Nêu lên thực trạng, trong khi miền Bắc thiếu điện, miền Trung lại thừa, ông Tuấn khuyến nghị cần có chính sách phát triển hợp lý và phân bổ đầu tư đồng đều giữa các vùng để tối ưu hóa nguồn lực và giảm áp lực về vốn. Đồng thời cần tính toán phương án dự phòng theo vùng để tránh thiếu điện cục bộ, thay vì dự phòng chung toàn quốc.

Cũng đề cập đến sự mất cân đối trong phát triển kinh tế vùng miền, ông Nguyễn Thái Sơn, nguyên Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực, Chủ tịch Hội đồng Khoa học Tạp chí Năng lượng Việt Nam, cho rằng hiện tại, miền Bắc và miền Nam vẫn là hai trung tâm kinh tế chủ yếu, trong khi miền Trung – dù sở hữu nhiều tiềm năng năng lượng tái tạo – lại chưa được khai thác, phát triển nguồn điện đúng mức.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Các đại biểu đóng góp ý kiến cho Quy hoạch điện VIII điều chỉnh.

Ông Ngô Tuấn Kiệt nghiên cứu viên cao cấp, nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Năng lượng, đề xuất nghiên cứu một kịch bản phát triển kinh tế miền Trung để giảm bớt áp lực truyền tải điện ra miền Bắc và miền Nam. Điều này không chỉ giúp giảm thiểu rủi ro thiên tai đối với hệ thống truyền tải mà còn tận dụng tối đa các nguồn năng lượng sẵn có tại chỗ.

Cụ thể hơn, ông Sơn đề xuất cần chú trọng hơn vào việc đánh giá sự chênh lệch giữa các vùng trong dự báo nhu cầu điện. Trong khi có khu vực đạt mức 101% so với dự báo, một số vùng lại chỉ đạt dưới 80%, điều này đòi hỏi phải phân tích kỹ nguyên nhân để có giải pháp phù hợp trong điều chỉnh quy hoạch sắp tới.

Ngoài ra, ông Sơn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc rà soát lại cơ chế, chính sách và thủ tục hành chính nhằm loại bỏ những quy định không còn phù hợp, đơn giản hóa quy trình để khuyến khích doanh nghiệp tham gia đầu tư vào các dự án năng lượng. Đồng thời, phải có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan quản lý và giám sát, bảo đảm tính minh bạch trong quá trình thực hiện.

Về giải pháp điều hành, ông Sơn khuyến nghị, xây dựng kịch bản điều hành cao hơn mức dự báo để ứng phó với các tình huống bất ngờ, bảo đảm cung ứng điện ổn định cho nền kinh tế quốc dân. Đồng thời, thúc đẩy liên kết lưới điện với các nước trong khu vực như Lào và Trung Quốc, cũng như phát triển hạ tầng lưới điện thông minh (smart grid) nhằm nâng cao hiệu quả vận hành hệ thống điện quốc gia.

TÁI KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN ĐIỆN HẠT NHÂN LÀ BƯỚC ĐI CHIẾN LƯỢC

Cho rằng quyết định tái khởi động hai dự án điện hạt nhân là bước đi mang tính chiến lược, ông Kiệt khẳng định đây là lựa chọn tất yếu để đảm bảo nguồn cung năng lượng dài hạn. Với kinh nghiệm từ các nghiên cứu khả thi trước đây, Việt Nam có thể rút ngắn thời gian thực hiện, đặt mục tiêu hoàn thành hai nhà máy điện hạt nhân đầu tiên trong vòng 5-6 năm nếu có sự quyết tâm và cơ chế, công nghệ phù hợp.

Ngoài ra, ông Kiệt nhấn mạnh việc cần xem xét kỹ hơn về phát triển năng lượng mặt trời trên các hồ thủy điện để giảm chi phí truyền tải và diện tích đất sử dụng. Đây là giải pháp hiệu quả, vừa bảo vệ môi trường vừa nâng cao tính ổn định cho hệ thống.

