Du lịch bứt khỏi lối mòn
Trào lưu Vietnam is calling đưa hàng loạt du khách quốc tế đến Việt Nam, kéo theo một làn sóng khác đang âm thầm lan tỏa: Local is calling. Xu hướng trước là một lời mời từ bên ngoài, còn xu hướng sau là tiếng gọi từ bên trong. Cả hai đều đang làm điều mà một số chiến dịch triệu USD chưa chắc làm được: giúp du lịch Việt bứt khỏi lối mòn tua mẫu và tạo cơ hội tự tái sinh.
Người Việt vào cuộc
Gần một tháng nay, trên các nền tảng mạng xã hội xuất hiện hàng nghìn tài khoản của người nước ngoài đăng video quay cảnh đang ở Việt Nam kèm dòng chữ Vietnam is calling (Việt Nam vẫy gọi). Điểm chung trong các video ngắn là hình ảnh một người tay cầm hộ chiếu, kéo vali ra sân bay hoặc đang ngắm nhìn thiên nhiên, trải nghiệm ẩm thực, văn hóa Việt trên nền nhạc sôi động.
Xu hướng Vietnam is calling hiện đang nằm trong tốp nổi nhất mùa du lịch hè 2025, tạo tiền đề cho một xu hướng khác bắt đầu manh nha trong chính cộng đồng người Việt trẻ, đặc biệt là giới làm sáng tạo nội dung và du lịch địa phương: Local is calling (Địa phương vẫy gọi).
Nguyễn Khánh Ly, 25 tuổi (Tân Châu, An Giang) vốn là một giáo viên tiểu học kiêm sáng tạo nội dung bán thời gian. Sau khi xem hàng loạt video Vietnam is calling do du khách nước ngoài thực hiện, cô nảy ra ý tưởng làm phiên bản An Giang is calling. “Tôi thấy họ quay Hội An, Hà Giang, Sa Pa đẹp mê hồn. Tại sao mình, người sống ở đây, lại không kể chuyện về chính nơi mình sinh ra?” Ly nói. Video ngắn của Ly ghi lại cảnh chợ nổi Long Xuyên lúc bình minh, phần hình ảnh và lời dẫn do chính cô lồng tiếng bằng giọng miền Tây đã thu hút gần 120.000 lượt xem trong 3 ngày.
Một số người trẻ ở các tỉnh như Sóc Trăng, Kon Tum, Tuyên Quang cũng nhanh chóng “bắt trend” tạo ra các phiên bản Local is calling khác nhau. Tại Sóc Trăng, Nguyễn Minh Thảo (21 tuổi), sinh viên ngành du lịch thực hiện chuỗi video Soc Trang is calling với các nội dung giới thiệu kiến trúc chùa Khmer, lễ hội Oóc-om-bóc và cách gói bánh pía truyền thống. Chỉ sau chưa đầy một tuần, một trong các video quay tại chùa Dơi đã cán mốc 150.000 lượt xem, chủ yếu đến từ người dùng tại Thái Lan và Nhật Bản.
Ở Kon Tum, Y H’Luân, 25 tuổi, người dân tộc Ba Na đăng tải video Kon Tum is calling bằng tiếng Việt kèm phụ đề tiếng Anh, ghi lại nghi lễ mừng lúa mới của làng Kon Klor. Hình ảnh đêm hội cồng chiêng, bếp lửa, những bộ trang phục truyền thống của người bản địa đã tạo hiệu ứng lan tỏa, được một số tài khoản du lịch quốc tế chia sẻ lại.
Tại Tuyên Quang, Đặng Ngọc Tùng (27 tuổi), làm nghề quay phim tự do, chọn cách lồng ghép lời kể của mẹ mình, một người dân tộc Cao Lan vào video Tuyen Quang is calling. Clip giới thiệu cách dệt vải thổ cẩm và nếp sống vùng núi Bắc Việt nhanh chóng được các diễn đàn yêu văn hóa Đông Nam Á chú ý.
PGS.TS Phạm Trung Kiên (Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam) nhận xét: “Chúng ta đã quen với việc du lịch Việt Nam được kể qua mắt người nước ngoài. Nhưng hiện tượng Local is calling lại là một sự đảo chiều đáng chú ý, ở đây chính người trong cuộc trở thành người kể chuyện”.
Theo ông Kiên, xu hướng này không chỉ góp phần giảm sự lệch pha trong truyền thông du lịch mà còn kích hoạt lòng tự hào bản địa. “Đây là lúc du lịch Việt không chỉ vẫy gọi quốc tế, mà còn khơi dậy năng lượng nội sinh từ người dân địa phương, những người hiểu rõ văn hóa, ngôn ngữ, tập tục, có thể kể lại mọi thứ bằng ngôn ngữ gần gũi và chân thật nhất”.
Chạm đúng xu hướng cá nhân hóa
Thay vì chỉ làm du lịch kiểu “mặt tiền” bằng những bức hình lung linh hay món ăn nổi tiếng, Local is calling hướng đến cách kể sâu hơn, tập trung vào những ký ức và trải nghiệm cá nhân.
Lê Minh Huy, một travel blogger 23 tuổi ở Gia Lai cho biết, anh đã thử làm một video kể về con đường đất đỏ dẫn đến rẫy cà phê nhà ngoại. “Lúc đầu tôi chỉ nghĩ quay cho vui. Nhưng sau đó nhiều người hỏi thăm: Gia Lai đẹp vậy hả? Đi thế nào, mùa nào? Tôi mới nhận ra giá trị của chính nơi mình tưởng chừng quá quen”.
PGS.TS Phạm Trung Kiên đánh giá, các nội dung dạng này sở dĩ dễ lên xu hướng nhờ yếu tố bản địa hóa và cảm xúc cá nhân hóa, hai điều thế hệ Z đặc biệt yêu thích. Trên TikTok, hàng loạt video đính hashtag như #TraVinhIsCalling, #LangSonIsCalling đang ghi nhận lượng tương tác cao dù không dùng hình ảnh chuyên nghiệp.

Rất nhiều du khách quyết định “xách ba lô lên và đi” sau khi xem những video giới thiệu về Việt Nam trên Facebook hoặc TikTok
Trần Thị Lan, sinh viên năm cuối Trường Đại học Luật Hà Nội chia sẻ: “Tôi chưa từng quay video quê mình vì nghĩ ở quê chẳng có gì. Nhưng sau khi xem Hà Giang is calling do một bạn dân tộc Dao đăng, tôi quyết định về quê làm clip về làng nghề bánh đa làng Chều, Nguyên Lý, Lý Nhân, Ninh Bình. Tôi nhận ra quê mình cũng rất đặc biệt”.
Theo khảo sát trên nền tảng thông tin du lịch Klook, có đến 62% du khách tại châu Á - Thái Bình Dương lựa chọn hành trình dựa vào các đề xuất từ người dùng mạng xã hội thông thường, không cần là người nổi tiếng. Thậm chí, 79% du khách đặt tua, khách sạn để được trải nghiệm ngay sau khi xem và cảm thấy hứng thú với nội dung trên TikTok, Instagram, Facebook.
Tại Việt Nam, hơn 90% du khách trẻ chọn điểm đến nhờ những video lan truyền mạnh mẽ trên internet, ảnh đẹp hoặc khung cảnh có thể check-in.
PGS.TS Phạm Trung Kiên cho rằng, đây chính là tiềm năng đáng chú ý của trào lưu Local is calling: “Không nhất thiết phải có đông khách mới gọi là điểm đến du lịch. Tại thời điểm người trẻ bắt đầu quay lại và kể về nơi mình sinh ra, đó chính là bắt đầu của hành trình định hình bản sắc địa phương từ góc nhìn đương đại. Đây là một hình thức làm du lịch từ gốc, bền vững hơn nhiều so với các chiến dịch truyền thông nhất thời”.
Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/du-lich-but-khoi-loi-mon-post1759180.tpo