Về nguồn than, vị chuyên gia này lưu ý, nhiều dự án lớn chưa tìm được nhà đầu tư và cần tạm dừng theo tinh thần Quy hoạch điện 8. Tuy nhiên, Việt Nam nên cân nhắc phát huy vai trò của các tập đoàn kinh tế nhà nước trong nước thay vì phụ thuộc quá nhiều vào nguồn vốn nước ngoài. Đặc biệt, việc đầu tư các công trình trọng điểm như nhà máy điện tại Quảng Trạch là cần thiết để giảm áp lực vốn.

Đồng tình với kế hoạch tái khởi động dự án điện hạt nhân, nhưng ông Tuấn cũng lưu ý rằng việc xây dựng nhà máy đầu tiên là thách thức lớn, đòi hỏi phải có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công nghệ và nhân lực. Với thủy điện tích năng và điện lưu trữ, lãnh đạo Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho rằng, cần nhanh chóng xây dựng cơ chế giá rõ ràng để thu hút đầu tư.

3 KỊCH BẢN TĂNG TRƯỞNG NGUỒN ĐIỆN

Kết luận tại cuộc họp, ông Nguyễn Hồng Diên, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị đơn vị tư vấn tiếp thu những ý kiến sau: Về dự báo tăng trưởng công suất nguồn điện, ở kịch bản cơ sở đề nghị phải điều chỉnh từ 45-50% so với Quy hoạch điện 8.

“Chúng ta đặt ra năm 2025 đạt tăng trưởng GDP 8%, từ năm 2026-2030 mỗi năm tăng 10%. Như vậy, kịch bản cơ sở phải để là 45-50% và kịch bản cao từ 60-65% so với hiện nay và kịch bản cực đoan là 70-75%”, Bộ trưởng chỉ rõ.

Đồng tình với các góp ý về cân đối phát triển nguồn điện giữa các vùng miền, Bộ trưởng cho rằng việc hình thành các trung tâm dữ liệu, tổ hợp công nghiệp sử dụng nhiều năng lượng sạch ở khu vực miền Trung thì tự nhiên miền Trung sẽ phát triển. Khi kinh tế miền Trung phát triển sẽ có cơ hội để khai thác được tiềm năng, lợi thế tự nhiên của miền Trung để phát triển năng lượng tái tạo..

Về nguồn điện, Bộ trưởng thống nhất phát triển tối đa tiềm năng của năng lượng tái tạo, tuy nhiên cũng phải tính đến tiềm năng và lợi thế ở vùng nào, miền nào tốt nhất để phát triển.

Về thủy điện và thủy điện tích năng, Bộ trưởng đề nghị khai thác triệt để, tối đa nguồn này vì vừa là năng lượng sạch, vừa là nguồn điện nền.

Về điện sinh khối, Bộ trưởng lưu ý cần phải tuân thủ tiêu chí 15 MW/triệu dân. Ngoài ra, nếu sử dụng những nguyên liệu từ rừng trồng hay phế thải, rác thải công nghiệp hay rác thải sinh hoạt phải tính theo định mức. Đặc biệt chú ý phát triển năng lượng mới. Điện, khí bao gồm cả khí tự nhiên trong nước và khí hóa lỏng và điện hạt nhân.

“Chúng ta sẽ phát triển hạt nhân tập trung, hạt nhân quy mô nhỏ trên phạm vi cả nước. Vì thế, Quy hoạch Điện 8 chỉnh sửa lần này đã đề nghị đến năm 2030 không chỉ Ninh Thuận mà ít nhất phải có 3 trong 8 điểm đã được xác định có thể xây dựng nhà máy điện hạt nhân”, Bộ trưởng khẳng định.

Ngoài ra, Bộ trưởng cũng đồng tình với đề xuất một số mỏ khí tự nhiên trong nước chậm tiến độ vẫn có thể đầu tư bình thường theo kế hoạch và sử dụng giai đoạn đầu là khí hóa lỏng. Như vậy, mới bảo đảm được an ninh năng lượng và nguồn điện nền. Đồng thời cũng cần chú trọng nguồn điện qua pin lưu trữ.

Về truyền tải, Bộ trưởng đề nghị trong Quy hoạch điện 8 điều chỉnh phải triển khai và áp dụng rộng rãi lưới điện thông minh. Bên cạnh đó, truyền tải liên miền phải tính đến phương án cáp ngầm, kể cả ngầm trên bờ và ngầm dưới nước, dưới đáy đại dương.

Bộ trưởng đồng tình với những ý kiến của các thành viên phản biện nêu về giá điện. Đồng thời, khẳng định tiến tới thị trường điện cạnh tranh cả ba cấp độ: Phát điện cạnh tranh, bán buôn điện cạnh tranh và bán lẻ điện cạnh tranh, có giá điện hai thành phần trong đó có cả giá mua và giá bán. Cũng như xác định khung giá theo giờ, xác định rõ khung giá cho tất cả các loại hình điện năng.

Bộ trưởng cũng đề nghị ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam phải đề xuất ngay lập tức giá điện của thủy điện tích năng, khẩn trương tách bạch giá truyền tải khỏi giá thành điện năng theo hướng thị trường, tính đúng, tính đủ, tính hết chi phí của giá truyền tải. Như vậy, mới có thể huy động được nguồn lực xã hội hóa trong lĩnh vực truyền tải, kể cả truyền tải liên miền và truyền tải nội miền. Đặc biệt cần phải có cơ chế đặc thù cho từng loại hình điện năng, nhất là nguồn điện nền và nguồn năng lượng mới.

Đề án điều chỉnh Quy hoạch điện 8 gồm 12 Chương. Mục tiêu đặt ra bao gồm: bám sát và cơ bản đáp ứng các chỉ tiêu về phát triển điện lực đến năm 2030 theo Nghị quyết 55/NQ-TW, nhịp độ phát triển kinh tế theo Nghị quyết 81 về Quy hoạch tổng thể quốc gia, đáp ứng được cam kết quốc tế về chống biến đổi khí hậu, đảm bảo chỉ tiêu về diện tích sử dụng đất các công trình năng lượng điện theo Quy hoạch sử dụng đất quốc gia.

Quy hoạch đã rà soát đồng bộ các yếu tố, thông tin dữ liệu đầu vào, các ràng buộc tính toán, xem xét tính động và mở phù hợp với bối cảnh và tình hình mới, kế thừa và phát triển tổng thể, tối ưu, đồng bộ, cân bằng giữa nguồn điện, phụ tải điện và lưới điện truyền tải.., đảm bảo tính khách quan, chính xác và tin cậy, hợp lý của các kết quả đầu ra của mô hình tính toán, đảm bảo cung cấp đủ điện năng cho nền kinh tế với chi phí tối thiểu, góp phần đáp ứng cam kết phát thải ròng bằng “0” năm 2050 của Việt Nam. Cụ thể:

+ Điện thương phẩm: năm 2030 khoảng 500-558 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1238 - 1375 tỷ kWh.

+ Điện sản xuất và nhập khẩu: năm 2030 khoảng 560-624 tỷ kWh; định hướng năm 2050 khoảng 1.2360 - 1.511 tỷ kWh.

+ Công suất cực đại: năm 2030 khoảng 90-100 GW; và năm 2050 khoảng 206 - 228 GW.

+ Hệ số đàn hồi điện thương phẩm/GDP giảm mạnh từ khoảng 1,25 lần trong giai đoạn 2026 - 2030 xuống 0,33 lần trong giai đoạn 2046 - 2050.

+ Tổn thất điện năng toàn hệ thống năm 2030 khoảng 6%, năm 2050 khoảng 5%.

+ Mức phát thải khí nhà kính từ sản xuất điện khoảng 204 - 254 triệu tấn năm 2030 và khoảng 27 - 31 triệu tấn vào năm 2050; hướng tới đạt mức phát thải đỉnh 170 triệu tấn vào năm 2030 với điều kiện nhận được sự hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, công nghệ và quản trị của các đối tác quốc tế theo Quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).

Nguyệt Hà

Nguồn VnEconomy: https://vneconomy.vn/du-kien-tang-truong-cong-suat-nguon-dien-co-the-len-toi-70-75.htm